Pages

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

‘Bản lĩnh chính quyền’ để đối thoại với bất đồng chính kiến?

Phạm Chí Dũng



Lần đầu tiên trong lịch sử hưng - vong của mình, Đảng Cộng Sản Việt Nam buộc phải “mở lối cho trí thức phản biện” - như cách rút tít của một tờ báo nhà nước - bằng một văn bản chính thức được ban hành bởi bên hành pháp: chính phủ.

Văn bản trên - biểu hiện bằng hình thức quyết định với danh nghĩa thủ tướng chính phủ - mang nội dung “thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội.”

Nhưng những câu từ đáng giá nhất của văn bản trên có lẽ là: “Không quy chụp về mặt tư tưởng, quan điểm khi tham gia diễn đàn.”

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”

Vào cuối năm 2014, trong một cử chỉ đáng hoài nghi, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã công khai trên Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) chủ trương “đối thoại với “bất đồng chính kiến.”

Đây là lần đầu tiên cụm từ “bất đồng chính kiến,” vốn có xuất phát điểm từ thế giới phương Tây, được các cơ quan đảng Việt Nam thừa nhận một cách công khai, tuy vẫn phải chịu thân phận trong ngoặc kép.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi.” Tâm lý học xã hội đang dần chuyển hóa vào tâm lý học chính trị. Sau 3 năm tính từ phong trào Kiến Nghị 72 đòi thay đổi điều 4 hiến pháp về vai trò độc đảng, áp lực dồn lên đôi vai nung núc của giới lãnh đạo Hà Nội không chỉ đến từ những trí thức vẫn bị giới dư luận viên hạng “ruồi” mô tả là “phản động,” mà đang hình thành và tăng trưởng đột biến ngay trong đội ngũ cán bộ cách mạng lão thành và cả với một số quan chức cấp trung-cao.

Vô số nhũng nhiễu và quốc nạn móc túi ngân sách lẫn bức cướp dân chúng gây ra bởi một trong những đội quân công chức đông nhất thế giới - 2,8 triệu người - đã khiến cho bất kỳ công trình kinh tế-xã hội nào có vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên đều đáng bị liệt vào dạng nghi vấn trầm trọng.

Cộng dồn với quốc nạn trên, thành tích của nhiều chính quyền địa phương về thảm cảnh và thảm họa đất đai, môi trường dành cho dân chúng của họ là hết sức đáng ngưỡng mộ. Hoàn toàn không nên kinh ngạc khi chứng kiến ngày càng nhiều và dần trở thành một con sóng phản kháng xã hội đã và đang bùng lên ở nhiều địa phương, trải dài từ Hưng Yên, Hà Nội và Quảng Ngãi, Bình Thuận ở miền Trung và Bình Dương, Đồng Nai ở Nam Bộ.

Sau bốn chục năm “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” những người đại thắng đã đẩy quốc gia vào cảnh đại bại về sức khỏe kinh tế và niềm tin chế độ.

Không chỉ lớp trí thức học cao biết rộng mới có nhu cầu phản biện và đối thoại, hàng triệu dân oan đất đai, vài trăm ngàn công nhân chịu thiệt hại cùng hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường đều muốn đối mặt với lớp quan lại luôn hò hét, “Học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại.”

Mở đầu năm 2015 là ba cuộc xuống đường quy mô lớn: Cuộc cách mạng cây xanh ở Hà Nội, biểu tình của công nhân Bình Dương phản đối Luật Bảo Hiểm Xã Hội rủi ro và chống ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận - tất cả đều tràn ngập dân chúng và bài bản đến mức mà khác hẳn năm 2014 và những năm trước, chính quyền không thể quy chụp hoặc bắt bớ.

Trong khung cảnh vằn vện tia kích nổ như thế, một số trí thức thuộc kênh “phản biện trung thành” và một số quan chức có tư tưởng “cải cách” (chủ yếu bên khối chính phủ) đã cố gắng đề đạt cơ chế phản biện sao cho “đảng phải thay đổi để còn tồn tại.”

Năm 2011, chính người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu tiên phải đề cập trực tiếp về nguy cơ “sự tồn vong của đảng.” Lẽ dĩ nhiên, nếu không khí phản biện được đảng cho chớm nở, cho dù có man mác sắc tố đa nguyên, hiệu ứng xoa dịu quần chúng và kéo theo tuổi thọ vật vờ của đảng mới chính là điều mà những người chưa chịu cắt đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bám víu.

Ý chí bám víu đến phút cuối cùng còn có một ý nghĩa song trùng không kém quan yếu: phản biện xã hội còn mang trên mình cái vỏ của “tự do ngôn luận” - điều mà những chủ nợ chính của ngân sách Việt Nam là Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu luôn nhắc nhở. Mở ra diễn đàn cho trí thức phản biện, dù chỉ là phản biện trong ngoặc kép, dù sao vẫn có chút gì đó bóng bẩy hơn về hình ảnh nhân quyền, nhất là khi nhà nước Việt Nam còn đang là một thành viên chưa bị phủ quyết do “thành tích vi phạm” tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Chuyên nghiệp moi tiền ngân sách?

Có quá nhiều lý do để nghi ngờ rằng cơ chế “thí điểm phản biện” của nhà nước hầu như chưa có gì đáng gọi là thực tâm.

Trong 3 điều kiện để tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp theo quyết định của thủ tướng chính phủ, điều kiện đầu tiên trở nên khó khăn và ít thực tâm nhất: “Cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thí điểm tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp.”

Vậy những cơ quan, tổ chức nào sẽ được “cấp phép” để thí điểm?

Phần “tổ chức thực hiện” của quyết định trên là câu trả lời đanh gọn: “Giao liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam tổ chức thí điểm diễn đàn khoa học chuyên nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của đơn vị mình trong thời gian 5 năm.”

Không có bất kỳ chỗ trống nào dành cho những trí thức phản biện độc lập và các tầng lớp dân chúng bạc mệnh!

Toàn bộ cơ chế vẫn mang tính “kín,” nằm trong sự chỉ đạo của các cơ quan đảng và chính quyền theo lối cầm tay chỉ việc. Một lần nữa, nhóm trí thức “phản biện trung thành” lại có thêm lý cớ hoàn hảo để xin tiền ngân sách nhằm lập diễn đàn và hơn nữa là “nghiên cứu đề tài khoa học.”

Hiểu một cách thuần phác, “diễn đàn khoa học chuyên nghiệp” sẽ là sự thao tác quy trình “khoan ngân sách” một cách chuyên nghiệp, để cuối cùng mọi ý kiến phản biện dù hay ho đến đâu cũng bị nhét vào ngăn kéo.

Không hiểu có phải vì lường trước tình cảnh đầu voi đuôi chuột của hình thức diễn đàn trên hay không, quyết định của chính phủ dù mang danh nghĩa thủ tướng nhưng lại do Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam ký.

Còn Nguyễn Tấn Dũng, người từng “ấp úng” với Quốc Hội về “trả lại quyền phúc quyết cho dân,” đã lặng tăm trước chủ đề diễn đàn đối thoại, trong khi chỉ cần khôn ngoan và có bản lĩnh hơn một chút, ông ta có thể lấy điểm từ không ít trí thức và người dân nhẹ dạ.

Chủ thuyết mị dân lại một lần nữa vướng nơi ngõ cụt. Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật trần truồng của xã hội, không dám đối diện với phong trào dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, chiến dịch “diễn đàn khoa học chuyên nghiệp” của đảng cầm quyền sẽ chết yểu như chưa từng được sinh thành.

Phạm Chí Dũng

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: