“Đối với tôi, ngày 30.4 là ngày thống nhất đất nước trở lại, tái khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, lãnh thổ Việt Nam là một. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội hòa hợp dân tộc. Mà sự bỏ lỡ cơ hội này càng này càng thấm sâu vào hồn dân tộc và càng ngày càng thể hiện điểm yếu, khó khăn đáng lẽ không để xảy ra”,
Giáo sư (GS) Nguyễn Đăng Hưng phát biểu với Thanh Niên liên quan đến vấn đề hòa hợp dân tộc.
“Giấc mộng Việt Nam bị dập tắt”
Được biết sau năm 1975, ông từng có ý định trở về Việt Nam góp tay xây dựng đất nước?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi sang Bỉ năm 1960 và từ đó đến trước thời điểm 1975, tôi cùng với anh em du học sinh ở nước ngoài tổ chức biểu tình phản đối chiến tranh. Bởi chiến tranh còn tiếp diễn thì người dân là đối tượng phải chịu đau khổ và mất mát nhiều nhất.
Tết Bính Thìn năm 1976, sau sự kiện thống nhất đất nước chưa đầy một năm, tôi đã có mặt ở Việt Nam, đi theo đoàn chuyên gia, trí thức Việt kiều do Chính phủ lúc bây giơ mời để ăn cái tết hòa bình đầu tiên của đất nước. Phải nói lúc đó, khi về Việt Nam, tâm lý chung của anh em Việt kiều nói chung là rất phấn chấn, hồ hởi.
Riêng tôi, từ khi đi du học, tôi đã chuẩn bị tâm thế là sau này sẽ về Việt Nam đưa sở học của mình và cùng góp tay xây dựng đất nước.
Nhưng tại sao sau đó ông lại không trở về nữa?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Dù tâm trạng lần về nước ăn tết lần đầu tiên rất hồ hởi nhưng có một số chứng kiến khiến tôi băn khoăn.
Khi ở Hà Nội, một anh Việt kiều rất trẻ trong đoàn mặc quần ống voi (quần ống loe – PV). Anh này khi đi ngoài phố đã bị lực lượng thanh niên xung phong giữ lại. Họ nói chiếc quần ống voi là sản phẩm chủ chủ nghĩa tư bản, không thể mặc ở thủ đô Hà Nội được và yêu cầu cắt bỏ. Lúc đó, trong tôi đã đặt câu hỏi tại sao lại có sự xâm phạm cá nhân như thế nhưng rồi câu hỏi cũng nhanh qua để nhường chỗ cho niềm vui thống nhất.
Có một sự cố ở Sài Gòn làm tôi nhớ mãi. Trước đó, khi gặp gỡ anh em Việt kiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói giờ hòa bình rồi, anh em Việt kiều về nước có thể chụp hình thoải mái.
Tuy nhiên, chiều 30 tết, tôi cùng đứa cháu họ đi thăm thú đường hoa Nguyễn Huệ. Tới thị sảnh ủy ban nhân dân thành phố, thấy khung cảnh hữu tình quá, tôi đưa máy ảnh ra bấm một pô kỷ niệm. Không ngờ lại dính một anh công an bảo vệ trong tấm hình.
Thế là lúc đó chú cháu tôi bị bắt về đồn công an dù trước đó tôi đã cố giải trình rằng mình là Việt kiều về thăm nước, thấy cảnh đẹp thì chụp chứ không hề có cơ gì. Tôi cũng đề nghị gọi điện cho ủy ban Việt kiều sang bảo lãnh. Nhưng họ không nghe mà vẫn nhốt và căn vặn hai chú cháu tôi tới khuya.
Hơn 1 giờ khuya, chú cháu tôi mới được thả ra. Khi đó thời khắc giao thừa thiêng liêng đã qua mất rồi. Sự kiện này cứ làm tôi canh cánh trong lòng.
Lớp thỉnh giảng chuyên ngành “Phương pháp phần tử hữu hạn” do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức tại trường ĐH Giao thông Vận tải hè 1977 |
Năm 1979, tôi lại về nước cũng với mục đích giảng dạy. Đây là lần dò xét để tôi có thể quyết định về hẳn Việt Nam hay không. Tuy nhiên lúc này, nền kinh tế trong nước và nhất là ở Sài Gòn đã lộ hẳn sự sa sút. Đây là lần đầu tiên, nhiều người dân Sài Gòn phải ăn bo bo.
Tôi thấy lúc này đặt ra những vấn đề khoa học tính toán cao siêu như không đâu vào đâu nữa. Khoa học đã trở thành một thứ xa xỉ vô vị trong một khung cảnh xã hội chưa giải quyết được miếng cơm manh áo…
Trong thời gian ở Sài Gòn, thi thoảng tôi hay đi dạo thành phố bằng xích lô. Một lần nhìn anh xích lô, gương mặt sáng sủa, ăn nói lời lẽ rành mạch, tầm hiểu biết khá sâu và cao, tôi lấy làm lạ. Chú ý nhìn mãi tôi mới nhớ ra: Có phải anh là Cẩn không? Cẩn học trường Ponts bên Paris về nước năm 67?
Người đạp xích lô đáp: Vâng, Cẩn đây. Còn anh có phải là Hưng không? Hưng đi Bỉ năm 60 phải không?
Tôi thấy xót xa khi thấy khi thấy anh bạn học xuất sắc tôi từng thán phục ngày nào bây giờ trong bộ dạng tiều tụy, khổ sở phải đạp xích lô kiếm ăn qua ngày.
Rời Sài Gòn, ở sân bay Tân Sơn Nhất, một lần nữa nhìn lại gia đình, bè bạn đi đưa tiễn, nhìn những ánh mắt đăm chiêu, những gương mặt hốc hác, lòng tôi như có gì ảm đạm, xót xa hơn những chuyến trước.
Sang Bỉ, tôi tiến hành nhập quốc tịch mới. Từ đó giấc mộng về xây dựng Việt Nam bị dập tắt.
Sau này, tôi có một thời gian khá dài giảng dạy ở châu Phi. Ở đây tôi gặp rất nhiều anh em Việt Nam sang đây làm chuyên gia. Dù quan điểm mỗi người không giống nhau nhưng tất cả đều xót xa là đáng lẽ ra tài sức mình phải về xây dựng đất nước chứ không phải ở một đất nước châu Phi xa xôi thế này.
Trí thức không thấy an lòng
Tại sao sau này ông lại quyết định trở về?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Năm 1989, sau thời điểm đất nước đổi mới tôi mới quyết định về lại. Lần này tôi đem một dự án nhỏ khoảng 20.000 USD về giúp đỡ Việt Nam. Thời gian này, tôi cũng đi thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội.
Năm 1990 tổ chức semina, tặng máy tính và phần mềm tính toán cho ĐH Bách Khoa Tp HCM qua tài trợ của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp
Ở Việt Nam thời điềm này có sự thay đổi sâu sắc nhất là đổi mới về kinh tế. Nhưng sự đổi mới này theo tôi đánh giá là vẫn chưa đủ để đưa đất nước phát triển nhanh và mạnh. Nếu không có sự thay đổi tiếp theo, nếu không có đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về chính trị, thì Việt Nam không thể nào cất cánh được.
Hiện nay, Việt Nam đang tụt hậu ngay cả so với những nước trong khối Đông Nam Á. Đó là điều mà trí thức Việt kiều như chúng tôi luôn canh cánh ngày đêm, không an lòng được.
Tôi vẫn cho rằng kỳ thay đổi hiến pháp lần này là một vận hội mới để giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Đất nước đã thống nhất gần 40 năm nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa thực hiện được hòa hợp dân tộc.
Theo tôi hiến pháp phải là luật mẹ cho toàn dân, phải được nhân dân phúc quyết, phải đáp ứng hoài bảo tự do dân chủ thực sự cho mọi người Việt Nam, phải thoát ra khỏi lợi ích cục bộ thì mới là cơ sở cho việc hòa hợp, hòa giải vẫn còn bỏ dở gần 40 năm nay, thời gian đủ để Hàn Quốc, một nước có trình độ kinh tế văn hóa tương đương với Miền Nam trước 1975 trở thành một cường quốc kinh tế và công nghệ.
Là người có nhiều năm sống ở nước ngoài và có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với bà con Việt kiều, ông có thể cho biết tâm tư tình cảm của Việt kiều trong vấn đề hòa hợp dân tộc?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi là người luôn lạc quan và luôn tìm cách vận động Việt kiều về xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm đúc kết Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có thể thấy việc thu hút Việt kiều về xây dựng đất nước chỉ còn là một khẩu hiệu. thiếu thực chất, thiếu nội dung, nhất là chưa bao giờ được tổ chức thực hiện một cách nhất quán, bài bản, thông suốt…
Trao đổi với tôi, rất nhiều Việt kiều có tâm huyết rất thất vọng về chính sách kêu gọi Việt kiều cũng như hòa hợp dân tộc. Bây giờ trí thức Việt kiều về giúp Việt Nam rất ít trong tổng số 300 ngàn trí thức, chuyên gia Việt kiều ở nước ngoài. Một con số quá nhỏ so với tiềm lực.
Bởi chính sách mở rộng dân chủ, trong đó việc chiêu mộ trí thức Việt kiều về tham gia xây dựng đất nước còn nhiều bất cập.
Trước thời điểm 30.4 năm 2005, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói ngày 30.4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn. Cho nên khi nhắc tới 30.4, ta cũng không nên nói nhiều tới chiến thắng mà phải nghĩ rằng ngày này vẫn có số đông người Việt rất buồn.
Cho nên muốn hòa hợp dân tộc, muốn người Việt tìm đến nhau, chúng ta cần phải tìm cách quên đi những đau thương để cùng nhau xây dựng đất nước.
(Theo blog GS. Nguyễn Đăng Hưng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét