Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Không thực tâm cải cách thì vào TPP vô ích

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg8373113-305

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam (phải) và Bà Barbara Weisel, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Mỹ tại cuộc họp báo chung ở Singapore vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 sau khi kết thúc một vòng đàm phán TPP.
AFP PHOTO / ROSLAN Rahman

Nghe Bài Này

Với hy vọng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có thể  được thông qua vào cuối năm 2014 và Hiệp định thương mại tự do với EU đầu năm 2015, Hà Nội hy vọng có một lộ trình nhất định để Việt Nam thực hiện những cải cách then chốt, đáp ứng những điều kiện khắt khe để được hưởng lợi.

Kinh tế hay kinh tế chính trị?

TS Phạm Chí Dũng nhà nghiên cứu độc lập ở TP.HCM cảnh báo tình trạng Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được, nếu nhà nước chỉ cải cách nửa vời để được chấp nhận tham gia TPP.
Được biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có tham vọng thiết lập một khu vực thương mại tự do trải dài từ Úc qua một phần Đông Nam Á tới Châu Mỹ. Khu vực này chi phối 40% GDP và 1/3 trao đổi thương mại toàn cầu. Việt Nam hy vọng rất nhiều về việc gia tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tới các nước TPP trong đó có các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada... TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Cái khó khi vào TPP mà anh không thay đổi, không cải thiện ngay hệ thống luật pháp, cũng như triển khai và thực thi luật pháp thì chính anh sẽ bị thiệt hại đầu tiên. Việt Nam sẽ bị thiệt thòi đầu tiên trong cuộc cạnh tranh quốc tế, tức là thuế suất có thể giảm từ 15%-17% xuống 0% cho dệt may lộ trình tới năm 2016. Nhưng chưa kịp xuất hàng đi thì coi chừng đã phải nhập hàng với thuế suất 0%. Tại vì  khác với định chế Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đối với TPP có thể nói đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng hơn nhiều và không có ưu ái cho ai hết. Đây là một cuộc cạnh tranh công bằng và nếu như một bên không thể tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của họ thì họ chỉ có thiệt thòi mà thôi.
Không nâng cao được ít nhất về mặt nhận thức TPP là cái gì, TPP thực chất là vấn đề kinh tế hay còn là vấn đề kinh tế chính trị... thì lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lãnh đủ.
-TS Phạm Chí Dũng
Tôi e rằng cuộc chơi sắp tới ngay cả khi Việt Nam được tham gia vào TPP trong tình trạng hiện nay, không cải cách doanh nghiệp nhà nước, không nâng cao được ít nhất về mặt nhận thức TPP là cái gì, TPP thực chất là vấn đề kinh tế hay còn là vấn đề kinh tế chính trị... thì lúc đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lãnh đủ và nền kinh tế việt nam sẽ không thể nhờ váo cứu cánh TPP để có thể phục hồi, thoát khỏi suy thoái hiện nay.”
Báo chí Việt Nam trích lời ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp của Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế: Việt Nam đang tới gần hơn Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Việt Nam và Hoa Kỳ ở trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, trong đàm phán với Hoa Kỳ hai bên đã giải quyết được 7 trong số 10 điểm khác biệt. Theo lời nhân vật từng là Bộ trưởng Thương Mại thì vào TPP một trong những vấn đề đau đầu đối với Việt Nam là điều kiện về quyền tự do lập nghiệp đoàn. Quan điểm của Hà Nội là chỉ có một Tổng liên đoàn lao động và không thể chấp nhận yêu cầu này. Tuy vậy, ông Trương Đình Tuyển khẳng định, Việt Nam sẽ thỏa hiệp vấn đề này bằng cách mở rộng quyền của công đoàn cơ sở.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng:

000_Hkg8373114-250
Trưởng đoàn đàm phán TPP từ 11 quốc gia, Australia, Brunei, Canada, Chile, Singapore, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ và Việt Nam tham dự cuộc họp báo chung ở Singapore vào ngày 13 tháng 3 năm 2013 sau khi kết thúc một vòng đàm phán TPP. AFP PHOTO / ROSLAN Rahman.
“Tổ chức công đoàn dù thành lập bằng hình thức nào thì cũng vẫn phải tôn trọng quyền của người công nhân của những người tham gia công đoàn là điều thiết yếu nhất. Nếu tin ở công nhân, tin ở người dân của mình thì tôi nghĩ nhà nước hoàn toàn có thể cải thiện những qui định liên quan về công đoàn được.
Nhưng lâu nay hệ thống công đoàn cũng chưa thực sự làm tốt vai trò của mình, thí dụ nhiều trường hợp được nêu lên báo chí và trường hợp thực tế là ở Việt Nam tình trạng đình công tăng lên rất nhiều, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ đình công nhưng hầu hết không được công đoàn dẫn dắt. Ở đây người ta có ý phê phán vai trò của công đoàn là chưa thực sự nắm được yệu cầu của công nhân và không tham gia giải quyết được những bức xúc, để đến mức công nhân phải đình công theo một cách tạm gọi là tự phát. Từ đó gây ra những rắc rối nhất định và thậm chí họ còn đặt vấn đề phải chăng công đoàn ăn lương của các ông chủ nên đứng về phía các ông chủ chứ không đứng về phía công nhân. Với những điều như vậy nó đòi hỏi thay đổi hệ thống công đoàn, chính bản thân hệ thống công đoàn hiện nay muốn giữ được vị trí của mình, muốn phát triển được thì phải thay đổi cách hoạt động của mình, phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của công nhân, phải thực sự đại diện cho công nhân.”

Quyền lập hội của người lao động

TS Phạm Chí Dũng nhận định là, vấn đề quyền lập hội của người lao động gần như là một điều kiện tiên quyết đặt ra cho việc Việt Nam có được vào TPP hay không bên cạnh vấn đề nhân quyền và vấn đề doanh nghiệp nhà nước. TS Phạm Chí Dũng cho là thực tế đã minh chứng là khó tin tưởng sự hứa hẹn của nhà nước Việt Nam. Ông nói:
Thực chất các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bây giờ vô cùng khốn khó và tính độc quyền quá cao. Thay đổi nó chính là thay đổi cái nồi cơm làm họ mất đi quyền lợi.
-TS Phạm Chí Dũng
“Tháng 10/2013 trong vòng đàm phán ở Brunei nghe nói một số nước trong TPP xác nhận là có thể cho nhà nước Việt Nam ân hạn trong vòng 5 năm để cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Đó là một điều kiện cần cùng với vấn đề nghiệp đoàn lao động. Nhưng thực chất các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam bây giờ vô cùng khốn khó và tính độc quyền quá cao. Thay đổi nó chính là thay đổi cái nồi cơm làm họ mất đi quyền lợi, thế thì làm sao có thể cải cách được. Sau khi có xác nhận về ân hạn 5 năm thì cũng có một vài động thái ở Việt Nam về cải cách doanh nghiệp nhà nước, rồi cổ phần hóa, nhưng tất cả cũng chỉ là trên từ ngữ mà thôi. Trong thông điệp đầu năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập giảm độc quyền xóa độc quyền. Nhưng mà cho tới nay thì tất cả những mặt hàng chiến lược chẳng hạn như xăng dầu rồi điện và sữa vẫn còn y nguyên và vẫn bùng nhùng tăng giá đè đầu cưỡi cổ người dân.”
Trong đàm phán TPP, Hoa Kỳ đòi hỏi nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Việt Nam muốn duy trì bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước cũng được nhưng phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân, không được hưởng đặc quyền đặc lợi. Trong đàm phán FTA với EU, theo lời cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển Việt nam được yêu cầu phải chấm dứt mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước cả trên luật pháp cho tới thực tiễn. Trong đó có vấn đề đất đai, cũng như được cấp tín dụng chỉ định từ ngân hàng thương mại của nhà nước.
Ngoài những thay đổi căn bản về thể chế để có thể đạt tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định thương mại tự do với EU, việc hưởng lợi từ xuất khẩu hàng hóa miễn thuế vào các thị trường liên quan cũng không phải là một món quà dễ dàng. Thí dụ hàng dệt may vào TPP để hưởng thuế suất 0% mà hiện nay xuất vào Hoa Kỳ chịu thuế trung bình 17%, ngành dệt may phải vượt qua điều kiện cực kỳ khó khăn là phải bảo đảm sợi dệt được sản xuất nội khối TPP. Dệt may Việt Nam hiện nay lệ thuộc nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc, nếu nhập bông sợi từ Mỹ thì giá thành sản xuất sẽ tăng cao khó cạnh tranh
.

Không có nhận xét nào: