Hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông gây quan ngại cho không chỉ đối với những quốc gia trong khu vực mà còn nhiều nước khác trên thế giới.
Ngoài sự lên tiếng, phản đối của cơ quan chức năng, một số người Việt trong và ngoài nước vào ngày 19 tháng tư vừa qua cho công khai một thư ngỏ kêu gọi mọi người cùng ký tên như là một đóng góp thêm vào cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi chủ quyền và yêu cầu Trung Quốc ngưng những hành động lấn lướt của họ tại khu vực biển tranh chấp.
Cấu trúc thư
Nhóm có tên Southeast Asia Sea United Front, tạm dịch Mặt trận Đoàn kết Biển Đông Nam Á, chủ xướng lá thư kêu gọi những người quan tâm ký tên với mục đích tối hậu được cho biết là ngăn chặn hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Cô Ann Đỗ, một trong những người tham gia soạn thảo bức thư, cho biết lại cấu trúc chính của lá thư:
Trong lá thư có cấu trúc thứ nhất giới thiệu một phần lịch sử của Biển Đông, thứ hai là tình hình hiện tại, thứ ba là mức đe dọa quân sự, thứ tư là vấn đề môi trường ở Biển Đông bị phá hoại nghiêm trọng, và thứ năm có đưa ra một số đề nghị. Sau cùng là những tài liệu tham khảo và mọi người ký tên.
-Cô Ann Đỗ
“Trong lá thư có cấu trúc thứ nhất giới thiệu một phần lịch sử của Biển Đông, thứ hai là tình hình hiện tại, thứ ba là mức đe dọa quân sự, thứ tư là vấn đề môi trường ở Biển Đông bị phá hoại nghiêm trọng, và thứ năm có đưa ra một số đề nghị. Sau cùng là những tài liệu tham khảo và mọi người ký tên.
Trong phần đề nghị chúng tôi đưa ra ủng hộ đối với thư của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và hai vị thượng nghị sĩ nữa là Hoa Kỳ nhanh có những biện pháp làm giảm hay ngưng các biện pháp trái phép của Trung Quốc.
Thứ hai là chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng những căn cứ quân sự đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông Nam Á.
Chúng tôi cũng thúc giục chính quyền Hoa Kỳ nhanh chóng củng cố một mặt trận quốc tế hữu hiệu hợp cùng lực lượng Nhật, Philippines, Ấn Độ và Úc để ngăn chặn hành động lấn lướt ngày càng lộ liễu của Trung Quốc tại Biển Đông dễ dàng dẫn đến thế chiến thứ ba mà tổn thất sẽ là nỗi kinh hoàng cho nhân loại.
Điểm thứ ba là trong các văn bản liên quan cần thay thế từ ‘đảo tranh chấp’ bằng từ ‘đảo bị Trung Quốc xâm chiếm’ vì trên thực tế cũng như trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ có quyền sở hữu những hòn đảo này.”
Công tác phổ biến
Kèm theo bức thư được công bố là danh sách của hơn 70 người ký tên đầu tiên. Trong số này có 24 người Philippines và 47 người Việt Nam cả trong và ngoài nước tham gia.
Cũng theo cô Ann Đỗ thì thư kêu gọi mọi người tham gia ký tên để rồi gửi đến cho các chính trị gia tại địa phương của họ yêu cầu có sự lên tiếng thích hợp trước hành động được cho là gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông:
“Việc phổ biến lá thư này trước hết chúng tôi vận động được một số cá nhân trong cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ gửi thư này lên các thượng nghị sĩ như nhóm của thượng nghị sĩ John McCain đang rất quan tâm về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông. Chúng tôi cố gắng vận động gửi thư này đến nhóm thượng nghị sĩ đó cũng như thượng và hạ viện Mỹ.
Ngoài ra có những cộng đồng người Việt mà họ có thể vận động qua các dân biểu, lãnh đạo cấp tiểu bang.
Gần đây có một diễn đàn ‘Boston Forum’, trong nhóm đó có một người quan tâm và yêu cầu chúng tôi gửi lá thư này cho Diễn đàn. Vừa qua vào ngày 20 tháng tư họ cũng có một hội thảo và liên quan đến vấn đề quản lý, hòa bình và ổn định tại vùng Biển Đông Nam Á. Chúng tôi đã liên hệ, gửi thư đến cho họ và chờ đợi sự phản hồi từ phía họ.
Ngoài ra cũng có rất nhiều nhóm như nhóm Nghiên cứu Biển Đông, hay Quỹ Nguyễn Thái Học, họ có thời gian dài nghiên cứu và lên tiếng, ‘petition’ thì chúng tôi cũng chia xẻ những thông điệp của họ để mọi người tăng sự quan tâm nhiều hơn.
Nói chung ở đây có cùng một mục đích chung là làm sao cho Trung Quốc phải ngưng ngay lập tức việc xây dựng đó. Sau đó là đi đến đàm phán để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.”
Chống lại tuyên truyền của Trung Quốc
Có thể nói phía Trung Quốc ngoài hoạt động làm thay đổi hiện trạng tại khu vực tranh chấp, lâu nay công tác tuyên truyền của họ cũng mạnh mẽ không kém.
Cô Ann Đỗ đưa ra nhận định về thực tế này như sau:
Trên mặt trận truyền thông họ sử dụng nguồn tài chính, nhân lực của họ có, kể cả về mặt kỹ thuật, công nghệ thông tin nữa để họ áp đảo mọi tiếng nói; nghĩa là đi ngược lại mọi tuyên bố của họ.
-Cô Ann Đỗ
“Trên mặt trận truyền thông họ sử dụng nguồn tài chính, nhân lực của họ có, kể cả về mặt kỹ thuật, công nghệ thông tin nữa để họ áp đảo mọi tiếng nói; nghĩa là đi ngược lại mọi tuyên bố của họ. Ví dụ thông qua báo chí, Internet, kể cả như đại sứ Việt Nam tại ASEAN phát biểu họ (Trung Quốc) vị phạm DOC, hay đang làm những việc trái phép; ngay lập tức hôm sau phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng đàn ‘chửi’ ngay lập tức.
Và đôi khi những báo chí trong nước của họ như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu có những bài báo ‘chửi’ những tiếng nói đi ngược lại tuyên bố của họ, nói chung họ dùng những lời lẽ không thể tưởng tượng được, gây sốc cho người khác. Và bất cứ ai như Anh, Mỹ hay những bộ trưởng trong khu vực có lên tiếng đều bị phản bác. Họ (Trung Quốc) luôn khẳng định những điều họ làm là đúng, nằm trong phạm vi chủ quyền của họ và không vi phạm điều gì hết.
Ngoài ra theo chúng tôi được biết thì những tài liệu lịch sử tại các trường đại học, họ đưa ra những chứng cứ ngụy tạo. Có nghĩa là họ chi tiền cho những nghiên cứu viên để viết ra những cuốn sách cho rằng chủ quyền, đường lưỡi bò là chủ quyền mang tính lịch sử của họ. Họ làm đủ mọi cách để chứng minh với thế giới rằng những điều họ đang làm là đúng. Họ không căn cứ vào luật quốc tế, luật biển mà họ đưa ra nói chủ quyền mang tính lịch sử. Lịch sử có nghĩa là từ đời Tần, đời Tống, đời Thanh và gần như họ phản bác toàn bộ tiếng nói của cộng đồng thế giới còn lại.”
Theo đánh giá của những người trong lĩnh vực nghiên cứu và tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì có thể nói tương quan lực lượng giữa hai phía Hà Nội và Bắc Kinh có khoảng cách lớn.
Tuy nhiên theo phó giáo sư- tiến sĩ Trần Nam Tiến, khoa Sử- Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thì phía Việt Nam đang có cải thiện:
“Theo tôi thật ra có một sự thay đổi khá nhiều so với trước đây. Có sự mở rộng phạm vi trong việc nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và rộng hơn ở Biển Đông.
Theo tôi lực lượng là quan trọng trong việc nghiên cứu và công bố các công trình khoa học liên quan đến vấn đề này.
Rõ ràng hiện nay đội ngũ nghiên cứu (của Việt Nam) vẫn còn chưa nhiều, và sự liên kết chưa được thể hiện một cách chặt chẽ. Tuy nhiên theo tôi nghĩ trong thời gian tới lực lượng này sẽ tăng lên, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ là những người có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu, đặc biệt là những tài liệu lưu trữ ở các kho tư liệu lớn ở Phương Tây như Hà Lan, Anh…”
Sự tham gia ký tên và yêu cầu các giới chức chính trị từ cấp địa phương đến trung ương ở các nơi có công dân của những nước đang bị Trung Quốc xâm lấn chủ quyền theo thư của Southeast Asia Sea United Front là một trong những công việc mà người nào cũng có thể tham gia để chống lại những sai phạm về chủ quyền của Trung Quốc lâu nay
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét