Nhân hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Manila, Philippines, tuần này, trong loạt bài về các quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á, cũng như với các cường quốc bên ngoài, chúng tôi giới thiệu ý kiến của Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại Khoa chính trị đại học Oregon, Hoa kỳ, một chuyên gia về Indonesia về vai trò và chính sách của quốc gia này trong việc giải quyết các xung đột tại Đông Nam Á. Cuộc phỏng vấn do Kính Hòa thực hiện.
Kính Hòa: Indonesia gần đây có lên tiếng khá mạnh mẽ về đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông liên quan đến quần đảo Natuna của Indonesia. Điều này cũng lạ là vì Indonesia từ trước tới nay không lên tiếng về các tranh chấp trên biển Đông, thưa giáo sư?
Giáo sư Vũ Tường: Vì đường lối mới của ông Tổng thống mới là nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia, các vùng biển của Indonesia, đó là một trong 3 điểm trong chính sách ngoại giao của ông ấy. Thành ra sau khi củng cố chính phủ của mình, ông ấy lên tiếng mạnh mẽ hơn.
Kính Hòa: Theo giáo sư thì quan điểm của Indonesia về các tranh chấp trên biển Đông, các cuộc tuần tra của Mỹ, các hoạt động của Nhật, của Ấn Độ, của Úc,… sắp tới sẽ như thế nào?
Giáo sư Vũ Tường: Indonesia có những phản ứng đối với nhiều người có vẻ như là mâu thuẫn. Ông Bộ trưởng quốc phòng Indonesia thì có vẻ không thích người Mỹ can thiệp vào biển Đông. Ông tổng thống thực ra chỉ muốn có sự duy trì hòa bình ở biển Đông, chứ ông không có nhấn mạnh là Mỹ có nên can thiệp hay không, và ông kêu gọi các bên kềm chế, và theo luật biển của Liên Hiệp Quốc để giải quyết xung đột.
Indonesia chỉ quan tâm đến đến đường lưỡi bò của Trung Quốc vì cái phần cuối của nó liếm vào quần đảo Natuna của Indonesia.
- Giáo sư Vũ Tường
Indonesia chỉ quan tâm đến đến đường lưỡi bò của Trung quốc vì cái phần cuối của nó liếm vào quần đảo Natuna của Indonesia. Mà Trung Quốc thì chưa công khai lên tiếng từ bỏ quần đảo Natuna, cho nên Indonesia lên tiếng chống đường lưỡi bò đó. Chứ họ không quan tâm đến tranh chấp ở các quần đảo Hoàng sa và Trường sa.
Kính Hòa: Vậy theo giáo sư thì Indonesia là một quốc gia lớn nhưng sắp tới cũng sẽ không đóng vai trò lớn về việc giải quyết các xung đột ở biển Đông phải không ạ?
Giáo sư Vũ Tường: Vâng tôi nghĩ là họ không có vai trò lớn đâu. Họ chỉ quan tâm đến Natuna và việc dùng ngoại giao để mà thúc đẩy đầu tư vào Indonesia, đó là trọng tâm của chính sách ngoại giao của ông Tổng thống hiện nay.
Trung Quốc là một bạn hàng rất quan trọng của Indonesia nên họ sẽ đối xử với Trung Quốc thận trọng. Ngoài ra Indonesia cũng muốn gia nhập vào khối TPP để thu hút nhiều đầu tư từ Mỹ và Nhật. Họ quan tâm đến kinh tế nhiều hơn là an ninh.
Kính Hòa: Có tin gì mới về mong muốn gia nhập TPP của Indonesia không thưa Giáo sư?
Giáo sư Vũ Tường: Ông tổng thống lúc sang thăm Washington có nói là Indonesia muốn gia nhập TPP, nhưng chắc cũng cần vài năm để họ thảo luận trong nội bộ của họ và với các thành viên TPP.
Kính Hòa: Chúng ta vừa nói đến quan hệ Indonesia và Trung Quốc, nước bạn hàng quan trọng của Indonesia. Thưa giáo sư, năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thảm sát Jakarta, (mà nhiều người gốc Trung Quốc là nạn nhân) cuộc thảm sát đó còn để lại điều gì không trong mối quan hệ giữa hai bên?
Giáo sư Vũ Tường: Có chứ. Ở Indonesia có sự nghi ngờ người Trung Quốc. Chuyện này bắt đầu từ thời thực dân. Những người di dân từ Trung Quốc đóng vai trò trung gian giữa thực dân và người Indonesia. Và họ có cái lợi trong thương mại. Vì thế người dân bản địa không thích người Trung Quốc lắm. Điều đó sẽ còn là vấn đề lâu dài trong quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc.
Trong cuộc thảm sát Jakarta có nhiều đảng viên đảng cộng sản Indonesia gốc Trung Quốc, và họ nhận được hỗ trợ rất mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Giới quân đội Indonesia vẫn còn nhiều nghi ngại về Trung Quốc.
Kính Hòa: Với tư cách là hai quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á, giáo sư nghĩ rằng quan hệ Việt Nam và Indonesia sẽ phát triển ra sao?
Giáo sư Vũ Tường: Nó bình thường thôi. Tôi không thấy là nó có khả năng phát triển nhanh hơn so với từ trước đến giờ.
Tôi nghĩ là họ sẽ tiếp tục quan điểm là các bên liên quan phải giữ hòa khí, và tiếp tục giải quyết vấn đề bằng luật pháp quốc tế. Sẽ không tạo được một tuyên bố mới nào của ASEAN về vấn đề này.
- Giáo sư Vũ Tường
Kính Hòa: So với quan hệ giữa Việt nam và Philippines thì mặc dù có cùng những quan tâm về biển Đông nhưng Việt nam và Indonesia sẽ không có quan hệ chặt chẽ hơn phải không ạ?
Giáo sư Vũ Tường: Ít nhất là trong thời ông Tổng thống này, tôi không thấy Indonesia tìm cách đóng vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á, cũng như quan hệ với Việt nam.
Kính Hòa: Trước khi ông Widodo lên cầm quyền người ta cũng đoán là ông sẽ mạnh về đối nội mà không có nhiều quan tâm đối ngoại. Theo giáo sư thì nhận định đó vẫn còn đúng?
Giáo sư Vũ Tường: Vâng, mặc dù ông ấy đi rất nhiều nước. Nhưng mục tiêu chính của ông ấy là mang thương mại và đầu tư vào Indonesia. Kỳ này ông ấy đi dự hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (ở Thổ Nhĩ Kỳ) và chỉ gửi ông phó tổng thống đi dự thượng đỉnh ở Manila, Philippines thôi.
Kính Hòa: Trong thượng đỉnh ở Manila có khả năng là nhiều quốc gia sẽ nêu vấn đề biển Đông, theo giáo sư thì thái đội của Indonesia sẽ như thế nào?
Giáo sư Vũ Tường: Tôi nghĩ là họ sẽ tiếp tục quan điểm là các bên liên quan phải giữ hòa khí, và tiếp tục giải quyết vấn đề bằng luật pháp quốc tế. Sẽ không tạo được một tuyên bố mới nào của ASEAN về vấn đề này.
Kính Hòa: Trở lại vấn đề mà chúng ta bàn lúc đầu, thì giả sử sắp tới Trung Quốc lấn lướt hơn ở Natuna thì Indonesia sẽ phản ứng như thế nào?
Giáo sư Vũ Tường: Khi Trung Quốc lấn lướt thì Indonesia sẽ phản ứng mạnh. Nhưng tôi nghĩ là Trung Quốc không dại gì làm thế vì khả năng của họ cũng chưa vươn được tới đó.
Kính Hòa: Xin cám ơn giáo sư dành thời gian cho buổi phỏng vấn này
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét