Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Đan Quế và các thành viên Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam: Hòa thượng Thích Không Tánh, chị Dương Thị Tân, nhà báo Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng (BVN) - Buổi thăm người được đề cử giải Nobel hòa bình không ngờ lại hiện ra một tinh thần khoan hòa không kém: Khoan dung , Yêu thương, Cảm thông.
Nguyễn Đan Quế - vị bác sĩ lội ngược dòng đến bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 30/4/1975 thay cho câu chuyện lên máy bay di tản, là người nêu ra tinh thần trên. Ông thực sự bức xúc về câu hỏi vì sao đã mấy chục năm trôi qua, những tù nhân lương tâm như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Trần Khải Thanh Thủy… vẫn bị một số dư luận người Việt ở hải ngoại dành cho cái nhìn không mấy thiện cảm. Cũng từ nhiều năm qua, những săm soi và nghi vấn về động cơ, xét lại về nhân thân, thậm chí quy kết về “người của cộng sản” vẫn còn dai dẳng.
Hòa thượng Thích Không Tánh - người trụ trì ngôi chùa duy nhất còn chơ vơ trên bãi đất trống Thủ Thiêm đã bị giải tỏa trắng để xây “chùm đô thị hiện đại của Đông Nam Á” - cũng thật đồng cảm với bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Vị chân tu đã từng ba lần chịu cảnh tù giam chế độ với thời gian lên đến 15 năm này cảm thấy khó hiểu khi ngay cả Cù Huy Hà Vũ, một trong những nhân vật đấu tranh nhiệt thành để loại trừ dự án boxit từ Trung Quốc và đã phải chịu án tù, song chỉ mới vài ngày được trả tự do đã bị một số ai đó thẳng tay phán xét.
“Họ đang tranh đấu cho con đường dân chủ, thế nhưng họ lại cho rằng ra tù rồi phải ở lại trong nước mới là người đấu tranh, còn đi Mỹ như luật gia Cù Huy Hà Vũ là chạy trốn. Chỉ mới những bước đi đầu tiên của dân chủ mà đã suy nghĩ có phần cực đoan như thế, thử hỏi làm sao xây dựng được một nền dân chủ đúng nghĩa?” - ngôi nhà nhỏ bé của bác sĩ Nguyễn Đan Quế chợt xao động bởi lời trần thuật ruột rà thẳng tuột này.
Nguyễn Đan Quế và Thích Không Tánh - cả hai ông đều đã trở thành những người thụ án tù chính trị kỷ lục ở Việt Nam. Cả hai người cũng đều nhìn thấy một vận hội mới đang len lén đến với đất nước kể từ năm 2013 đến giờ. “Phải bỏ qua tất cả những cái nhỏ nhặt để đồng lòng hướng về con đường chung” – Thầy Không Tánh xác quyết.
Còn với bác sĩ Nguyễn Đan Quế, sự bỏ qua đó chính là tinh thần vừa khoan dung, bày tỏ lòng yêu thương và ngay trước mắt là sự cảm thông cần có của những người chưa từng ở tù đối với những nạn nhân vừa thoát khỏi chốn lao tù.
“Mọi người Việt Nam đến là đến với đường lối mới Tự Do - Dân Chủ, chứ không phải đến với một cá nhân hay một phe đảng nào. Tại mỗi địa bàn bất cứ cá nhân nào có khả năng nhất và tích cực nhất, thì người đó phải hướng dẫn các anh chị em khác cùng hoạt động để biến đường lối mới thành hiện thực. Và quần chúng sẽ đánh giá ai là người xứng đáng lãnh đạo họ ở cấp địa phương cũng như trên toàn quốc” - bác sĩ Nguyễn Đan Quế bộc bạch.
Từng một số lần được đề cử giải Nobel, Nguyễn Đan Quế là một trong số ít tiếng nói trong nước có ảnh hưởng đến quốc tế. Vào lần này, ông được chính giới Hoa Kỳ, Canada, một số tổ chức phi chính phủ trên thế giới và một bộ phận cộng đồng người Việt ở hải ngoại tiếp tục tri ân bằng danh hiệu ứng viên Nobel hòa bình.
Song đặc biệt hơn, năm nay bác Sĩ Nguyễn Đan Quế còn được Ủy Ban Nhân Quyền các Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ (Committee on Human Rights of the National Academies) và Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đề cử nhận Giải Nhân Quyền Gwangju. Đây là một giải nhân quyền cao quý của Đại Hàn, do Quỹ Tưởng Niệm biến cố 18 tháng Năm thành lập, để tưởng niệm các nạn nhân, phần đông là sinh viên, bị nhà độc tài Chun Doo-hwan ra lệnh sát hại trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ năm 1980. Vào năm 2004, một nhân vật nổi tiếng quốc tế đã được tặng giải này - nữ lãnh tụ đảng đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Riêng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông tâm tình: mọi giải thưởng đều cao quý, nhưng dân tộc mới là trên hết.
Ngôi nhà nhỏ ấm cúng của ông vụt rộn tiếng cười. Ngày hôm nay 22/4/2014, những người đồng cảnh và đồng cảm trong Hội Cựu tù nhân lương tâm đến thăm ông. Bó hoa lan tím nồng nàn tình thủy chung được trao cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế lại đến từ tay chị Dương Thị Tân - người bạn đời của một tù nhân lương tâm nổi bật vẫn còn chìm lặng giữa bốn bức tường đen đúa không biết đến bao giờ: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Khoan dung, Yêu thương, Cảm thông - bất cứ ai khi được tự do và hòa mình vào ánh sáng vinh quang, xin hãy nhớ đến những người thân còn lại.
Nhớ để hành động.
Phạm Chí Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét