Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Mỹ chọn 8 căn cứ Philippines để tăng sức mạnh quân sự ở Đông Nam Á

mediaTàu đổ bộ của Mỹ và Philippines trong cuộc tập chung Balikatan ngày 21/4/2015.REUTERS/Erik De Castro
Hoa Kỳ đã yêu cầu Philippines cho Mỹ quyền sử dụng các căn cứ quân sự tại tám địa điểm để có thể tiếp nhận binh lính, phi cơ và chiến hạm Mỹ. Đây sẽ là các đơn vị được huy động trong khuôn khổ chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á, vào lúc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông.







Theo hãng tin Anh Reuters, lãnh đạo quân đội Philippines, tướng Gregorio Catapang đã tiết lộ vào tối hôm qua, 24/04/2015, trên một đài truyền hình địa phương rằng Mỹ đã xác định được ít nhất là tám địa điểm ở Philippines có thể được dùng làm nơi đồn trú cho các lực lượng quân đội, máy bay và tàu chiến sẽ thay phiên nhau ghé Philippines để tham gia của cuộc tập trận hay các công tác huấn luyện.
Danh sách các căn cứ đã được hai nước đúc kết vào tháng 10 năm ngoái, bao gồm 4 căn cứ trên đảo chính Luzon, nơi thường xuyên được hai nước chọn để tổ chức tập trận, và hai căn cứ khác trên đảo Cebu ở miền Trung. Điểm đáng chú ý là có hai căn cứ trên đảo Palawan ở miền Tây Philippines, nằm gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp tại Biển Đông.
Thông tin về việc tám địa điểm tại Philippines sẽ tiếp nhận lực lượng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, trong một bài phát biểu tại Arizona gần đây, đã phác họa giai đoạn tiếp theo của chiến lược xoay trục qua châu Á của Washington : Đó là triển khai các khu trục hạm, các loại oanh tạc cơ và chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ tới khu vực, trong đó có vùng Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, chiến lược xoay trục qua Châu Á của Mỹ đã được cụ thể hóa một cách rõ ràng bằng quyết định cho Thủy quân lục chiến Mỹ thay phiên nhau đồn trú tại Darwin, thành phố Úc gần Đông Nam Á nhất.
Tuy nhiên, trước mắt Manila chưa bật đèn xanh cho việc mở cửa các căn cứ có liên quan cho lực lượng Mỹ. Lý do, như Tướng Catapang giải thích, đó là vì cần phải đợi cho đến cuối năm nay, sau khi Tòa án Tối cao Philippines phán quyết về tính hợp hiến của thỏa thuận quân sự mang tên Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, ký kết năm ngoái 2014 giữa Manila và Washington.
Các thông tin về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Đông Nam Á đã được liên tiếp đưa ra trong thời gian gần đây, vào lúc Trung Quốc ngày càng có thêm những hành động bị đánh giá là « khiêu khích » nhằm áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông, thúc ép các láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.

Không có nhận xét nào: