Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Tha hóa quyền lực


Hữu Nguyên (Báo Đại Đoàn Kết) - Câu chuyện về những người có quyền lực hoặc có quan hệ thân thuộc, làm ăn với những người có chức có quyền, tỏ ra hống hách, coi thường người khác, hành xử bất chấp đạo lý và pháp luật không chỉ diễn ra trong nhà mà còn ở những nơi công cộng, ngoài xã hội giữa thanh thiên bạch nhật giờ không còn là chuyện hiếm…
*

Câu chuyện về Thiếu tá công an Bùi Minh Thắng – phó trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt CA tỉnh Hậu Giang say rượu đánh lái xe taxi Đỗ Quốc Thái, rồi sau đó chửi và dọa nạt cảnh sát giao thông trạm Cửa Ô – Hưng Phú ở Hậu Giang vào tối 20-3-2011 làm cho dư luận hết sức phẫn nộ. Tuy nhiên, diễn biến của quá trình xử lý khiến cho người dân thêm băn khoăn, khó hiểu bởi vụ việc xem ra có vẻ bị “chìm xuồng”. Nhiều ý kiến quan ngại cách hành xử “êm ru” của cơ quan chức năng trong vụ việc này có thể làm tổn hại đến tính nghiêm minh của pháp luật, dung dưỡng cho hiện tượng lạm dụng quyền lực đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội.

Người lạm dụng quyền hạn trước cơ quan công an – Ảnh: T.L

Một câu hỏi được đặt ra, còn bao nhiêu vụ mà một số người lẽ ra phải bảo vệ luật pháp, bảo vệ sự bình yên cho dân thì họ lại đi gây ra thương tích, thậm chí dẫn tới cái chết cho dân đã bị bỏ qua hoặc chỉ xử lý qua loa, khiến người dân cảm thấy “có vấn đề” về tính nghiêm minh của pháp luật? Hiến pháp nước ta đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Có nghĩa là, người vi phạm pháp luật bất kể là ai đều phải được xét xử minh bạch, công khai theo các quy định như mọi công dân khác trong xã hội. Cán bộ Nhà nước, người có trách nhiệm thi hành, bảo vệ pháp luật càng phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, khi vi phạm đến mức phải xét xử càng không thể vì là “cán bộ”, là “công an”… mà có thể bỏ qua hay nương tay. Thế nhưng, câu chuyện về những người có quyền lực hoặc có quan hệ thân thuộc, làm ăn với những người có chức có quyền, tỏ ra hống hách, coi thường người khác, hành xử bất chấp đạo lý và pháp luật không chỉ diễn ra trong nhà mà còn ở những nơi công cộng, ngoài xã hội giữa thanh thiên bạch nhật giờ không còn là chuyện hiếm. Có thể kể ra nhiều ví dụ, như chuyện các quan chức xây nhà to không cần giấy phép hoặc không cần quan tâm tới các quy chuẩn, quy định về xây dựng; cán bộ cầm súng chĩa vào đầu dân thường doạ giết chỉ vì đôi co sau một vụ va quẹt xe; cán bộ công an múa kiếm đả thương nhân viên an ninh hàng không hoặc đánh người vô cớ gây thương tích, thậm chí gây ra cái chết cho người dân vô tội; không ít cán bộ Nhà nước vẫn còn thói quen quát nạt, to tiếng với dân, với cấp dưới để thể hiện “quyền uy”… Hoàn cảnh diễn ra các câu chuyện về quan chức hống hách, nghênh ngang, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành có thể rất đa dạng. Nhưng theo TS Nguyễn Ngọc Điện, chắc chắn các nhân vật chính trong những câu chuyện ấy đều có điểm chung: họ không tin vào luật pháp, hay đúng hơn là không tin chuẩn mực pháp lý là cái ràng buộc được mình. Họ tin rằng chuẩn mực nằm trong tay người nắm quyền lực. Trong chừng mực đó, quyền lực trở thành chỗ dựa, thành vũ khí cho phép vô hiệu hoá mọi thứ quy tắc ứng xử thông thường, đồng thời là lá chắn bảo vệ họ chống lại mọi sự phê phán từ bên ngoài, kể cả sự phê phán từ pháp luật, từ đạo đức xã hội. Khi đó quyền lực trở thành một thứ đặc quyền dành riêng cho một bộ phận thành viên xã hội.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo những nguy cơ và chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền cũng như của cán bộ, đảng viên do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh những căn bệnh như quan liêu, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, “hữu danh vô thực”, xu nịnh a dua, kéo bè kéo cánh, mất dân chủ, nhũng lạm (lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu dân), dìm người tài… Con người thì ai cũng có sẵn dục vọng trong lòng, nhưng không phải ai cũng có cơ hội nhũng nhiễu, đục khoét nhân dân và không phải ai cũng được người ta đút lót. Những người có quyền, những quan chức “công bộc” của dân mà lạm quyền và nhũng nhiễu thì sẽ có tác hại lớn đến nhân dân, đến đất nước. Nếu không giữ đúng “cần, kiệm, liêm, chính” thì các “công bộc” dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt. Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể khi được giao quyền mà không giữ vững đạo đức, lương tâm dễ có dịp “dĩ công vi tư”. Như vậy, theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham nhũng không chỉ là tham nhũng kinh tế, mà gốc rễ là tham nhũng quyền lực, có nguồn gốc từ sự tha hoá quyền lực và đó chính là căn bệnh dễ phát sinh trong một bộ phận cán bộ, công chức nắm giữ quyền hành. Thực tiễn cho thấy, nếu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, chủ chốt, có chức, có quyền mà luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trở thành những tấm gương sáng trong xã hội thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc sẽ vượt qua mọi khó khăn. Quyền lực đó được trao vào tay cán bộ có đức, có tài thì sẽ biến thành sức mạnh, động lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm; là lực lượng tiên phong, nòng cốt của dân tộc: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Quyền lực nếu trao vào tay cán bộ thiếu đức, dưới tầm thì việc lộng quyền, kéo bè kéo cánh, thiếu ý thức phục vụ nhân dân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm là tất yếu, và cũng tất yếu sẽ dẫn tới tha hóa, biến chất.
Nạn nhân của việc lạm dụng quyền lực – Ảnh: T.L

Trong một xã hội có dân chủ, về nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được giám sát, nếu không, quyền lực trở thành tuyệt đối, sự tha hóa cũng thành tuyệt đối, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền dân chủ trong xã hội. Từ thế kỷ XVII, Montesquieu (nhà dân chủ xã hội người Pháp) đã viết: “Bất cứ ai có quyền đều có xu hướng lạm quyền, họ sử dụng quyền đến khi nào gặp phải giới hạn”. Quyền lực không bị giám sát thì dễ xảy ra các tệ nạn như độc quyền, cửa quyền, đặc quyền, lạm quyền, tiếm quyền… Cứ như thế, cái “vòng xoáy” đó thường không có điểm dừng. Do vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền với nền tảng pháp luật minh bạch, dân chủ để xã hội vận hành đúng như bản chất cuộc sống sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ rủi ro trong xã hội cũng như sẽ giúp tăng cường khả năng tự điều chỉnh theo hướng phát triển tích cực của cộng đồng. Hệ thống luật pháp về bản chất không chỉ nhằm tới việc điều chỉnh các quan hệ xã hội mà còn nhằm hạn chế, kiểm soát có hiệu quả quyền lực Nhà nước. Để giám sát và hạn chế quyền lực, phải thực hành dân chủ, cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền phải công khai, minh bạch (nhất là chi tiêu công), có sự giám sát của dân, của xã hội.

Để chống lại xu hướng tha hoá của quyền lực, theo TS Nguyễn Ngọc Điện, chỉ các biện pháp xử lý mang tính sự vụ hoàn toàn không đủ. Trên hết, cần xây dựng niềm tin vào hệ thống chuẩn mực ứng xử khách quan, đặc biệt là tính hữu hiệu của hệ thống đó trong việc chi phối hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội. Lòng tin, một khi chín muồi, được chuyển thành ý thức tự giác tuân thủ chuẩn mực và ý thức phê phán, tẩy chay đối với hành vi vi phạm chuẩn mực. Ý thức này, nếu được thấm nhuần trong một bộ phận lớn thành viên xã hội, sẽ tạo ra áp lực, ít nhất cũng khiến người ta phải cảm thấy lo sợ, xấu hổ khi biết mình có hành vi sai trái, như vượt đèn đỏ, xây nhà không phép… từ đó không dám có thái độ ngang ngược, thách thức khi thực hiện hành vi. Và, để có thể được thấm nhuần, phổ cập, điều cần thiết là lòng tin và ý thức đó phải bắt đầu hình thành và phát triển ở các vị trí trong toàn bộ hệ thống trật tự xã hội, như là tấm gương để toàn xã hội nhìn vào mà noi theo.

Hữu Nguyên

Không có nhận xét nào: