Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Việt Nam ở vị trí nào trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ? (phần 2)



Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Hà Nội hôm 17-11-2006.
Ngọc Trân

Sau 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam hiện đang ở vị trí nào trong chiến lược của Hoa Kỳ? Đâu là nguyên nhân chính gây cản trở mối quan hệ của hai nước tiến xa hơn nữa?
Quan hệ phát triển nhanh sau bang giao

Kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, các mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt - Mỹ đã phát triển nhanh. Trong lĩnh vực chính trị, các cuộc viếng thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được xem như nhiều hơn mức bình thường, khi hai Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam trong vòng sáu năm: Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào năm 2000 và Tổng thống George W. Bush vào năm 2006.
Tôi tin rằng bình thường hóa và gia tăng tiếp xúc giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới mục đích tự do tại Việt Nam, như đã làm ở Đông Âu và Liên Xô cũ.
Cựu TT Bill Clinton
Phía Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao nhất cũng đã đến thăm Hoa Kỳ ba lần trong vòng ba năm, từ năm 2005 - 2008: Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là điều chưa từng xảy ra trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đối tác lâu đời khác như Nga hay Ấn Độ.

Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton đã tập trung sự chú ý của các nhà ngoại giao hai nước Việt - Mỹ, về việc làm thế nào để cải thiện quan hệ chung giữa hai nước. Và trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi năm 2005, tại Washington, hai nước đã ban hành một tuyên bố chung, mục đích thể hiện “ý định của hai bên nhằm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Ngoài các chuyến viếng thăm của các lãnh đạo cao nhất của hai nước, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và lãnh đạo các cơ quan khác của hai bên cũng đã gặp nhau thường xuyên hơn. Điều này cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước khắc phục quá khứ và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Quan hệ chính trị được cải thiện không những đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước, mà còn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác.

Việt Nam ở vị trí nào của Hoa Kỳ?
Cựu Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du Việt Nam ngày 17-11-2000. AFP PHOTO
Cựu Tổng thống Bill Clinton trong chuyến công du Việt Nam ngày 17-11-2000. AFP PHOTO

Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa hai nước phát triển rất nhanh trong mười lăm năm qua kể từ khi bình thường hóa, cũng như vị trí địa chiến lược của Việt Nam được cho là khá quan trọng đối với Hoa Kỳ, thế nhưng chính sách của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá tương đối thấp so với quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước khác trong khu vực.Ngoài các nước trong khu vực mà Hoa Kỳ đặt ở vị trí quan trọng trong mối quan hệ như, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn; ở Đông Nam Á, các nước như: Indonesia, Philippines, Singapore, Thailand cũng đang chiếm vị trí cao hơn Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Việt Nam có lẽ chỉ được chú ý khi Hoa Kỳ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như trong quan hệ tác động giữa Việt Nam với các cường quốc châu Á khác và với khối ASEAN.

Khi chính sách an ninh và ngoại giao của Hoa Kỳ tập trung vào chiến tranh chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam vẫn ở vị trí thấp trong chính sách đối ngoại của Mỹ so với các nước khác trong khu vực. Điều này có thể ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, chẳng hạn như Việt Nam có nguy cơ bị bỏ rơi do các ưu tiên toàn cầu cũng như các ưu tiên trong khu vực của Hoa Kỳ.
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự tham gia của Việt Nam trên mặt trận kinh tế rộng lớn về cải cách kinh tế, và cải cách dân chủ, sẽ giúp tôn vinh những người đã hy sinh, chiến đấu vì lợi ích tự do ở Việt Nam.
Cựu TT Bill Clinton
Các chuyên gia cho rằng, nếu xét về vị trí địa chiến lược cũng như sự tham gia của Việt Nam trong thời gian qua trên trường quốc tế, chẳng hạn như Việt Nam giữ vai trò tiên phong là Ủy viên Không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, nhiệm kỳ 2008-2009, thì Việt Nam xứng đáng được đứng ở vị trí cao hơn về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Đâu là nguyên nhân?

Mặc dù quan hệ Việt - Mỹ hiện nay được cho là tốt nhất, thế nhưng các chuyên gia cho rằng Việt Nam khó có thể trở thành đồng minh hay bạn bè của Hoa Kỳ trong tương lai gần. Trong khi trở thành đồng minh của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi vì Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ nếu Việt Nam bị Trung Quốc hay một nước khác tấn công.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính ngăn cản Việt Nam phát triển quan hệ hơn nữa với Hoa Kỳ đó là: hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam dẫn đến các quan điểm khác nhau về ý thức hệ giữa hai nước. Trong khi Hoa Kỳ ủng hộ các giá trị như: nhân quyền, dân chủ và tự do, mà họ đã hy sinh để bảo vệ, Việt Nam cho rằng, các khái niệm này của Hoa Kỳ này chỉ thích hợp ở phương Tây, chứ không thể áp dụng vào Việt Nam.

Phía Hoa Kỳ muốn Việt Nam cải cách kinh tế song song với đổi mới chính trị, chẳng hạn như Hoa Kỳ muốn nhìn thấy một nước Việt Nam tự do hơn, nơi đó người dân không chỉ có đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn được tự do bày tỏ những suy nghĩ của mình mà không bị một thế lực nào đe dọa. Và đó là một trong những điều kiện quan trọng để quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush (phải) và Chủ Tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết duyệt hàng quân danh dự tại Dinh Chủ Tịch hôm 17-11-2006. AFP PHOTO
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush (phải) và Chủ Tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết duyệt hàng quân danh dự tại Dinh Chủ Tịch hôm 17-11-2006. AFP PHOTO
Trong bài phát biểu hồi tháng 7 năm 1995, khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã nói rõ điều đó, rằng: “Tôi tin rằng bình thường hóa và gia tăng tiếp xúc giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiến tới mục đích tự do tại Việt Nam, như đã làm ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự tham gia của Việt Nam trên mặt trận kinh tế rộng lớn về cải cách kinh tế, và cải cách dân chủ, sẽ giúp tôn vinh những người đã hy sinh, chiến đấu vì lợi ích tự do ở Việt Nam.”Sự khác biệt về các giá trị tự do, dân chủ giữa hai nước ảnh hưởng không tốt đến quan hệ song phương Việt - Mỹ. Chẳng hạn như, Quốc hội Hoa Kỳ thường xuyên thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam, cũng như những lời chỉ trích trong các báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho thấy không có lợi cho Việt Nam.

Những sự khác biệt nói trên sẽ là nguyên nhân chính gây cản trở quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới trong tương lai, và đó cũng sẽ là nguyên nhân chính ngăn cản Việt Nam trở thành đồng minh hay bạn bè của Mỹ.

Mặc dù Việt Nam chào đón sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như lãnh đạo Việt Nam tìm cách nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, ngoài mục đích giúp Việt Nam phát triển kinh tế, lý do quan trọng nhất mà Việt Nam muốn nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ đó là, Hoa Kỳ có khả năng giúp Việt Nam chống lại các tham vọng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Thế nhưng với điều kiện mà phía Hoa Kỳ đòi hỏi để Việt Nam trở thành đồng minh, giúp Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, liệu Việt Nam có đáp ứng được những đòi hỏi này hay không? Hay là Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội như đã từng xảy ra cách nay hơn ba thập niên?

Không có nhận xét nào: