Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011
Công nghệ …Vỗ tay!
Nguyễn Huy Cường (Tamnhin.net) – Có lẽ, không ở đâu người ta hào phóng cái vỗ tay như bên xứ ta. Có người muốn tạo không khí hoạt động gì đó của mình, cứ thả cửa “xin” một tràng pháo tay còn người cho thì rất hào phóng, kiểu “không mong đợi gì” hay “không hề nuối tiếc”…nên cứ xin là cho, là vỗ cho bằng thích.
Còn một dạng, có lẽ phải nhờ bên Y tế định dạng xem nó thuộc loại bệnh lý gì, chứ nếu cứ để nó phát triển, hệ quả đầu tiên là nó gây nhiễu thành tích, các ban giám khảo sẽ phân tâm khi chấm giải gì đó, bạn đọc, bạn xem đài sẽ…mất tự tin khi thấy các tác phẩm loại này cứ được hoan hô nhặng lên…
Có chương trình trên TV, có những tiểu phẩm nhạt như nước…suối. Ví như cảnh hai anh hành khất tranh chấp nhau địa hạt làm ăn rồi một chị (chắc bị tâm thần) đi đến, quẳng đại ra vài chục ngàn bố thí, hai anh ăn mày thượng lưu này sướng hết lớn. Cảnh này không hiểu tác giả muốn nói gì nhưng trước hết, nó có thể biến thành yếu tố “kích cầu” cho đám trẻ lang thang về thành phố khật khưỡng cầu may là cái chắc.
Còn cảnh quay nông dân, nông thôn thì nhắm mắt lại là thấy họ “quê mùa, kệch cỡm, tham lam, lạc hậu kiểu ôm chai rượu chạy khắm làng, nói năng văng mạng” mới là nông dân.
Điều đáng nói là, lớp khán giả ngồi ở hội trường phòng quay vỗ tay rào rào, phụ họa cho lớp diễn khi kết thúc. Chắc vỗ tay đã trở thành một phản xạ có điều kiện như Paplop đã chỉ ra.
Nhớ lại, trong chương trình truyền hình trực tiếp một đại hội. MC sau khi giới thiệu các đoàn đại biểu quốc tế đến dự đại hội, vị này đề nghị hội trường dành một phút mặc niệm một cố đại biểu mới qua đời trong nhiệm kỳ trước đó, người ta cũng…vỗ tay hoan hô!.( bởi trước đó vừa quen vỗ tay hoan nghênh các đại biểu).
Gần đây nhất, trong một liên hoan truyền hình, khi màn hình chấm dứt màn hình chiếu cảnh cơn lũ quét kinh hoàng ở Lai Châu với xác người, bùn đất và đói khát, người ta cũng vỗ tay…
Vỗ tay là một nét biểu cảm tự nhiên. Chưa có luật nào giới hạn việc này nhưng, người vỗ tay cũng nên kiềm chế kiểu vỗ tay như vậy, trước hết là để tự tôn mình, sau đó là để giúp cho việc đánh giá xác đáng hơn những tác phẩm, những thể hiện khác. Tránh việc tạo điều kiện cho căn bệnh thành tích phát triển.
Gần đây “ngành vỗ tay” đã đạt đến một ngưỡng mới, một sắc thái mới.
Số là tại một hội nghị , có một số diễn giả cậy thế lớn, lại thích nói dai, nói dài, nói kiểu răn dạy thái quá, thế là cử tọa vỗ tay rầm lên, vỗ hoài, vỗ mãi . Khi vừa ngừng, vị này định phát nữa thì hội trường lại dậy lên tiếng vỗ, vỗ quyết liệt, vỗ rổn rảng đến mức vị này phải cười gượng, cúi đầu chào mọi người, nhường micro cho MC thì mới thôi.
Xét thấy, xứ ta chuyện vỗ tay cũng muôn màu lắm vẻ, đáng để suy tư!
Nguyễn Huy Cường
http://tamnhin.net/Phiem-dam/8201/Cong-nghe-Vo-tay.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét