Một lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam nói ông "rất tiếc" trước quyết định rút đăng cai ASIAD 18 và gọi đó là "một thiệt thòi lớn cho ngành thể dục thể thao".
Nguyên nhân dẫn đến quyết định này, là do việc chuẩn bị chưa được chặt chẽ, cũng như những khó khăn về kinh tế hiện nay của Việt Nam, ông Dũng được các báo trong nước dẫn lời cho biết.Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra trong cuộc họp hôm 17/04, sau khi nghe báo cáo của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo của văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 18/4, ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, người đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động đưa ASIAD về Việt Nam, nói ông "rất tiếc" vì cho rằng "có nhiều vấn đề vẫn chưa làm rõ cho thủ tướng."
"Nếu ngưng đăng cai thì sẽ không còn ai kêu la là số tiền đó là lãng phí nữa. ASIAD thì đúng là có tốn tiền thật, nhưng mang lại những giá trị rất lớn," ông nói.
Trong khi đó, Tân Hoa xã trong tin đăng ngày 18/4 dẫn lời ông Husain Al Musallam, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kỹ thuật Hội đồng Olympic châu Á (OCA) cho rằng "đó là quyết định tốt nhất mà phía Việt Nam có thể đưa ra, dựa vào tình hình hiện nay."
"Việt Nam đang làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á 2016, và đây chắc chắn sẽ là một thành công lớn," ông nói.
'Thiệt thòi cho ngành thể thao'
"Đó là một thiệt thòi lớn cho ngành thể dục thể thao"
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam
Nhận định về phát biểu của Thủ tướng Dũng trong đó chỉ ra các sự kiện thể dục thể thao lớn được tổ chức tại Việt Nam cho thấy "hầu hết nguồn thu không bù đắp chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao," ông Giang nói:
"Đúng là một số nước đăng cai tổ chức thì đã làm những công trình to lớn, ví dụ như sân vận động tám vạn chỗ ngồi ở Bắc Kinh, sau khi tổ chức xong Olympics thì không sử dụng nữa mà chỉ làm địa điểm du lịch tham quan. Thế nên Thủ tướng nghĩ vậy cũng đúng."
"Thế nhưng Olympics ở London năm 2012 thì không mắc vào những sai lầm giống Trung Quốc và những cơ sở thi đấu Olympics sau đó được sử dụng vào những công việc khác một cách rất hợp lý. Bên cạnh đó, London không những lỗ mà còn thu lãi từ Olympics."
Ông Giang cho rằng kế hoạch tổ chức ASIAD với mức dự toán kinh phí khoảng 150 triệu đôla được trình lên chính phủ là "rất có cơ sở".
"Đáng tiếc là các cơ quan của chính phủ như Bộ Kế hoach Đầu tư, Bộ Tài chính thì cho rằng như thế là không đủ, và nếu cần hơn nữa thì lấy đâu ra," ông nói.
"Công tác thuyết trình không đi đến nơi đến chốn, thủ tướng đã kết luận như thế thì đành chịu thôi."
"Đó là một thiệt thòi lớn cho ngành thể dục thể thao".
'Giảm uy tín'
Ông Hoàng Vĩnh Giang nói quyết định rút đăng cai ASIAD sẽ khiến uy tín của Việt Nam đối với các nước trong khu vực "ít nhiều bị suy giảm".
"Việt Nam tham gia các hoạt động trong khu vực thì uy tín sẽ không như trước nữa đâu," ông nói.
"Chúng ta đã có một quá khứ rất kém trong thể thao. Dần dần cho đến giờ phút này, Việt Nam đã trở thành một trong những nước hoạt động về Olympics rất tốt và công tác thể dục thể thao cũng được quý trọng."
"Một sự rút lui như thế sẽ dẫn đến chuyện người ta nói rằng "các ông Việt Nam nói mà lại không giữ lời"."
Mặc dù thừa nhận "những lý lẽ thủ tướng đưa ra thì cũng đúng, vì Việt Nam chưa đăng cai ASIAD lần nào", nhưng ông Giang cho rằng "còn 5 năm nữa, nếu cố gắng học tập thì chúng tôi cũng có thể tổ chức tốt ASIAD."
"Thủ tướng đã kết luận rồi, tôi mặc dù tiếc thì tiếc thật, thế nhưng ngành thể thao phải làm việc theo sự chỉ đạo của chính phủ, mà cụ thể ở đây là thủ tướng," ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét