Cái khá thứ nhất: Lần này ông Nguyễn Phú Trọng đã không khoe: "Trong các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, tôi là người đi thăm Trung Quốc chính thức nhiều nhất”.
Hồi mới lên chủ tịch Quốc hội, ông vội vàng sang yết kiến thiên triều ngay và tâng công: "Lên làm chủ tịch Quốc hội, Trung Quốc là nước đầu tiên tôi đi thăm”. (Hồi ấy ông Nguyễn Tấn Dũng thì chọn Nhật Bản, ông Nguyễn Minh Triết thì chọn Lào là các nước đầu tiên để đi thăm. Phải chăng ông Trọng mách rằng hai ông kia thất lễ!), Không biết có phải nhờ câu nịnh khéo ấy mà Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua đầu Nguyễn Minh Triêt và Nguyễn Tấn Dũng để đựơc lên làm Tổng Bí thư?
Cái khá thứ hai: Trong bản ký kết với Tập Cận Bình lần này Nguyễn Phú Trọng chỉ cho Trung Quốc vào mấy tỉnh biên giới: "Hai bên tích cực nghiên cứu việc đàm phán, ký kết Hiệp định sửa đổi về thương mại biên giới Việt – Trung. Sớm bàn bạc và xác định phương án tổng thể chung vềxây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới"; "Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt – Trung, thực hiện tốt các văn kiện về biên giới trên đất liền giữa hai nước; sớm ký “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc" và "Hiệp định về quy chế tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân"; cùng duy trì bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới. Phát huy tốt vai trò của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung; tăng cường xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới hai bên, nâng cao mức độ mở cửa hợp tác của các cửa khẩu biên giới hai nước. Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh/khu biên giới hai bên, thúc đẩy cùng phát triển khu vực biên giới hai nước".
Còn nhớ, ngày 15 tháng 10 năm 2011. Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Hồ Cẩm Đào như sau:"Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc”.
Do ký kết như vậy, Nguyễn Phú Trọng đã mở đường cho Trung Quốc tràn sang lập làng, mở phố, xây dựng căn cứ địa ở Vũng Áng, Tây Nguyên, Nam Định, Bình Dương …
Nguy hiểm hơn, trong bản ký kết với Hồ Cẩm Đào, Nguyễn Phú Trọng còn chính thức mời Trung Quốc chuẩn bị đưa quân đội, công an sang “giữ gìn ổn định trong nước của mình":
"Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh … cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình".
Điểm khá thứ ba là: Lần này ông Nguyễn Phú Trọng đã biết vận dung DOC, COC để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông: "Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”
Trong khi lãnh đạo các nước và một số lãnh đạo ta đã biết sử dụng vũ khí DOC, COC và luật pháp quốc tế để kiềm chế Trung Quốc thì văn bản NguyễnPhú Trọng ký kết với Hồ Cẩm Đào, không hề đả động gì đến DOC, chứ đừng nói COC: “Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển;" cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này". Không biết "Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" đã viết thế nào mà chỉ hai ngày sau đó nhà cầm quyền Bắc Kinh, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, sung sướng tung hô trước dư luận thế giới: "Tuyên bố chung Trung-Việt có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Việt Nam thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước không liên can gì với bên thứ ba".
Có hai việc rất chưa được:
Một là: Tuyên bố Nguyễn Phú Trọng – Tập Cận Bình chỉ đề cập vấn đề rất nhỏ là hợp tác khai thác du lịch Thác Bản Giốc mà lẩn tránh vấn đề hết sức đáng quan ngại; Trường Sa. Ở Trường Sa Trung Quốc không chỉ xây sân bay trên đảo Gạc Ma mà đang khẩn trương biến ít nhất 5 bãi đá ngầm nữa: Ga Ven (Gaven), Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Tư Nghĩa (Hughes), và Én Đất (Eldad) thành các đảo. Hoa Kỳ đã nghiêm khắc cảnh báo: Trung Quốc đang xây Vạn Lý Trường Thành trên Biển!
Hai là: Khi nói chuyện với đông đảo thanh niên Việt Nam và Trung Quốc,Tập Cận Bình chỉ nói:"Trung Quốc đang đoàn kết, phấn đấu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa, đi sâu cải cách toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện".
Trong khi đó ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ra rả kêu goi "Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội".
Rõ ràng, ông này bào hoàng hơn vua.
Chẳng những thế ông ta còn tỏ ra không bén nhậy với thời cuộc, quá trì trệ, quá lạc hậu, quá u mê. Ông là Tổng Bí thư quá non yếu, non yếu hơn cả những người tiền nhiệm ít học.
Hẳn là ông đã lẳng lặng tiếp thu ý kiến phản biện thẳng thắn, quyết liệt của chúng tôi nên mới khá lên được chút ít. Nghĩ rằng, ông nên mời các trí thức thực sự có tâm, có tầm (chứ không phải những nịnh thần, những quân sư quạt mo) đến, thành khẩn nghe họ nói để giác ngộ thêm chút nữa, may chăng mới đạt được kết quả khả dĩ tốt đẹp trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới.
Hà Nội 10 tháng 4 năm 2015
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 5, ngõ 341, đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét