Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

VN: Bộ Trưởng Cũng Hối Lộ Để Có Giấy Nhà, Tham Nhũng Đất Đai Ở VN Tăng Vọt, Dân Nghèo Hơn

Tham nhũng đất đai là chuyện bình thường và phổ biến tại Việt Nam, theo bản phúc trình quốc tế vừa công bố, và được đăng trên báo Lao Động hôm Thứ Sáu 21-1-2011.
Đặc biệt, cũng cần nhắc rằng, không chỉ dân thường phải cúng tiền cho thám nhũng, mà ngay tới cấp Bộ Trưởng cũng phải nộp tiền cho tham nhũng, theo một bản tin hồi cuối tháng 12-2010 trên báo Pháp Luật Thành Phố.
Bản tin trên báo Lao Động hôm 21-1-2011 nhan đề “Tham nhũng đất đai ngày càng tăng lên,” ghi rằng:
“Bà Lis Rasmussen Rosenholm, phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam thì nêu quan điểm, tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn.
Tham nhũng nhiều nhất ở cấp giấy chứng nhận
Theo báo cáo “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” của Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển và Ngân hàng Thế giới vừa mới công bố thì tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận khá phổ biến. Bởi lẽ, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, mất nhiều thời gian đã kích thích người dân sẵn lòng chi thêm tiền cho cán bộ để lấy được giấy chứng nhận nhanh hơn.
Tại Bắc Ninh, hướng dẫn về “cơ chế một cửa” của thành phố không thống nhất với các phường, nên một số người dân phải nhờ sự giúp đỡ của các lãnh đạo địa phương hoặc trả hoa hồng hay sử dụng “dịch vụ trung gian phi chính thức”. Còn ở Bình Định “thậm chí cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng khó có thể lấy được Giấy chứng nhận nếu không hối lộ”.
Cũng theo điều tra năm 2010, 78% cho rằng có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, tham nhũng còn do mức thu nhập của cán bộ quản lý đất đai còn thấp. Điều này dẫn đến việc họ thà sẵn sàng tham nhũng còn hơn là bị đói. Bên cạnh đó, cơ chế trong quản lý đất đai của Việt Nam còn nhiều điều bất cập...”
Đặc biệt, một bản tin trên báo Pháp Luật Thành Phố đăng từ hôm 28/12/2011, nhan đề “Khi bộ trưởng đất đai “tặc lưỡi” để có giấy đỏ” vừa được chú ý nhờ giới viết blog đưa ra tranh cãi (link: http://phapluattp.vn/20101228124526593p0c1013/khi-bo-truong-dat-dai-tac-luoi-de-co-giay-do.htm) cho thấy rằng ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, cũng thú nhận là phải rút tiền nộp cán bộ cấp dưới, để chấp nhận nuôi tham nhũng, nhằm sớm có giấy nhà.
Bản tin toàn văn như sau:
“Tại lễ tổng kết của Tổng cục Quản lý đất đai vừa qua, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã tiết lộ một câu chuyện của chính bản thân ông.
Đó là việc 20 hộ cùng khu nhà ông đều có giấy tờ đầy đủ, đều cùng một đợt làm giấy đỏ nhưng chỉ có một số hộ được cấp. Nhà ông và một số hộ khác “không thấy gì”. Bộ trưởng đã phải nhờ đến lãnh đạo Sở TN&MT TP Hà Nội và được thông báo nộp 12 triệu đồng mới có giấy (dù nhà bên cạnh chỉ nộp hơn 3 triệu đồng). Hai tuần sau, giấy đó được chuyển từ quận về phường thì mức nộp lên tới hơn 14 triệu đồng!
Bất ngờ là bộ trưởng chốt: “Cũng đành nộp vậy, để có giấy đi “cầm” cho con được đi học…”.
Cứ tạm coi như 14 triệu đồng mà gia đình bộ trưởng bỏ ra để có giấy đỏ là đúng chính sách (như tiền sử dụng đất, tiền thuế, phí…) thì quả thật “ma trận” đất đai cũng rất khó hiểu. Thứ nhất là cùng điều kiện (cùng khu vực, cùng loại giấy tờ gốc) nhưng có hộ được cấp giấy, có hộ không (mà không có giải thích); thứ hai là các mức nộp quá chênh nhau (nhà 3 triệu, nhà 12 triệu đồng) và thứ ba là việc tự dưng tăng thêm 2 triệu đồng!
Thế nhưng điều khó hiểu lớn nhất lại là việc bộ trưởng “tặc lưỡi” nộp tiền để có giấy đỏ vay tiền cho con đi học mà không cho làm rõ ba việc “quái dị” nói trên dù việc ấy thuộc chức trách của ông.
Như vậy, câu chuyện thực tế của bộ trưởng lại bộc lộ điều đáng sợ: Người đứng đầu ngành TN&MT cũng phải chấp nhận những quy định mù mờ và nộp tiền để “được việc” cho mình. Thế thì những người không có quyền lực, không có tiền và không có khả năng để hỏi đến cùng những khuất tất trong “ma trận” đất đai sẽ làm cách gì để có giấy đỏ - một loại giấy tờ mà không có nó thì người dân bị hạn chế rất nhiều quyền? Ai sẽ trả lời câu hỏi này cho người dân khi chính bộ trưởng cũng “tặc lưỡi” cho qua.”

Không có nhận xét nào: