Pages

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Vụ lời khai Dương Chí Dũng: Ban Nội chính Trung ương sẽ "thẳng tay"

(ĐSPL) – Những thông tin liên quan đến "ông anh” mà Dương Chí Dũng khai tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng ngày 8/1 vừa qua, Ban Nội chính Trung ương đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết triệt để vụ bê bối gây xôn xao dư luận này.
 
Ban Nội chính Trung ương sẽ làm thẳng tay
 
Trước đó, ngày 14/12, tại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, ôngNguyễn Bá Thanh – Trưởng ban Nội chính Trung ương đã lặng lẽ đến theo dõi phiên xét xử này.
Cũng trong ngày xét xử Dương Tự Trọng 7-8/1 vừa qua, một lần nữa người ta lại thấy ông Nguyễn Bá Thanh đích thân đến TAND TP. Hà Nội tham dự phiên tòa xét xử cựu PGĐ Công an Hải Phòng về tội Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài.
 
Được biết, trong phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng cùng đồng bọn, xuất hiện với tư cách người liên quan, Dương Chí Dũng đã tiết lộ những thông tin “động trời” về một “ông anh” làm trong Bộ Công an, người được coi là đã mật báo để bị cáo Dũng thực hiện cuộc đào tẩu của mình vào chiều ngày 17/5/2012.
Cũng trong phiên tòa ngày 7-8/1, HĐXX đã đề nghị khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.


Trước những luồng dư luận khác nhau về việc liệu cơ quan công an có làm “thẳng tay” vụ làm lộ bí mật hay không vì liên quan đến một cán bộ cấp cao trong ngành, như báo Đất Việt đã đưa tin, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã lên tiếng trấn an dư luận.
 
Theo ông Tuấn, ngay sau khi phiên xét xử Dương Tự Trọng kết thúc, TAND TP Hà Nội đã giao vụ án này cho VKSND TP Hà Nội. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, VKSND TP.Hà Nội có trách nhiệm báo cáo với VKSND Tối cao để ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án theo đúng quy trình tố tụng.
 
Vụ lời khai Dương Chí Dũng: Ban Nội chính Trung ương sẽ "thẳng tay" - Ảnh 2
Trong phiên xét xử Dương Tự Trọng vừa qua, Dương Chí Dũng đã có những lời khai chấn động.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng chia sẻ, trước những ý kiến trái chiều từ xã hội, mặc dù vụ án này CQĐT có thể làm được, nhưng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch cũng như tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, trong thời gian tới, sẽ có sự tham gia của tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm điều tra mức độ chính xác trong lời khai của Dương Chí Dũng. Nếu thật sự lời khai này là chính xác, có đủ bằng chứng để chứng minh, sẽ tiến hành xử lý đúng người đúng tội. Mặt khác, nếu lời khai này không có căn cứ, bị cáo Dũng sẽ mắc thêm tội vu khống.
 
Bộ Công an đảm bảo không để lọt tội phạm, không để oan sai.
 
Ngày 16/12, HĐXX đã tuyên án tử hình dành cho Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, trong phiên xét xử em trai mình ngày 7-8/1 vừ qua, Dương Chí Dũng đã có những lời khai gây chấn động. Liệu với những tiết lộ mới của mình, Dương Chí Dũng có thoát được án tử trong đại án tham nhũng?
 
Vụ lời khai Dương Chí Dũng: Ban Nội chính Trung ương sẽ "thẳng tay" - Ảnh 3
Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh thông tin Dương Chí Dũng khai về "ông anh".
Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận xung quanh vụ án mới liên quan đến một “ông anh” là cán bộ ngành Công an mà Dương Chí Dũng đã khai trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng ngày 7-8/1 vừa qua, theo tin tức từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT- Bộ Công an đã khẳng định sẽ “khẩn  trương điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”.
 
Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng tiến hành đúng theo các thủ tục tố tụng để điều tra làm sáng tỏ những thông tin mà Dương Chí Dũng đã khai trong phiên tòa xét xử các bị cáo về tội danh Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài.
 
Vụ lời khai Dương Chí Dũng: Ban Nội chính Trung ương sẽ "thẳng tay" - Ảnh 4
Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết sẽ không để lọt tội phạm, không để oan sai
Cụ thể là căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp điều tra do pháp luật quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Liên quan tới đại án tham nhũng, (mà điển hình là vụ bê bối ở Vinalines do Dương Chí Dũng cầm đầu), chia sẻ về quan điểm sẽ làm nghiêm, làm mạnh của tất cả các cơ quan chức năng có liên quan, như TTXVN đã đưa tin, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực”.
 
Điều 263. Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước
  1. Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
  3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
  4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 
 
Minh Hiền (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: