Người dân Việt Nam đang sống trong một xã hội có nhiều rủi ro
Vào lúc Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ tuyển cử bầu đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, một loạt vấn đề kinh tế - xã hội vốn là điểm yếu của quốc gia với trên 89 triệu dân đang được giới quan sát nước ngoài xem xét như những rủi ro tiềm tàng.
Hoạch định kinh tế vĩ mô, hiệu quả thực của quản lý, nạn tham nhũng, nhân quyền và bất ổn xã hội được coi là năm trong số các dấu hỏi lớn đối với sự phát triển về lâu về dài của Việt Nam, theo Reuters.
Trước hết, công tác hoạch định chính sách kinh tế, qua nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được cho là một diễn trình xảy ra trong một "hộp đen" vừa thiếu tường minh, khó dự đoán và do đó là một quan ngại chính đáng của rất nhiều kinh tế gia và các nhà đầu tư.
Các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ đã đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,8 % vào năm 2010, thế nhưng cái giá của nó lại là sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế mà lạm phát đã tăng vọt tới mức hai con số và tiền tệ tiếp tục mất giá, theo nhận định của Reuters hôm 1 tháng Tư.
Một loạt các điều chỉnh vĩ mô về tiền tệ, tín dụng, giá cả, cán cân mậu dịch... được Chính phủ đưa ra từ đầu năm nay, đặc biệt là sau Tết Âm lịch, đang tiếp tục có nguy cơ đưa nền kinh tế rơi vào các vòng xoáy của lạm phát và đầu tư, phát triển mất cân bằng.
Các thách thức tiếp theo đang được theo dõi sẽ là làm thế nào ổn định nền kinh tế và hạ nhiệt lạm phát ở mức độ chóng mặt, bên cạnh các bài toán xử lý các lỗ hổng cơ cấu trong nền kinh tế với nhiều khiếm khuyết trong chính sách tín dụng, đầu tư và mậu dịch.
Khoảng cách trong tỷ giá hối đoái giữa đồng đô-la trên chợ đen so với tiền đồng và các tỷ lệ lãi suất liên ngân hàng tiếp tục là một câu hỏi lớn, trong khi thâm hụt mậu dịch vẫn không dễ dàng cắt giảm.
Hiệu quả của Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (hàng đầu, bên trái) đã giải tán ban cố vấn chính phủ gần như ngay sau khi lên nhậm chức.
Các phân tích gia kinh tế được Reuters tổng lược trích ý nói giới lãnh đạo Việt Nam hiện cần phải có các động thái mạnh mẽ, dứt khoát hơn để tiến hành các cải cách then chốt nhằm hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài trong dài hạn và tăng cường sức lực của nền kinh tế.
Những trở ngại chính đối với hiệu quả quản lý của chính phủ là nạn quan liêu, thủ tục nhiêu khê, vốn đang cản trở, nếu không nói là đình trệ các dự án và ngăn chặn kinh doanh, mậu dịch vốn cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong ở thời điểm hiện nay.
Điều này xảy ra bất chấp các tuyên bố của chính phủ là muốn giảm các thủ tục hành chính xuống chỉ còn một phần ba.
Cho tới nay trường hợp tập đoàn đóng tàu Vinashin, vốn gần như đã phá sản, được coi là một ví dụ rõ nét về cách thức nhà nước bao cấp, bao biện cho cách quản lý kém hiệu quả, trong khi trách nhiệm của các cá nhân liên quan không được xem xét.
Đây là một điển hình khó chối cãi cho thấy Chính phủ quản lý thiếu hiệu năng khi chỉ riêng một số thiệt hại mới thống kê được của tập đoàn này đã tạo ra những món nợ khổng lồ cho ngân sách quốc dân cả về lâu dài lẫn trong trước mắt.
Và trong lúc các chỉ số đo lường cho thấy nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang bị 'hạ cấp' trong các đánh giá về hiệu năng và độ khả tín, thì các câu hỏi tiếp tục được đặt ra là các biện pháp nào sẽ là cụ thể và khả thi để thực sự giúp cắt giảm nạn quan liêu.
Câu hỏi khác là các doanh nghiệp nhà nước nào cần phải được tập trung, tái sắp xếp trong khi các quá trình khác như cổ phần hóa hay giải tư cần được thực hiện để đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả thực.
Tham nhũng và nhân quyền
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng trước đây được truyền thông đăng tải thường xuyên hơn.
Tham nhũng, một căn bệnh lâu niên của Việt Nam, được Reuters cho là một trong những trở ngại chính của đầu tư nước ngoài.
Các giới chức thường tái khẳng định cam kết chống tệ nạn này, thậm chí từng khuyến khích báo chí, truyền thông hành động như những chế tài giúp phần kiểm soát, theo dõi, thế nhưng chính nhiều nhà báo viết bài về lĩnh vực này đã bị bắt giữ liên quan tới việc đưa tin tức hay điều tra các vụ tai tiếng tham nhũng nghiêm trọng hàng đầu.
Trong một báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) năm 2010, phần liên quan tới đo lường chỉ số nhận thức tham nhũng, Việt Nam gia tăng thứ hạng của mình lên 116 từ mức 120 đo được hai năm về trước, vẫn theo hãng thông tấn quốc tế.
Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng cáo buộc chính phủ Việt Nam trong một báo cáo ra vào cuối tháng Ba của mình, về việc Việt Nam tăng cường các đàn áp đối với thiểu số sắc dân theo Thiên Chúa Giáo ở các tỉnh Tây Nguyên.
Hơn 70 người được cho là đã bị bắt riêng trong năm 2010 và hơn 250 người khác bị bỏ tù vì các cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia, trong đó có thể kể tới các luật gia, các bloggers và cả một số trí thức trẻ.
Tổ chức theo dõi nhân quyền này cũng hối thúc chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), sau gần 5 năm được chính Washington đưa ra khỏi đó.
Bất ổn xã hội
Người dân Việt Nam đang sống trong cơn bão giá từ sau tết Nguyên đán.
Trong lúc Việt Nam được kỳ vọng cải thiện cả hai địa hạt trên, một nguy cơ tiềm ẩn khác được Reuters nhắc tới chính là bất ổn xã hội.
Hai trong số nhiều 'bức xúc' xã hội được báo chí trong nước nhắc tới có nguồn gốc từ các tranh chấp lao động và đất đai.
Các cuộc phản đối gần đây bao gồm một vụ biểu tình ở tỉnh Hà Nam ngay gần Hà Nội, chống lại việc trưng thu đất đai của người dân, trong số hàng trăm vụ việc khác diễn ra trong năm ngoái, vẫn theo hãng tin quốc tế có trụ sở ở Anh Quốc.
Khoảng cách giàu nghèo tăng rộng, lạm dụng bạo lực của cảnh sát với thường dân, mua bán công lý và kể cả sự kiểm duyệt thái quá của các ngành an ninh, tuyên giáo đối với tiếng nói của người dân, báo chí, truyền thông, sự nặng tay đối với giới bất đồng chính kiến, và đặc biệt nhất gần đây là cuộc sống của nhiều thường dân bị bão giá đe dọa có thể là những ngòi nổ dẫn tới bất ổn ở quốc gia đông dân hàng thứ 14 trên thế giới.
Reuters nói quản lý kinh tế tài chính vĩ mô liên tiếp gặp vấn đề lớn ít nhất từ đầu năm, trong khi tham nhũng, quan liêu bao cấp không có dấu hiệu thuyên giảm, bão giá và bất ổn xã hội tiếp tục gia tăng, bất công xã hội có dấu hiệu không dừng lại ở tỉnh, thành nào, tất cả, bên cạnh những vấn đề khác nữa, đang là những dấu hỏi lớn hay những nguy cơ tiềm ẩn của thể chế và chính quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét