Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-01-03
Trong loạt tổng kết về năm 2010, một đề tài không thể thiếu chính là tình hình kinh tế Việt Nam.
RFA PHOTO
Các tòa cao ốc được xây dựng tại Q4 - TPHCM.
Sau hai năm thế giới bị tổng suy trầm thì cùng các nước Đông Á ngoài Nhật Bản, Việt Nam đã sớm đạt mức tăng trưởng khá cao và năm 2010 là thời điểm mà Tổng sản lượng Nội địa xứ này đã vượt cái mốc đáng chú ý là đạt 100 tỷ Mỹ kim một năm. Nhưng kinh tế Việt Nam cũng có nhiều rủi ro rất đáng quan ngại. Qua phần thực hiện của Vũ Hoàng, sau đây là tổng kết của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, người phụ trách tiết mục Diễn đàn Kinh tế.
Những điểm tích cực
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Cùng một nhóm các quốc gia Đông Á, Việt Nam đã sớm ra khỏi nạn suy trầm toàn của hai năm 2008-2009 và đạt tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục là gần 7% một năm. Nhìn lại thì tình hình trong năm 2010 quả là không đến nỗi tệ. Nhưng vì sao đến cuối năm thì dư luận mọi nơi bắt đầu tỏ vẻ ngờ vực và e ngại nhiều rủi ro cho Việt Nam?
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Thưa khi kinh tế thế giới bị suy trầm thì đà sa sút của Việt Nam lại không quá nặng vì kinh tế vẫn tăng trưởng hơn 5% vào năm 2009, là năm mà lợi tức bình quân một đầu người đã vượt cái ngưỡng tâm lý là 1.000 Mỹ kim một năm.
Như nhiều quốc gia khác khi thấy kinh tế toàn cầu bị đình đọng, Việt Nam cũng ban hành biện pháp kích thích, chủ yếu là tăng chi để đẩy mạnh đầu tư trong khu vực công và bơm thêm tín dụng vào hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy mà kinh tế sớm phục hồi và đáng chú ý nhất là sức đẩy của tiêu thụ nội địa có phần nào bù đắp cho đầu máy xuất khẩu vì sự co cụm của các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Nhìn như vậy thì ta thấy là cuộc sống người dân tương đối không bị ảnh hưởng quá nặng của nạn suy trầm như tại nhiều quốc gia khác. Đấy là một điểm tích cực rất đáng chú ý cho toàn năm 2010. Tuy nhiên....”
Vũ Hoàng: Khi ông nhắc tới "tuy nhiên"... thì nghĩa là chúng ta phải thấy ra mặt trái của vấn đề khiến dư luận quan ngại?
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Thưa đúng vậy. Thứ nhất là khi nhìn vào vế cung thì lực đẩy của đà tăng trưởng ấy đến từ một lượng đầu tư rất lớn, phải nói là quá lớn, chủ yếu lại do tăng chi của chính phủ để dồn vào doanh nghiệp nhà nước. Với hiệu năng kém, chỉ bằng một phần tám của khu vực tư doanh, lượng đầu tư ấy là một lãng phí. Nền kinh tế này sống bằng thuốc bổ, mà là loại thuốc tốn kém vì phải đầu tư hơn 40% mà để chỉ tăng sản lượng được gần 7% thì Việt Nam mệt sức gấp đôi các xứ khác. Đó là một lẽ đáng lo nếu muốn nghĩ đến việc cạnh tranh cùng thiên hạ, dù mới chỉ là cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Philippines. AFP PHOTO.
Thứ hai là trong năm qua, Việt Nam cũng chính thức nhận được tiền tươi do người Việt bên ngoài gửi về, ít ra là tám tỷ đô la, tức là 8% của tổng sản lượng. Như vậy, còn phải tính đến liều thuốc bổ miễn phí đó chứ? Sự kiện ấy cho thấy thực chất của đà tăng trưởng 7%, một con số ảo.
Thứ ba, nói về đầu tư nước ngoài, thì năm qua, Việt Nam hụt mất cơ hội huy động đầu tư với ngạch số sút giảm hẳn so với hai năm trước. Lý do không chỉ hoàn cảnh sa sút của thiên hạ mà còn vì sự yếu kém và bất trắc của môi trường đầu tư đã đánh sụt niềm tin của thiên hạ.”
Những bất trắc
Vũ Hoàng: Nói về những bất trắc đó thì chúng ta thấy là trong tháng cuối năm, các công ty thẩm định trái phiếu của Việt Nam đều đánh sụt mức tin tưởng. Trái phiếu Việt Nam không là một khí cụ đầu tư hấp dẫn mà trở thành "junk bonds" hay giấy lộn. Vì sao kinh tế xứ này đạt mức tăng trưởng ngoạn mục mà các công ty như Moody's hay Standard & Poor's lại nghi ngờ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Đó là bất trắc về cơ cấu kinh tế vĩ mô, thứ nhất là sự thiếu quân bình, thứ hai là khả năng đối phó quá yếu của chính quyền.
Thiếu quân bình đầu tiên là Việt Nam bị bội chi đáng ngại khi tăng chi để đầu tư một cách tốn kém và vất vả như tôi vừa trình bày. Mất cân xứng thứ hai là Việt Nam bị nhập siêu quá nặng vì xuất khẩu tăng không mạnh và nhập khẩu thì vẫn quá nhiều để duy trì nhịp độ sản xuất. Hậu quả là khối dự trữ ngoại tệ của Việt Nam bị bào mỏng, nay chỉ còn có 14 tỷ đô la dằn lưng thì không thể ứng phó với biến động thị trường. Và thị trường thấy như vậy thì càng sợ và gây sức ép lên đồng bạc, với giá tự do đã vượt giá chính thức tới 15%. Kinh tế Việt Nam đang bị rung chuyển về ngoại hối. Lý do ở đây không phải là vì Việt Nam định tỷ giá đồng bạc quá cao mà vì cán cân vãng lai bị thiếu hụt ngoại tệ quá nặng.”
Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến hai nguyên nhân bất trắc là sự thiếu cân đối vĩ mô và khả năng đối phó quá yếu của chính quyền. Như vậy, tình hình năm 2010 rất đáng chú ý ở khả năng ứng phó này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Lãnh đạo Việt Nam chỉ nhìn vào con số tăng trưởng sản xuất là gần 7% rồi coi đó là vinh mà không thấy nỗi cực là phải đầu tư hơn 40% sản lượng mới đạt con số ấy. Và vì tiết kiệm nội địa chỉ ở khoảng 30% thì phải nhập tư bản bên ngoài quãng 10% nữa mới đủ. Tức là đi vay thuốc bổ để chạy đua với thiên hạ! Cho nên phải nhìn ra phẩm chất và hiệu năng rất kém của đầu tư mà tìm cách cải thiện. Đó là chuyện kém khả năng cải tổ cơ cấu 25 năm sau đổi mới.
Công trình xây dựng Tòa nhà Bitexco Financial tại TPHCM. RFA PHOTO.
Chuyện thứ hai là khả năng ổn định vật giá. Việt Nam có "truyền thống" bị lạm phát cao hơn các lân bang và vừa bị một trận vào đầu năm 2008 thì lại lãnh nạn suy trầm toàn cầu nên ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế, bây giờ lại thấy lạm phát bùng nổ vì vật giá đã tăng quá hai số. Khi kinh tế đã hội nhập vào thế giới thì Việt Nam sẽ còn nhập khẩu lạm phát nữa. Các cơ quan hữu trách về chính sách tiền tệ đang bị những thách đố quá khả năng đối phó và nguy cơ lạm phát càng dội ngược vào giá trị bấp bênh của đồng bạc khiến vấn đề ngoại hối càng nguy kịch. Tức là sau khi đã tưởng thoát nạn suy trầm Việt Nam sẽ phải vừa nâng lãi suất vừa phá giá đồng bạc.”
Những biến cố
Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có ví von là Việt Nam đi vay thuốc bổ để chạy đua khi phải nhập vào một lượng tư bản bằng 10% sản lượng để đầu tư được hơn 40% hầu có mức tăng trưởng là 7%. Chuyện đi vay khiến ta liên tưởng đến biến cố trong năm là vụ Vinashin vỡ nợ.
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Vụ Vinashin chỉ là mặt nổi của nhiều sai lầm còn trầm trọng hơn mà ta sẽ còn thấy sau này.
Trước hết là chuyện vay mượn. Gánh nặng công trái, là nợ nần của khu vực công, đã lên tới mức đáng ngại là hơn phân nửa tổng sản lượng. Trong số đó, ngoại trái là nợ ngoại quốc lại chiếm tới 60%. Nói cho dễ hiểu, khi dân Việt Nam sản xuất ra trăm tỷ thì nhà nước đi vay hơn 51 tỷ, trong số đó hơn 31 tỷ là nợ nước ngoài. Đấy là một vấn đề đáng chú ý cho năm 2010.
Nguy kịch hơn vậy là, do thủ thuật kế toán, Việt Nam không tính trong gánh nặng công trái đó các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, sở dĩ đi vay được là nhờ có nhà nước đứng sau lưng. Nếu tính cho đúng thì gánh nợ ấy còn cao hơn nhiều, có thể là 40 tỷ nữa, tức là so với sản lượng quốc dân của cả năm được 100 tỷ, nhà nước đi vay 51 tỷ và còn phải trả nợ cho con em là các doanh nghiệp của nhà nước quãng 40 tỷ. Vị chi là hơn 90 tỷ!
Thế rồi đi vay để làm gì? Để thực hiện các dự án đầu tư của khu vực công có hiệu năng rất thấp hay để doanh nghiệp nhà nước đốt pháo bông theo kiểu Vinashin thì có phi lý và bất công không? Những ai có lợi trong chuyện vay mượn như kẻ vén tay áo sô thế này?”
Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì đằng sau con số tăng trưởng ngoạn mục là rất nhiều vấn đề u ám của năm 2010. Ông kết luận như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: “Cả thế giới có thiện cảm với Việt Nam và mong người dân có cuộc sống khá giả hơn nhưng chỉ một thiểu số rất nhỏ là được như vậy mà thôi, nay thế giới bỗng chột dạ!
Năm 2010 là năm mà đảng Cộng sản chuẩn bị Đại hội khóa 11 nên phải thi thố tài năng. Tài năng ấy đã được kiểm chứng rành rành - và bị thế giới hạ điểm liên tục - vậy mà sự thể vẫn chưa thấm vào các văn kiện cho Đại hội đảng! Người ta vẫn vi vu chuyện trên mây mà không nhìn vào thực tế bi đát của dân chúng. Đáng lẽ, người ta nên rút tỉa bài học của năm 2010 để cải tiến khả năng và cải tổ lại cơ chế kinh tế, chấm dứt chuyện hoang phí vô lường là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và giải phóng sức sản xuất của tư doanh.
Nếu có phải dự đoán thì qua năm 2011, đảng Cộng sản sẽ thành một "đảng đa nguyên", gồm nhiều phe phái tranh giành để chia chác quyền lợi kinh tế theo cái kiểu phi lý và bất công đó, cho tới khi bùng nổ khủng hoảng.”
Vũ Hoàng: Xin cám ơn Ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét