Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

APF 2015: Cơ hội cho các Tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Malaysia

Bà Debbie Storhard, tổng thư ký FIDH (Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền)  một thành viên trong Ban tổ chức Diễn đàn Công dân ASEAN
Bà Debbie Storhard, tổng thư ký FIDH (Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền) một thành viên trong Ban tổ chức Diễn đàn Công dân ASEAN
 fidh.org

















Trong Diễn đàn Công Dân ASEAN và Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN đang diễn ra tại Kuala Lumpur Malaysia, một vấn đề quan trọng đã được các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập của Việt Nam đưa ra đó là lên tiếng trước Diễn đàn việc họ bị bao vây, cô lập không được có mặt tại diễn đàn trong khi các tổ chức của nhà nước mang danh nghĩa Xã hội dân sự dưới tên gọi GONGO lại được ưu đãi trước diễn đàn này. Mặc Lâm tường trình các diễn biến này như sau

Trong Diễn đàn Công dân ASEAN lần thứ 10 có sự tham dự đông đảo các tổ chức Xã hội dân sự đến từ 10 nước thành viên và bên cạnh đó những nước như Cambodia, Lào, Miến Điện và Việt Nam đã mang những phái đoàn hùng hậu vài mươi người với các tên gọi của các NGO tức các tổ chức phi chính phủ, đến Malaysia để cùng lên tiếng trước các vấn đề chung mà ASEAN quan tâm.
Thực chất của Government Oganized NGO
Tên gọi GONGO (Government Oganized NGO) được dùng cho các tổ chức này để chỉ ra rằng Tổ chức xã hội dân sự mà họ đang hoạt động là của chính phủ điều hành và quản lý, khác với các tổ chức Xã hội dân sự độc lập do người dân đứng ra thành lập để hoạt động.
Vì có nguồn tài trợ từ chính phủ nên mọi mục tiêu của GONGO đều hướng tới lợi ích của nhà cầm quyền hơn là cho người dân. Hơn nữa để bảo vệ tiếng nói của họ không bị phản biện trước diễn đàn quốc tế GONGO đã áp dụng các biện pháp bao vây, cô lập cấm đoán các tiếng nói của những tổ chức Xã hội dân sự độc lập khác trước cộng đồng ASEAN suốt từ khi APF được thành lập từ năm 2005 tới nay.
Nhận thấy sự không bình đẳng này Ban tổ chức APF năm 2015 đã mạnh dạn khuyến khích các tổ chức độc lập của các nước ASEAN tham gia vào Diễn đàn qua sự trợ giúp của các tổ chức ở hải ngoại, ít nhất là lên tiếng cho việc bị bao vây, kềm tỏa của GONGO đối với họ.
Bà Debbie Storhard, một thành viên trong Ban tổ chức cho chúng tôi biết quan điểm của bà về GONGO như sau:
Chúng ta cần phải chú ý đến sự nhạy cảm thực tế đó là GONGO có trong tay mọi phương tiện để gửi thành viên của nó tham dự Diễn đàn trong khi đó các tổ chức Xã hội dân sự độc lập vừa thiếu thốn phương tiện di chuyển lại vừa bị bao vây, kết án
Bà Debbie Storhard
-Diễn đàn Công dân ASEAN mở rộng cửa đón nhận tất cả các tổ chức Xã hội dân sự bất kể là độc lập hay được điều hành bởi chính phủ. Chúng ta cần phải chú ý đến sự nhạy cảm thực tế đó là GONGO có trong tay mọi phương tiện để gửi thành viên của nó tham dự Diễn đàn trong khi đó các tổ chức Xã hội dân sự độc lập vừa thiếu thốn phương tiện di chuyển lại vừa bị bao vây, kết án. Chúng ta cần phải luôn đặt câu hỏi: Ai là người trong tổ chức Xã hội dân sự độc lập và phải lên tiếng tranh đấu cho sự hiện hữu của họ như tranh đấu cho tự do dân chủ.
Chúng ta rất sung sướng trước sự tham gia của bất cứ ai nhưng chúng ta cần hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra tại các quốc gia đó và sự bất công này từ đâu mà ra.
Là những tổ chức Xã hội dân sự chúng ta không thể do dự khi lên tiếng phê phán những chính phủ vi phạm nhân quyền và đồng thời cũng phê phán các tổ chức GONGO đã và đang cố gắng chống lại quyền cơ bản của những tổ chức hội dân sự độc lập.
Các tổ chức Xã hội dân sự tại hải ngoại
Trong các tổ chức Xã hội dân sự tại hải ngoại tham dự APF lần này là BPSOS, Giáo dân Cồn Dầu, KAMSA, và VOICE. Đại diện cho BPSOS là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cho biết lý do đến Malaysia lần này ông nói:
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng BPSOS
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng BPSOS
-Năm nay là năm thứ 10 tổ chức hội nghị này thì tổ chức tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia bởi vì năm nay Malaysia là chủ tịch của khối ASEAN. Chúng tôi rất may mắn là BPSOS và Liên minh bài trừ nô lệ  mới tại Á châu (KAMSA) đã hoạt động tại Malaysia từ năm 2008 do đó được xem như một tổ chức địa phương thuộc khu vực Đông nam á và tôi có một thế đứng trong Ban tổ chức năm nay qua đó chúng tôi đã tạo được cơ hội để mời những tổ chức Xã hội dân sự thực sự nhưng hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi tiến trình này để tham gia vào Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN 2015 và đây là lần đầu tiên có tiếng nói của đại biểu thực sự của Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Về vai trò của GONGO, TS Nguyễn Đình Thắng chia sẻ kinh nghiệm của ông:
-Đây là lần thứ 10 tổ chức hội nghị Xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn người dân ASEAN. Trong 9 năm qua hoàn toàn không có tiếng nói của Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam mà tất cả các phái đoàn đều do nhà nước Việt Nam gửi đi, họ mang danh nghĩa là Xã hội dân sự nhưng thật ra họ bị kiểm soát bởi chính quyền do đó chúng tôi gọi những tổ chức là là các tổ chức Phi chính phủ do chính phủ tổ chức mà tiếng Anh viết tắt là GONGO (Government Oganized NGO) Vai trò của họ là đến đây để chiếm lĩnh diễn đàn lớn nhất và quan trọng nhất trong Đông nam á đó là Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN hàng năm.
Đây là lần thứ 10 tổ chức hội nghị Xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn người dân ASEAN. Trong 9 năm qua hoàn toàn không có tiếng nói của Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam mà tất cả các phái đoàn đều do nhà nước Việt Nam gửi đi, họ mang danh nghĩa là Xã hội dân sự nhưng thật ra họ bị kiểm soát bởi chính quyền
TS Nguyễn Đình Thắng
Từ bấy lâu nay cho tới tận bây giờ tất cả các tổ chức GONGO họp lại riêng với nhau đã loại trừ các tổ chức thật sự của xã hội dân sự độc lập với nhà nước và kỳ này chúng tôi hy vọng mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để một lần và vĩnh viễn, tất cả các thành phần tham gia hội nghị này nghĩa là toàn bộ cộng đồng xã hội dân sự trong vùng Đông nam á nhận thức được rằng phái đoàn mà họ vẫn tiếp xúc, cái nhóm người mà họ vẫn thường hợp tác trong suốt 10 năm qua không phải là Xã hội dân sự thật sự, và thứ hai họ nhận thức ra được đâu là tổ chức Xã hội dân sự đúng đắn nhưng không được tham gia, không được phép rời khỏi Việt Nam để đến Malaysia, và họ muốn liên lạc thì họ sẽ biết chỗ nào để liên lạc.
Nếu đạt được mục tiêu này thì tôi nghĩ rằng đó là một thành công rất lớn bởi khi họ đã biết rồi, cánh cửa đã mở cho tất cả các tổ chức Xã hội dân sự chân chính trong nước tham gia vào diễn đàn quan trọng và rộng lớn nhất này của toàn vùng Đông nam á thì không thể nào khép cánh cửa đó lại được nữa và đó là vấn đề rất tốt cho phát triển Xã hội dân sự ở trong nước.
Khi được hỏi liệu các thành viên ASEAN có ủng hộ việc chấp nhận cho các tổ chức Xã hội dân sự độc lập hoạt động song song với các GONGO như Cambodia đang làm hay không vì ASEAN chủ trương không can thiệp vào nội bộ của nhau, TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:
-Về nguyên tắc không can thiệp nội bộ là giữa các chính quyền với nhau còn người dân tức cộng đồng Xã hội dân sự trong toàn vùng họ vẫn lên tiếng cho nhau. Chẳng hạn như bên Lào anh Sombat bị mất tích từ bấy lâu nay thì tất cả đều lên tiếng chung hết với nhau. Hoặc các vấn đề tra tấn tại Việt Nam thì cũng rất nhiều tổ chức đã cùng lên tiếng với chúng tôi để yêu cầu Việt Nam chấm dứt nan tra tấn, do đó người dân không bị giới hạn nhưng điều quan trọng là làm sao huy động được lực lượng Xã hội dân sự trong toàn vùng Đông nam á, họ là những người tiên phong trong phong trào dân chủ hóa toàn vùng Đông nam á mà khởi đầu là từ Phi Luật Tân vào năm 86.
Đây là nỗ lực kéo trào lưu đó vào đất nước Việt Nam như đã từng xảy ra tại Miến Điện trước đây. Nó tạo được sự đoàn kết, yễm trợ cho nhau, lên tiếng cho nhau và đó là môi trường để những người trong nước thực nghiệm những nguyên tắc dân chủ.
Nhìn chung Diễn đàn người dân ASEAN năm 2015 đã có những biến chuyển mới có thể mang lại hy vọng cho các nước Đông nam á, những nơi mà chính phủ vẫn còn mang nặng tư duy độc quyền trên tất cả mọi lĩnh vực kể cả xã hội dân sự là nơi duy nhất để người dân nói lên tiếng nói của mình.

Không có nhận xét nào: