Pages

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Triển vọng của xã hội dân sự ở VN

Image captionHọc giả Jonathan London bình luận về hiện trạng, triển vọng của xã hội dân sự ở VN cũng như thái độ của nhà nước với nó.
Xã hội dân sự ở Việt Nam đã có những bước phát triển 'rất mạnh' và 'tích cực' mặc dù quan niệm trong chính quyền và đảng cộng sản với thiết chế này vẫn còn chưa thực sự 'thống nhất', theo một nhà nghiên cứu chính trị và xã hội học từ Đại học Thành thị Hong Kong.
Trao đổi với BBC trong một chuyến thăm trụ sở của chúng tôi gần đây ở London, PGS. TS Jonathan London nói:

"Xã hội dân sự ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong những năm qua, đó là một quá trình rất quan trọng cho sự phát triển chính trị, xã hội của Việt Nam.
"Vấn đề là khái niệm xã hội dân sự còn phức tạp quá. Nhiều khi, nhiều người nghĩ đến xã hội dân sự thì nghĩ rằng nó là ngoài bộ máy của nhà nước và đảng (CSVN).
"Như ở Việt Nam phức tạp quá bởi vì Việt Nam không có một phạm vi để có những hành động thực sự là độc lập, nên khái niệm dân sự ở Việt Nam rất phức tạp, có nhiều bộ phận khác nhau.
"Nói chung, trong khoảng 3-4 năm qua, xã hội dân sự là gì, là những hành động độc lập về những chuyện chính trị, xã hội, kinh tế trong nước thực sự là độc lập, là đã phát triển mà tôi nghĩ là tích cực.
"Còn nhiều hạn chế và có một số chuyện vẫn còn quá 'chán' và buồn, chẳng hạn như những người hành động, tự do về những vấn đề chính trị, xã hội bị sách nhiễu, bị bỏ tù v.v...
"Chuyện đó thì vẫn còn, nhưng từ phong trào cải cách Hiến pháp cho đến vấn đề giữ cây xanh ở Hà Nội, rõ ràng người dân Việt Nam đã tìm được tiếng nói của họ.
"Và điều đó là quan trọng. Nhiều khi tư duy của người dân trong một nước nào đó đi nhanh hơn so với chính quyền của nước đó, thì đó rõ ràng là tình trạng ở Việt Nam.
"Tôi cũng phải nói là nhiều khi những người khát tự do ở Việt Nam cũng rất là bức xúc, bởi vì qua mấy thập kỷ thì họ vẫn chưa có những quyền mà hiến pháp cũ đã hứa rồi," ông Jonathan London đưa ra nhận xét.

Thái độ của chính quyền

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionViệt Nam vừa đánh dấu tròn 70 năm quốc khánh 2-9 và cuộc Cách mạng tháng Tám giành độc lập.
Dường như trong thời gian qua, có những 'dạng thức', tổ chức của xã hội dân sự đã và đang được nhà nước chấp nhận, hoan nghênh, nhưng có vẻ cũng có những 'hình thức', tổ chức khác của xã hội dân sự lại có thể là điều 'dị ứng', lo ngại đối với chính quyền ở Việt Nam.
Khi được hỏi đâu là thái độ thực sự của nhà nước và chính quyền Việt Nam hiện nay với xã hội dân sự, học giả người Mỹ nêu quan điểm:
"Thái độ thực sự của nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là không nói được, bởi vì có rất nhiều thái độ khác nhau. Đó là một đảng dù bề ngoài thống nhất, đây không phải là một lời phê bình, mà bình thường là có nhiều quan điểm khác nhau ngay trong đảng về vấn đề là nên được xử lý thế nào.
"Vấn đề là đến nay vẫn còn những quan điểm không nói ra và tôi biết về những vấn đề nội bộ thì phải có những đường lối thống nhất. Nhưng theo tôi là ngay trong đảng thì có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
"Có khả năng là sau Đại hội 12 (của Đảng CSVN) thì sẽ có một số thay đổi, bởi vì sẽ có một thế hệ trẻ hơn và có quan điểm khác hơn, thì có lẽ sẽ có một số tiến bộ. Nhưng tôi nghĩ là cho đến nay, chưa có một quan điểm thống nhất về vấn đề này.
"Mặt khác rõ ràng là không có quan điểm phải chống lại, phải giết hết xã hội dân sự như ở Trung Quốc, điều đó là một cái đáng mừng, không nên nói cám ơn cho ai cả. Bởi vì xã hội dân sự và quyền con người của Việt Nam chưa được tôn trọng đủ, nhưng việc Việt Nam đang tự do hơn và việc mà có người thể hiện quan điểm của họ một cách xây dựng, một cách rõ, thì điều đó tôi nghĩ là có nhiều tiến bộ.
"Tóm lại, Việt Nam còn phức tạp rất nhiều, nhưng theo tôi theo dõi tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam thì đã có một số tiến bộ và hy vọng trong vòng năm năm tới sẽ có những tiến bộ hơn nữa. Nhưng con đường không thể nào dễ dàng và tôi biết là có nhiều người ở ngoài và ở trong nước muốn một Việt Nam dân chủ đa nguyên, điều đó không thể có được ngay, nhưng Việt Nam có thể thay đổi một cách không phải là quá chậm.
"Nhưng một cách mà ai cũng muốn một xã hội ổn định, ai cũng muốn một trật tự xã hội, điều đó tôi nghĩ không có ai mà không đồng ý với nhau, vấn đề là làm sao có thể đẩy mạnh một quá trình phát triển đủ mạnh, để thực sự thay đổi tình hình trong nước," ông Jonathan London nói với BBC hôm 28/8/2015.
Quý vị có thể theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn của BBC với PGS. TS. Jonathan London trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ tại đâyhttp://bit.ly/1NMZnUZ

Không có nhận xét nào: