VRNs (22.04.2014) – Sài Gòn - Trong Lịch sử chiến tranh Việt Nam, người lính miền Nam Việt Nam giữ một vị trí ít ai mong muốn. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH) (tức là lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam) thường bị xem như là một quân đội bù nhìn, chỉ giữ vai trò thứ yếu trong cuộc chiến, một cuộc chiến vốn chỉ được xem như là sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Bắc Việt.
Thế nhưng chỉ cần phân tích sơ lược con số thống kê về chiến tranh Việt Nam cũng sẽ cho thấy sự sai lệch của lập luận kể trên. Với trên 200.000 thương vong, tổn thất quân sự của miền Nam Việt Nam cao hơn nhiều so với con số thương vong của binh lính Hoa kỳ, như sử gia Andrew Wiest nhận định “This is simply not the story of a nation that didn’t bother to fight. [the south Vietnamese] fought and seemingly fought hard” (đơn giản đây không phải là lịch sử của một quốc gia không chiến đấu. Họ [miền Nam Việt Nam] đã chiến đấu và chiến đấu rất kiên cường).
Nếu như những thống kê về chiến tranh Việt Nam cho thấy lập luận nói trên là sai lệch, thì tại sao gần 50 năm qua, kề từ khi chiến tranh bắt đầu, nhiều người vẫn tiếp tục xem QĐVNCH như là một quân đội bù nhìn ?
Ký sự về trận chiến điển hình của chiến tranh Việt Nam, trận đánh mang tên “Hamburger Hill” (đồi thịt băm), đem đến cho chúng ta một vài dữ liệu hầu trả lời cho câu hỏi kể trên.
Chúng ta đang ở vào thời điểm năm 1969, trong giai đoạn cao điểm của chiến tranh Việt Nam. Trên thung lũng A Shau, sư đoàn 101 không kỵ tinh nhuệ của Hoa-kỳ tấn công ngọn đồi 937 được xem như là một vị trí phòng thủ kiên cố của quân đội Bắc Việt. Trận đánh giành lại ngọn đồi 937 xảy ra rất khốc liệt nên được mệnh danh là “đồi thịt bằm”, một tên gọi đã đi vào lịch sử.
Nhanh chóng, tầm ảnh hưởng của trận đánh này vượt ra khỏi khuôn khổ quân sự: toàn bộ nước Mỹ đều ngỡ ngàng chứng kiến qua nhiều kênh truyền thông những hình ảnh tàn sát thảm khốc của cuộc chiến mà thanh niên Mỹ đang phải đối đầu. Trận đánh chiếm lại “đồi thịt bằm” bỗng trở thành vấn đề danh dự cho quân đội Hoa kỳ.
Lính Mỹ sau khi bị chôn chân 10 ngày ròng rã trong một trận đánh khốc liệt giành từng tấc đất cho đến khi viện binh quân đội VNCH vào vòng tham chiến. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3 bộ binh đã thực hiện cuộc nhảy toán táo bạo do thiếu uý Định chỉ huy nhằm đánh chiếm đỉnh đồi chiến lược trong hệ thống phòng thủ của Cộng quân. Các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm được đỉnh “Đồi thịt băm” trước cả binh lính Mỹ.
Và thật bất ngờ, ban chỉ huy Hoa kỳ cho ra một mệnh lệnh khó hiểu: thiếu uý Định và lực lượng của ông phải lập tức rời cứ điểm Đồi thịt băm bằng không sẽ bị pháo kích; “they said if you don’t leave, were going to shell you; this is an american battle to win , this is not your battle to win” như sử gia Andrex Wiest giải thích. (nếu các anh không rời cứ điểm, chúng tôi sẽ pháo kích, đây là một trận đánh mà lính Mỹ phải thắng, không phải là trận đánh với chiến thắng của các anh)
Ngỡ ngàng và cay đắng quân nhân VNCH phải chấp hành lệnh rút lui và sau đó ít lâu tiểu đòan 3, trung đoàn 187 bộ binh Hoa Kỳ tới chiếm đỉnh đồi. Và từ đấy được ghi nhận như là những người chiến thắng thực thụ trận chiến chiếm lại ngọn đồi Hambuger Hill. Danh dự của Hoa kỳ đã không bị tổn thương. Trong khi đó chiến công của QLVNCH thì bị rơi vào quên lãng: theo trung tá Honeycutt chỉ huy tiểu đoàn 3/187 và theo nhiều binh lính Mỹ khác: “Không một dặm nào trên ngọn đồi chết tiệt đó mà không có mặt của QLVNCH“
Sự bất công trắng trợn mà lực lượng của thiếu uý Định phải gánh chịu trong trận đánh tại Hambuger Hill tiêu biểu cho sự cố tình lãng quên về vai trò của binh lính miền Nam Việt Nam trong các hồi ký chiến tranh Việt Nam của phương Tây. QLVNCH đã bị gắn chặt vào cái hình ảnh là một quân đôị mà binh lính chỉ biết đào ngũ, và phiên bản lịch sử này góp phần tạo dựng nên huyền thoại một quân đội Nam Việt Nam bù nhìn.
Trên thực tế, QĐVNCH đã nhiều lần giải vây, cứu thoát quân đội Hoa Kỳ như trận đánh ở Khe Sanh. Điển hình là sự tham chiến của 3 tiểu đoàn nhảy dù VNCH dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Khoa Nam đã chặn đứng một cánh quân chi viện cấp sư đoàn của cộng sản bắc Việt ở phía bắc mặt trận Khe Sanh.
….Tạo dựng huyền thoại QĐVNCH, một quân đội bù nhìn và thiếu năng lực.
Người dân miền Nam Việt Nam chưa hề được tự chủ về hình ảnh của mình trong lịch sử. Luôn bị xem là thụ động trong một cuộc chiến, thường bị tóm lược sai lầm là một cuộc chiến giữa Hoa kỳ và Bắc Việt, những người lính QĐVNCH thường không có cơ hội nói về cuộc chiến dưới góc độ nhận định của mình, nếu không phải là sự im lặng như trường hợp của trận đánh Hambuger Hill.
Cho nên hình ảnh của họ chỉ được phác họa bởi những người trong chiến cuộc được giới truyền thông biết đến nhiều nhất – Quân Đội Hoa Kỳ và quân đội Bắc Việt – và thông thường sự miêu tả về họ luôn là những hình ảnh bị xuyên tạc và bôi nhọ.
Biếm họa của báo chí Hoa kỳ về chiến dịch Hạ Lào của QĐVNCH. Chúng ta có thể thấy được tính chất kỳ thị của bức biếm họa: binh lính VNCH được tô màu là da đen.
Đối với quân đội Hoa kỳ, quân nhân VNCH bị xem như là thiếu năng lực, luôn có nguy cơ đào ngũ. Thế nhưng chúng ta có thể hiểu được sự thật qua trận đánh Hambuger Hill, khi những chiến thắng của người lính VNCH bị chính đồng minh của mình chối bỏ. Họ còn bị cảnh cáo là sẽ bị “dội bom, tiêu diệt” nếu chiến thắng đó làm tổn hại đến uy danh của Quân Đội Hoa Kỳ – Câu chuyện đáng buồn, không quá ngạc nhiên chỉ rõ rằng: Nếu Hoa kỳ chỉ có thể đánh giá QĐVNCH dưới góc độ yếu kém và bại trận (dù có là thật chăng nữa), thì điều ấy cũng không đủ yếu tố để được xem như là một nhận định khách quan.
Có thể hiểu ra sao về thái độ gần như là chối bỏ lịch sử này ? Đó chính là sự kiêu căng về quân sự cộng với tinh thần ái quốc cực đoan đã khỏa lấp một số sai lầm của Hoa kỳ về việc tham chiến của thanh niên Mỹ trong cuộc chiến này.
Quân đội Hoa Kỳ đã tổn thất quá lớn về nhân mạng cho cuộc chiến bảo vệ Nam Việt Nam nên công chúng Mỹ khó có thể chia sẻ sự hào hùng của cha anh họ, nhất là chia sẻ điều ấy với một đồng minh bị đánh giá thấp như QĐVNCH. “Such was the fragile nature of the American ego and National will“. Sử gia Andrew Wiest giải thích.
Còn Bắc Việt thì lại gán ghép cho quân đội miền Nam những từ ngữ như: Việt gian, phản quốc, phản động, lính đánh thuê, Mỹ- Ngụy….Nghệ thuật phỉ báng các nhà ái quốc Việt Nam chính là một phương tiện chiến tranh tâm lý hiện hữu từ thời chiến tranh Đông Dương mà sử gia Christopher Gos cho là một cuộc “bút chiến”.
Mục đích của những thủ đoạn đánh phá này là nhắm tới việc “loại bỏ, triệt hạ uy tín, chụp mũ với mục đích tối hậu là phi nhân hóa đối phương”, bù nhìn, Việt gian bỗng trở thành một tầng lớp người Việt cần phải loại trừ. (và ngược lại danh từ Việt cộng được sử dụng tại miền Nam cũng mang một chiều hướng tương tự nhắm tới người cộng sản)
Gọi QĐVNCH là bù nhìn cho phép Hà Nội đánh đổ tính chính nghĩa quốc gia của quân đội miền Nam. Chiến dịch tuyên truyền này rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của miền Bắc, trong việc tuyên truyền về huyền thoại: “Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược” thì bằng mọi giá phải phủ định là Chiến tranh Việt Nam chính là một cuộc nội chiến giữa người Việt với người Việt.
Bức tranh “cổ động” ở miền Bắc cho thấy tâm lý kỳ thị cũng được khai thác cho công tác tuyên truyền của Bắc Việt.Miền Nam được vẽ là một người đàn ông da đen già yếu. Khi trình bày miền Nam như người châu Phi, đối với Hà Nội đó là cách phi nhân hóa và loại bỏ “Việt tính” của miền Nam. Thật đáng ngạc nhiên, để đả kích đối phương, Bắc Việt lại sử dụng yếu tố phân biệt chủng tộc như Hoa kỳ trong chiến dịch bôi nhọ miền Nam.
Chúng ta bị nhồi nhét về ấn tượng một quân đội miền Nam Việt Nam như đội quân bù nhìn và điều ấy phù hợp với câu nói: “Lịch sử vốn được viết bởi những người chiến thắng” mà ở đây phe thắng cuộc là bắc Việt, và lịch sử đã được viết lại theo định hướng của Hà Nội. Việc hạ bệ miền Nam trước hết là xóa bỏ toàn bộ vai trò của miền Nam trong ký ức chiến tranh Việt Nam. Công việc tuyên truyền này, cộng với tuyên bố của một số quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đã in sâu vào tâm trí quần chúng hình ảnh một quân đội miền Nam bất tài và thiếu chính nghĩa quốc gia.
Thế nhưng, gần 50 năm sau khi chiến tranh Việt nam bắt đầu (1954), một khuynh hướng mới trong nhận định về QĐVNCH cũng bắt đầu nẩy sinh. Với những nghiên cứu sử học mới về chiến tranh Việt Nam, chúng ta khám phá ra một hình ảnh khác về một quân đội miền Nam Việt Nam đầy năng lực và đáng kính trọng mà chúng ta chưa hề nghĩ đến.
Việc Đảng Cộng Sản dùng đường lối tuyên truyền nặng chất phỉ bang, kỳ thị để đánh phá những người Quốc gia như một phương tiện tuyên truyền đã có từ thời chiến tranh Đông Dương. Vào năm 1951, Việt Minh ở Vĩnh Long đã từng tuyên truyền rằng “Quân đội Pháp biến người Việt thành những người lính đánh thuê da đen”
Bùi-Đại và Đặng-Vũ Tùng
(Sưu tầm, biên soạn và dịch thuật)
Nguồn tham khảo:
• Fight for the long Haul , The war as seen by a soldier in the People’s Army of
Vietnam, Bui tin Rolling Thunder in a gentle land The vietnam war revisted
Editor andrew wiest
• Vietnam: History of the Bulwark B2 Theatre , Tra Van Tra
• Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN U.S. Army Heritage
and Education Center Lecture Date: Apr. 21, 2010 Dr. Andrew A. Wiest
• Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965 Mark moyar
• Black April ,George Veith
• La guerre du Vietnam , John Prados
• America in Viet Nam Guenter lewy
• A Better War: The Unexamined Victories and the Final Tragedy of America’s Last
Years in Vietnam Lewis sorley
• Goscha, Christopher, Vietnam, un Etat né de la guerre, 1945-1954, Paris, Armand
Colin, 2011, 400 p.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét