Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Tự tha bổng về những sai trái cực kì nghiêm trọng trong vụ Vinashin


Âu Dương Thệ – Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã tự nhổ vào mặt, làm nhục Đảng và tước đoạt quyền chính đáng của nhân dân! Từ Kết luận số 81 ngày 6.8.2010 tới Kết luận số 88 ngày 8.11.2010 Bộ chính trị đã thay đổi thái độ 180 độ! Hai ghế Tổng bí thư và Thủ tướng đã trao đổi với giá 86.000 tỉ đồng!

“Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng…Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng”

(Kết luận của Bộ chính trị số 81 ngày 6.8.2010)


“Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.”

(Kết luận của Bộ chính trị số 88 ngày 8. 11. 2010)

*

I. Bộ chính tri và Thủ tướng đã tuyên bố gì trước Quốc hội, đảng viên và nhân dân về vụ Vinashin?

Ngày 6.8.2010 Bộ chính trị đã có Kết luận số 81/KL-TW và được công bố chính thức ngày 8.8.2010 vạch rõ những sai phạm nghiêm trọng trong việc lãnh đạo và hoạt động của tập đoàn Vinashin dưới quyền chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây ra một món nợ khổng lồ cho ngân sách Nhà nước là trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD), tức là gần ¼ tổng dự thu của ngân sách quốc gia tài khóa 2009.[i] Trong dịp này Bộ chính trị đã xác nhận, trong ba năm 2006-2009 đã có tất cả 11 đoàn kiểm tra nhưng vẫn không thấy những sai phạm và tới đầu năm 2010 khi tình hình cực kì nghiêm trọng thì mới rõ lẽ là:

„ Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng: (1) Đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề. (2) Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. (3) Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. (4) Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp: Hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên lo lắng do việc làm và thu nhập giảm; hiện đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng… „[ii]

Sang phần xử lí trách nhiệm, Điểm 3.2 trong Kết luận của Bộ chính trị còn cho biết, Bộ chính trị đã giao cho ba Ban: Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban Cán sự Chính phủ và Ban bí thư trung ương điều tra và làm rõ trách nhiệm. Không những thế Bộ chính trị còn nêu đích danh cả các cơ quan bị điều tra là Thủ tướng, các bộ trong Chính phủ và các đơn vị ở địa phương có liên hệ trong vụ Vinashin:

“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Vinashin”[iii]

Việc tập đoàn Vinashin, một doanh nghiệp nhà nước rất lớn và được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt trong chế độ kinh tế thị trường định hướng XHCN, chỉ trong một thời gian ngắn đã gây ra món nợ khủng khiếp mà nhân dân sẽ phải trả bù bằng tiền thuế đóng góp do sức lao động và mồ hôi nước mắt của mình đã gây chấn động và bất bình cực mạnh trong dư luận. Ngay trong kì họp thứ 8 của Quốc hội vấn đề này đã được đưa ra chất vấn và thảo luận công khai. Ngày 24.11. 2010 trong cuộc đối chất trước Quốc hội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn nhận công khai:

“Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ.“ [iv]

Và ông Dũng còn long trọng hứa trước Quốc hội:

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình là phải thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao, tập trung sức thực hiện có kết quả Kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị“.[v]

Nhưng chỉ bốn tháng sau trong báo cáo tại kì họp Quốc hội cuối cùng của khóa 12, ngày 21.3.2011 ủy viên Bộ chính trị kiêm Phó Thủ tướng thứ nhất Nguyễn Sinh Hùng đã công bố một phần quyết định của Bộ chính trị liên quan tới trách nhiệm tập thể và cá nhân trong vụ Vinashin:

“Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.”[vi]

Chuyện gì đã xẩy ra ở cấp cao nhất trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 8 tới tháng 12.2010? Việc đổi trắng thay đen do những ai chủ mưu và nhằm mục tiêu gì?

* * *

Để có thể thẩm định rõ ràng và đánh giá về cách thức làm việc ở các cơ quan cao nhất trong chế độ độc tài toàn trị như ĐCSVN trong việc xử lí đối với các cơ quan và cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng, chúng ta cần biết thể thức tiến hành việc xử lí này trong một xã hội dân chủ đa nguyên.

Trong các xã hội văn minh theo dân chủ đa nguyên, có chế độ pháp trị nghiêm minh và báo chí độc lập thì trước một vụ việc gây thất thóat một số tiền khủng khiếp của công quĩ như vụ Vinashin thì phải tiến hành ngay một số giải pháp ở các cấp khác nhau: cấp ban bố chính sách, cấp chỉ đạo chính sách và cấp thực thi các quyết định của cấp trên. Trong trường hợp một doanh nghiệp nhà nước (như Vinashin) thì doanh nghiệp này phải hoạt động theo các qui chế luật định rành mạch về các chế độ ngân sách, nhân sự ở cấp cao nhất và cách điều hành-quản trị. Khi đó –dưới một chế độ dân chủ đa nguyên, các cơ quan ở cấp quốc gia (cao nhất) như Quốc hội và Tòa án sẽ mở các cuộc điều tra về mặt chính trị và quản lí, đồng thời báo chí cũng được quyền độc lập điều tra, theo dõi và thông tin nhanh chóng các diễn tiến của vụ việc. Trong đó Quốc hội sẽ điều tra và quyết định về trách nhiệm chính trị của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trực tiếp trong các hoạt động của xí nghiệp nhà nước đã tạo ra sai phạm nghiêm trọng. Trong trường hợp này hai cơ quan phải bị kiểm tra đầu tiên là Bộ chính trị ĐCSVN và Thủ tướng. Vì Bộ chính trị đã là cơ quan khởi xướng và lãnh đạo các tập đoàn nhà nước và là cơ quan cao nhất của đảng cầm quyền, còn Thủ tướng là người chỉ đạo trực tiếp các Ban giám đốc và Ban quản trị tập đoàn này. Trong khi ấy Tòa án sẽ xét xử các nhân viên trong Ban quản trị và Ban giám đốc về việc thi hành các qui định và chỉ thị liên quan tới các hoạt động của tập đoàn trong khi thực hành. Những người vi phạm ở cấp này sẽ bị xét sử theo hình sự từ bồi thường tới phải chịu án tù.

Trong chế độ dân chủ đa nguyên thì Quốc hội có toàn quyền quyết định về mặt chính trị: 1. Nếu sau khi điều tra thấy cách họat động của các tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ làm ăn thua lỗ và bất lợi cho đất nước thì Quốc hội có quyền giải tán các tập đoàn này, hủy bỏ chế độ doanh nghiệp nhà nước và đảng cầm quyền đứng đầu là Bộ chính trị phải nhận trách nhiệm chính trị về việc này . 2. Trong trường hợp tập đoàn đã gây ra sai phạm lớn, như Vinashin, thì cá nhân chịu trách nhiệm chính trị trực tiếp là Thủ tướng. Khi đó Thủ tướng phải từ chức hoặc bị cách chức. Vì người đứng đầu chính phủ đã không chỉ đạo nghiêm túc và đã để tập đoàn này vi phạm trong nhiều năm và thất thoát tài sản quốc gia quá lớn. Khi đó Quốc hội có quyền cách chức Thủ tướng.

Đây là cách hành xử quyền lực quốc gia và thi hành luật pháp trong các xã hội văn minh theo dân chủ đa nguyên.



II. Quay lại diễn tiến thực sự thì như thế nào?

Căn cứ vào các tài liệu của chính Bộ chính trị và Chính phủ, dù tới nay chỉ mới để lộ ra một phần rất nhỏ, nhưng các diễn tiến thực sự lại hoàn toàn trái ngược những gì mà Bộ chính trị và Thủ tướng đã tuyên bố từ đầu tháng 8 cũng như Nguyễn Tấn Dũng đã hứa trước Quốc hội cuối tháng 11.2010. Thật vậy chỉ ba tháng sau vụ Vinashin bị đổ bể do chính Bộ chính trị đã công bố trên báo chí qua Kết luận số 81/KL-TW ngày 6.8.2010 nhìn nhận đã gây ra món nợ khổng lồ cho đất nước là trên 86.000 tỉ đồng, nhưng vào đầu tháng 11. 2010 các ủy viên trong Bộ chính trị đã họp với nhau và tự tha bổng lẫn cho nhau thông qua Kết luận số 88/KL-TW ngày 8.11.2010. Tuy nhiên quyết định này tạm thời đã không được công bố ra bên ngoài vì sắp diễn ra Đại hội 11.

Mãi tới sau khi Đại hội 11 kết thúc và việc chia ghế, chia phần đã xong, cho nên tại kì họp thứ 9 và cũng là kì họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12, ủy viên Bộ chính trị kiêm Phó Thủ tướng Thứ nhất Nguyễn Sinh Hùng mới công bố một phần vụ việc này trong Báo cáo của Chính phủ ngày 21.3. Nguyên văn như sau:

„- Thực hiện Kết luận số 81/KL-TW ngày 06 tháng 8 năm 2010 và Kết luận số 88/KL-TW ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ Chính trị về kiểm điểm trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được giao nhiệm vụ chủ trì, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kiến nghị với Bộ Chính trị: các đồng chí nêu trên có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải thi hành kỷ luật.“ [vii]

Và Nguyễn Sinh Hùng cho biết thêm, Bộ chính trị đã quyết định như thế nào đối với những vi phạm nghiêm trọng trong vụ Vinashin:

“Với chức năng là chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót khuyết điểm. Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ trên nhiều mặt và bỏ phiếu việc thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân các đồng chí có liên quan. Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân. Đồng thời yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự. Hội nghị Trung ương 14 nhất trí với Báo cáo của Bộ Chính trị.“ [viii]

Như vậy, tiết lộ của Nguyễn Sinh Hùng đã rất rõ ràng, tuy ngay từ đầu tháng 11.2010 Bộ chính trị đã quyết định tha bổng cho Nguyễn Tấn Dũng và nhiều thành viên trong Bộ chính trị và Chính phủ có liên hệ tới những sai phạm nghiêm trọng trong vụ Vinashin. Tức là vụ Vinashin đã được những người có quyền lực lớn nhất tự ý khóa sổ. Nhưng cho tới cuối tháng 3. 2011 quyết định dưới tên gọi Kết luận số 88/KL-TW ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ Chính trị vẫn hoàn toàn giữ bí mật, nên người ta vẫn tin rằng lời hứa của Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội ngày 24.11.2010 là nghiêm chính: „Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ. „ [ix]

Như thế khi để Nguyễn Tấn Dũng ra trình bày trước Quốc hội về vụ Vinashin vào 24.11.2010 cho thấy, cả Bộ chính trị lẫn Nguyễn Tấn Dũng đã cố tình đối trá và đánh lừa Quốc hội, nhân dân và cả các đồng chí của họ. Và nay mọi người càng hiểu rõ hơn một lí do khác nữa, tại sao trong kì họp thứ 8 của Quốc hội (20.10 – 26.11. 2010) Nguyễn Phú Trọng đã khăng khăng chống lại đòi hỏi của nhiều đại biểu muốn thành lập một Ủy ban đặc biệt của Quốc hội điều tra những sai phạm nghiêm trọng trong vụ Vinashin!

Không những thế, trong dịp đó (24.11.2010) Nguyễn Tấn Dũng còn nói rằng: „ Hiện nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng liên quan đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc, theo quy trình, quy định của Ðảng, Nhà nước, sẽ báo cáo kết quả kiểm điểm trước Hội nghị T.Ư 14, khóa X của Ðảng và sẽ công khai kết quả này.“[x] Cũng vì thề thốt như vậy, nên Nguyễn Tấn Dũng đã không dám ra mặt trực tiếp thông báo quyết định tự tha bổng và xóa trắng những vi phạm nghiêm trọng trong vụ Vinashin và phải để Nguyễn Sinh Hùng làm thay ngày 21.3.2011 trong kì họp thứ 9 của Quốc hội !

Nhưng những người có quyền lực lớn nhất của chế độ toàn trị có thực đã thông báo đầy đủ và rõ ràng trước Hội nghị trung ương 14 về ”Kết luận số 88/KL-TW ngày 08 tháng 11 năm 2010 ” đã tự ý tha bổng cho nhiều nhân vật đã vi phạm những sai lầm nghiêm trọng trong vụ Vinashin như Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo trước Quốc hội ngày 24.11.2010 không?

Hội nghị trung ương 14 đã được dự tính là Hội nghị quan trọng nhất để bàn dứt khóat về phương án nhân sự ở các cấp cao nhất trong Đại hội 11, nên đã kéo dài suốt 10 ngày từ 13-22.12.2010, (thêm một ngày ngoài dư kiến). Trước khi sang phần thảo luận nhân sự của Đại hội 11, Bộ chính trị khóa 10 có buổi họp để tổng kết và đánh giá các hoạt động của Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành trung ương trong nhiệm kì 5 năm 2006-2010.

Tuy vậy trong Thông báo của Hội nghị trung ương 14 phần nói về tổng kết và đánh giá các hoạt động của Bộ chính trị khóa 10 trong 5 năm qua chỉ ghi rất tổng quát và không nói trực tiếp tới những sai phạm của vụ Vinashin và cũng không nói tới quyết định của Bộ chính trị số 88/KL-TW ngày 8.11.2010 đã tha bổng nhiều nhân vật có trách nhiệm trực tiếp tới những sai phạm nghiêm trọng trong vụ Vinashin. Trong Thông báo chung ngày 22.12.2010 của Hội nghị trung ương 14 chỉ nói rất tổng quát:

“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc thực hiện Quy chế làm việc, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, cải tiến chế độ và phương pháp công tác. Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng còn một số mặt hạn chế, khuyết điểm cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm. „ [xi]

Câu thứ hai trong phần trên tuy nhắc tới “một số mặt hạn chế và khuyết điểm“ nhưng tuyệt nhiên vụ Vinashin không được nói đến trực tiếp. Việc này có thể hiểu theo một số cách: 1. Bộ chính trị chỉ thông báo một cách chung về đánh giá hoạt động trong 5 năm qua, vì thế các ủy viên Trung ương đảng không thể có ý kiến gì hết. 2. Hoặc Bộ chính trị có thông báo Kết luận của Bộ chính trị về việc thi hành kỉ luật bằng cách tha bổng cho nhiều nhân vật trong vụ Vinashin, nhưng đại đa số ủy viên Trung ương đảng đã chỉ gật đầu và không có ý kiến phản bác. Vì khi đó Hội nghị trung ương 14 được coi là Hội nghị trung ương cuối cùng và quan trọng nhất quyết định việc chia ghế trong Ban chấp hành trung ương khóa 11 sắp tới, cho nên mọi người phái nín thở và im lặng để giữ nồi cơm, đây vẫn là thái độ và tư cách hèn nhát của đại đa số ủy viên Trung ương đảng từ trước tới nay!

Âu Dương Thệ

Không có nhận xét nào: