Pages

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Vụ án Bắc Giang : 7 năm tù cho viên công an đánh chết người


VRNs – Thanh Nien online đưa tin: ngày 01/03/2011 vừa qua, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thế Nghiệp (sinh năm 1985) - nguyên thiếu uý, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) về tội làm chết anh Nguyễn Văn Khương trong khi thi hành công vụ vào ngày 23/07/2010.
Tại tòa, thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp thừa nhận đã “sử dụng vũ lực trái phép” dẫn đến cái chết thương tâm của anh Nguyễn Văn Khương. TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt ông Nghiệp 7 năm tù giam với những tình tiết giảm nhẹ như “thành khẩn thừa nhận hành vi dùng vũ lực trái phép trong khi thi hành công vụ, nạn nhân chết là ngoài ý muốn của bị̣ cáo“, “Bản thân Nghiệp và gia đình đã có nhiều cố gắng để khắc phục hậu quả và gia đình nạn nhân cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo“.

Một vài suy nghĩ qua vụ việc này:

Thuật ngữ “sử dụng vũ lực trái phép” của tòa án cố tình tránh né một sự thật: công an đánh chết người một cách tùy tiện. Đây là một thực trạng bi đát cho ngành công an Việt Nam hiện nay. Cần nghiêm túc huấn luyện và đào tạo những công an có lương tâm và đạo đức. Trước khi trao cho họ quyền lực, cần giáo dục họ thành những con người đúng nghĩa: có nhân bản, có tình người. Chứ không phải ưu tiên chọn “con em trong ngành” hay “COCC”.
Nếu ông Nghiệp đã thừa nhận hành vi đánh chết anh Nguyễn Văn Khương và TAND đã tuyên án ông Nghiệp 7 năm tù giam thì sự phẫn uất của người dân Bắc Giang vào ngày 25/07/2010 là có nguyên nhân rõ ràng: do việc vi phạm pháp luật của người đại diện cơ quan công quyền. Như vậy việc xét xử 10 bị can liên quan đến vụ việc này cần được đặt trong cái nhìn tổng thể: việc làm sai trái của những người thi hành công vụ đã dẫn đến sự phẫn nộ, uất ức của người dân. Đây phải chăng là tình tiết giảm nhẹ cho 10 bị can này?

Một luật sư tại Sài Gòn bình luận vụ việc trên dưới khía cạnh luật pháp như sau:

(i) Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự”

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:

1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;

3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.

(ii) Ngoài ra, Điều 10 cũng quy định về việc Xác định sự thật của vụ án:

“Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

…..”

(iii) “Việc xác định sự thật của vụ án là một nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng hình sự, bảo đảm việc xử lý vụ án được công minh, không để lọt tội phạm đồng thời không làm oan người vô tội.

Để xác định sự thật của vụ án, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp, tức là những biện pháp được Bộ luật tố tụng hình sự cho phép áp dụng (hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, thực nghiệm điều tra nhận dạng…).

Không được dùng những biện pháp trái pháp luật để điều tra như: bức cung, mớm cung, nhục hình… Bộ luật hình sự đã quy định việc dùng nhục hình hoặc bức cung là tội phạm hình sự (Điều 234 về tội dùng nhục hình và Điều 235 về tội bức cung).

Để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan là tiến hành điều tra và xét xử vụ án một cách vô tư, không định kiến, suy diễn mà phải dựa vào các chứng cứ đã thu thập và đánh giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Các quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng phải có căn cứ tức là chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm (Điều 83) và chỉ được ra quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội (Điều 103). Khi nghị án, chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà (Điều 196)…

Xác định sự thật của vụ án một cách toàn diện là xem xét hành vi phạm tội trên các mặt của yếu tố cấu thành tội phạm trong một tổng thể, không tách rời nhau; thu thập và đánh giá chứng cứ xác định có tội; kiểm tra mọi giả thiết có thể đặt ra….

Xác định sự thật của vụ án một cách đầy đủ là làm sáng tỏ mọi tình tiết của vụ án có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án (xem bình luận Điều 47) trong đó có những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội….” (Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự – Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Nhà xuất bản TP.HCM in lần thứ 3 năm 1997 – Trang 26-27).

Mong sao cho việc xét xử 10 bị can ở Bắc Giang về cái gọi là “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” không gây ra thêm sự phẫn uất nào nữa.

HIẾU MINH, VRNs

Không có nhận xét nào: