Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

‘Ngày 30/4 gây điêu đứng cho Phật giáo VN’

Biến cố ngày 30/4 năm 1975 không chỉ là ‘bước ngoặt đau thương cho dân tộc’ mà còn ‘gây điêu đứng cho Phật giáo’, một tôn giáo đã đồng hành cùng lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, một vị chức sắc của cao cấp của Phật giáo tại hải ngoại nói với BBC.

‘Không phát triển được’

Trao đổi với BBC Việt ngữ tại chùa Bát Nhã tại miền Nam California, Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa cho biết chính ông đã ‘chịu đựng những đau thương từ sau năm 1975 cho đến năm 1981’.

“Vì quá đau thương không thể xây dựng được Phật giáo trong nước nên tôi phải tìm đủ mọi cách ra hải ngoại làm việc để duy trì Phật giáo cho đến ngày hôm nay,” Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói.
Chùa Bát Nhã cũng là văn phòng thường trực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền trong nước cấm, tại Hoa Kỳ. Hòa thượng Thích Nguyên Trí là phó chủ tịch điều hành của văn phòng này.
“Cộng sản không bao giờ có tín ngưỡng cho nên khi họ đi vào đánh chiếm miềm Nam thì hầu hết các tôn giáo bị tê liệt, trong đó có tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc là Phật giáo,” ông nói.
Theo lời ông kể lại thì chính quyền của Đảng Cộng sản chiếm được miền Nam họ đã ‘thanh lọc những vị nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra một bên’ và ‘đưa vào danh sách cần phải lưu ý’.
“Tất cả những hành động từ cử chỉ đi đứng tới lui sinh hoạt trong chùa chiền gần như bế tắc,” ông nói.
“Họ không cho hoạt động bất cứ điều gì. Ngay các buổi lễ cũng không cho hành lễ. Những gia đình Phật tử hồi giờ sinh hoạt tại chùa cũng bị ngăn cấm. Tất cả những ban hộ niệm, những tổ chức Phật giáo bị tê liệt toàn bộ,” ông nói thêm.
“Ngay cả các vị lãnh đạo, các vị thầy của chúng tôi như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng không còn cách nào phát huy tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”
“Chính vì vậy khi chúng tôi đặt chân lên bến bờ tự do thì điều trước hết là mở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại và ngày nay có mặt ở khắp nơi,” ông nói và cho biết từ ngày ông đặt chân đến Mỹ ông đã quyên góp được hơn một triệu Mỹ kim chuyển về trong nước làm từ thiện và xây dựng chùa chiền.

‘Chỉ có hình thức’

Nhận định về tình hình Phật giáo trong nước, Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói ‘làm theo chiều hướng của Đảng Cộng sản chứ không theo tinh thần của Phật giáo’.
Theo lời ông giải thích thì trong thành phần lãnh đạo của giáo hội Phật giáo trong nước đều ‘đặt dưới sự chỉ đạo của Nhà nước chứ không được quyền tự bầu cử và ứng cử’.
“Vấn đề thọ giới thì là những người trong tôn giáo tự sắp xếp với nhau đưa lên hàng giáo phẩm: vị nào lên hòa thượng, thượng tọa, đại đức hoàn toàn do giáo hội bổ nhiệm và suy cử chứ Nhà nước không có quyền nhúng vô,” ông nói.
“Những ngày lễ như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan phải xin phép chính quyền và người họ đưa ra mới được quyền đứng ra trước quần chúng làm lễ,” ông nói thêm.
Ngay cả các Phật viện trong nước, theo lời Hòa thượng Thích Nguyên Trí, thì các tăng ni sinh đến tu học cũng bị ‘xét lý lịch cá nhân’ chứ ‘không xét theo đạo đức thế nào’.
Về đời sống của các tôn giáo trong nước hiện nay, ông nhận xét rằng ‘có phát triển’ nhưng ‘chỉ là hình thức’ vì ‘tự do không có’.
“Chẳng hạn như đối với Phật giáo Hòa hảo, vị tối tôn trọng của họ là Ngài Huỳnh Giáo chủ thì ngày lễ lộc tưởng niệm hết sức khó khăn,” ông nói thêm và cho biết Nhà nước ‘theo dõi các vị chức sắc chức sắc tôn giáo xem họ phát ngôn thế nào nếu nói trật đường lối là khó sống’.
Về phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền kiểm soát là ‘Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội’, ông cho rằng do Đảng Cộng sản ‘ép buộc phải đưa chủ nghĩa cộng sản vào’ chứ ‘Đạo pháp không thể đi cùng chủ nghĩa xã hội’.
“Việc này làm thành phần trí thức hiểu biết rất đau lòng,” ông nói.
Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với Hòa thượng Thích Nguyên Trí được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.

Không có nhận xét nào: