Pages

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Ổn định hay gây loạn trật tự xã hội ???

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 115 (15-01-2011)

Ông François Mitterand, vị tổng thống hai nhiệm kỳ của nước Pháp (1981-1995) từng nói với quốc dân một câu để đời: “Chúng ta chấp nhận một xã hội ít nhiều mất ổn định (vì các cuộc đình công, biểu tình…) nhưng là một xã hội tự do”. Đây cũng là điều thường thấy trong các quốc gia dân chủ khắp thế giới. Nó khác xa với các chế độ độc tài đảng trị phát xít, quân phiệt, giáo phiệt và cộng sản. Các chính đảng và chế độ phi dân chủ này luôn sợ hãi các cuộc biểu tình tỏ thái độ, các cuộc đình công đòi quyền lợi của dân chúng, luôn nhân danh trật tự trị an, ổn định xã hội để đàn áp mọi tiếng nói đối kháng, hầu duy trì quyền lực lâu dài. Đặc biệt nhất là các chính đảng CS vốn hầu hết đã lên ngai thống trị bằng cướp chính quyền, sau đó bằng cướp nhân quyền, dân quyền và sản quyền của dân chúng.

Tại Việt Nam đang xảy đại hội lần thứ 11 của một cái đảng luôn ngoác miệng tự xưng là của dân, do dân và vì dân !?! Thế nhưng, chính trong thời gian chuẩn bị cũng như hội họp này, đảng đã và càng dốc toàn lực để “ổn định trật tự xã hội” cách không giống ai trên thế giới, nghĩa là gia tăng kiểm soát, khống chế và đàn áp bằng bạo lực hành chánh lẫn bạo lực vũ khí mọi tập thể mà đảng cho là có tiềm năng gây nguy cho bản thân đảng, gây rối cho đại hội đảng. Có thể kể ra các hành vi và đối tượng được “ổn định” như sau:

1- “Ổn định” các tôn giáo: Ngay từ thượng tuần tháng 12, người ta đã chứng kiến việc nhà cầm quyền ở Sài Gòn âm mưu xóa sổ Giáo hội Tin lành Mennonite bằng cách tàn phá hai cơ sở của họ tại Quận 2 vào ngày 14. Đây là một Giáo hội được bà con dân oan, quần chúng cùng khổ và đồng bào sắc tộc tìm đến nương tựa. Đến ngày 19-12, tập thể 500 tín đồ thuộc Giáo hội Phúc âm Toàn vẹn, Giáo hạt Thanh Hóa, đang khi sắp tổ chức lễ Giáng sinh tại huyện Đông Sơn, thì đã bị công an, dân quân… ngăn cản, chửi bới, đánh đập tàn nhẫn. Chiều cùng ngày, hàng ngàn tín đồ Tin lành thuộc Hội thánh Lời Sự Sống đã bị nhà cầm quyền ở Hà Nội đơn phương hủy hợp đồng thuê mướn Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình rồi dùng lực lượng công an hành hung, bắt bớ và giải tán cuộc tập họp thờ phượng hát ca mừng Giáng sinh của họ. Đến ngày 30-12, nhân kỷ niệm Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ, hàng trăm tín đồ Hòa Hảo tại An Giang đã bị cấm tập họp để cử hành đại lễ. Tới mồng 04-01-2011, tuy Giáo hội Công giáo được phép tổ chức Lễ bế mạc Năm thánh tại Trung tâm Thánh mẫu Toàn quốc La Vang, Quảng Trị, nhưng nhà cầm quyền đã khống chế cuộc tập họp vĩ đại (lên tới nửa triệu người) này bằng nhiều cách: buộc hạ danh hiệu Thánh địa, đến phát biểu tuyên truyền và “lên lớp”, ngăn cản tín đồ cầu nguyện công khai cho anh em bị bách hại…

2- “Ổn định” quần chúng nhân dân: Sau khi Đơn tố cáo và đòi truy tố đảng CS về hai tội bán nước và phản quốc được nhiều công dân đưa ra ngày 21-12-2010 rồi Lời kêu gọi toàn dân tiến hành giải thể chế độ CS của Lm Nguyễn Văn Lý xuất hiện khoảng tuần sau đó, thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng, chiều ngày 30-12-2010, liền gởi công điện hỏa tốc số 2402 đến các bộ Quốc phòng, Công an, Công thương, Tài chính, Thông tin-Truyền thông, Giao thông-Vận tải, Giáo dục-Đào tạo, đến các ủy ban nhân dân mọi tỉnh thành cùng nhiều cơ quan ban ngành khác, để chỉ thị “tăng cường an ninh chính trị, an toàn xã hội nhằm bảo vệ đại hội Đảng…”. Ai cũng biết rằng công việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ công an và UBND, chứ không thuộc trách nhiệm của Bộ quốc phòng và các Bộ khác như bộ Giáo dục-Đào tạo. Thế mà công điện 2042 đã yêu cầu quân đội lẫn các trường vào cuộc. Phải chăng từ đây quân đội, ngoài nhiệm vụ chống ngoại xâm (lâu nay rất lơ là), còn kiêm nhiệm vụ chống nhân dân (như trong vụ cướp đất tại Vụ Bản, Nam Định ngày 20-12)? Phải chăng các ban giám hiệu sẽ lại được “công an hóa” như trong các vụ biểu tình chống Trung Quốc của sinh viên học sinh năm 2007-2008 tại Sài Gòn và Hà Nội? Cụ thể, công tác “ổn định nhân dân” này chính là việc càn quét hàng trăm dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, để tống vào nhà tù mang mỹ danh “Trại bảo trợ xã hội” ở Đông Anh, chính là việc ngăn chặn và đàn áp nhiều cuộc biểu tình của quần chúng khắp nước kể từ đầu năm đến nay bằng nhiều kiểu cách có khi rất lạ lùng như cấm mặc áo trắng, buộc thi ngày Chúa nhật…

3- “Ổn định” giới đối kháng: Dưới con mắt CS, tất cả những ai dù chỉ nói khác thôi, thì đã là đối kháng, là kẻ thù, dù là đồng đảng. Gần đây, CS đã gia tăng trấn áp các thành phần này. Trước hết, một công thần của đảng, ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội, đã bị chính đồng chí của mình như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải… nguyền rủa mạnh mẽ qua nhiều lá thư gởi chóp bu đảng sau khi ông lên tiếng khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị. Tiếp đến, 22 nhà trí thức hàng đầu của chế độ và là đảng viên kỳ cựu, sau khi phê liệt dự thảo Cương lĩnh Đại hội trong cuộc hội thảo hôm 7-10-2010, đã bị Bộ Chính trị kết án là có “động cơ xấu”, “lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối phá hoại”, cần “kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”. Điều này, chính GS Đào Xuân Sâm, nguyên trưởng khoa quản lý kinh tế trường đảng Nguyễn Ái Quốc, hiện làm chuyên gia tư vấn cho Thủ tướng, đã chua chát cảm nhận ngay trong cuộc hội thảo ấy rồi: “Chúng ta nói đây là nói với nhau thôi chứ biết rằng những người biên tập, làm văn kiện không nghe đâu, mà có nghe cũng không sửa được. Biết cái đó cũng rất là đau, mà cũng phải nói. Cái thứ hai là chúng ta còn mất quyền nói to hơn nữa, nói với quốc dân. Không được lên tiếng với quốc dân. Cấm! Ban Bí thư cấm, Ban Tuyên huấn cũng ra thông tin cấm!”.

Một hành vi “ổn định” giới đối kháng nữa chính là việc nhà cầm quyền sắp đem xử tòa Luật sư Cù Huy Hà Vũ và nhà dân chủ Vi Đức Hồi, hai tiếng nói bất khuất và mạnh mẽ suốt mấy năm qua; là việc sách nhiễu hay lùng bắt các nhà tranh đấu khác như bà Tạ Phong Tần, ông Nguyễn Ngọc Quang (nay đã phải sang Thái tỵ nạn), Lm Nguyễn Văn Lý (bị ngăn chặn gặp gỡ tùy viên Christian Marchant và dân biểu Luke Simpkins mới đây, cũng như bị phong tỏa trong thời gian đại hội và có lẽ suốt năm này); là đặt chốt canh gác nghiêm ngặt quanh nơi ở của tất cả các nhà đấu tranh dân chủ trong cả nước…

Thành phần (có tiềm năng) đối kháng khác chính là báo chí lề trái và lề phải. Trong một tường trình đặc biệt ngày 15-01-2011, đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho biết: “Cảnh sát ở VN đã bắt giữ nhiều blogger mấy tuần gần đây trong một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến trước Đại hội Đảng. Theo ghi nhận của các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và quyền tự do báo chí, với hàng chục nhà bất đồng chính kiến bị tống ngục, VN là nhà tù lớn thứ nhì thế giới của giới bất đồng chính kiến trên mạng, chỉ sau Trung Quốc”. Trước đó, hôm 13-1-2011, Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) của Hoa Kỳ đã ra một thông cáo bày tỏ mối quan ngại về việc Hà Nội, hôm 6-1-2011, vừa ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nghị định này dự trù nhiều biện pháp xử phạt các nhà báo và blogger viết về những vấn đề được coi là nhạy cảm liên quan đến “an ninh quốc gia”! Do thủ tướng ký và sẽ có hiệu lực kể từ 25-2-2011, Nghị định ghi rõ là những nhà báo nào đăng các thông tin “không được phép” hoặc “không phù hợp với quyền lợi của nhân dân” có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Tất cả là “nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ lên các phương tiện truyền thông, vốn đã bị quy định rất chặt chẽ cùng bị trấn áp rất thường xuyên và dữ dội”

4- “Ổn định” ngay trong lòng đảng: Đại hội đảng với gần 1.400 đại biểu chưa bắt đầu, thế mà ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, đã khẳng định trong một cuộc họp báo hôm 10-01 tại Hà Nội rằng: “VN không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng“. Thứ đến, như mọi người đã biết từ lâu, thành phần lãnh đạo CS chóp bu, bất chấp góp ý, phân tích, phê phán của trong lẫn ngoài đảng, vẫn nhất quyết kiên định 4 điều: kiên định học thuyết Mác-Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng và kiên định kinh tế quốc doanh như chủ đạo.

Về nhân sự, hãng thông tấn AFP, hôm Chủ Nhật 09-01, dựa vào một nguồn tin nội bộ đảng, gián tiếp nói rằng cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều nhắm vào ghế tổng bí thư. Nhưng vì tranh nhau, nên hai ông đã thỏa hiệp đưa một kẻ khác là Nguyễn Phú Trọng, biệt danh “Trọng lú” và “Ông 4 kiên định” vào ngồi. Như vậy, Trương Tấn Sang có thể sẽ làm chủ tịch nước và Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm thủ tướng chính phủ. Nguyễn Tấn Dũng đã phải đấu tranh kịch liệt trước những đả kích dữ dội về sự sụp đổ của “quả đấm thép” Vinashin, việc cho Tàu vào Tây Nguyên khai thác bauxite, việc chống tham nhũng thất bại… Do đó mà có màn hài kịch báo VnExpress, tên bồi bút mạt hạng, mới đây đã bình chọn Nguyễn Tấn Dũng như “Nhân vật năm 2010” vì “những ảnh hưởng to lớn và đóng góp quan trọng đối với đất nước”!?! Còn tay đầu óc ngông cuồng là Nguyễn Sinh Hùng, từng bị Quốc hội phản bác trong vụ Đường sắt cao tốc và tố cáo lừa gạt trong vụ Vinashin, nghe đâu sẽ giữ ghế Chủ tịch Quốc hội. Thế là sẽ tha hồ tác oai tác quái tại cơ chế “quyền lực cao nhất” (nhưng bù nhìn) này.

Đó là tất cả toan tính “ổn định trật tự xã hội” của đảng CS trên mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Nhưng một biến cố thời sự là cuộc xuống đường lật đổ tổng thống độc tài Ben Ali của Tunisia do nhân dân thực hiện và đã thành công hôm 14-01 rồi, cho thấy rằng khi lòng người đã căm phẫn đến tột độ, thì mọi biện pháp “duy trì trật tự, ổn định xã hội” của cá nhân hay tập thể bạo chúa đều vô hiệu. Tổng thống Ben Ali vẫn chưa tham nhũng và độc tài bằng các lãnh đạo đảng Việt cộng, quốc gia Tunisia chưa lâm khủng hoảng và nguy hiểm bằng đất nước Việt Nam, thành ra sự nổi dậy của toàn dân chắc chắn sẽ tới và công lý sẽ nghiêm nhặt hơn đối với tập đoàn lãnh đạo Việt cộng vốn trị quốc chẳng cốt ở an dân mà cốt ở đàn áp.

BAN BIÊN TẬP

Không có nhận xét nào: