Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Việt Nam lạm phát đứng thứ 2 thế giới


Venezuela là nền kinh tế có mức lạm phát cao nhất với 29.6%. Nếu lạm phát của Việt Nam trong tháng 4 trên 1.2% thì chắc chắn sẽ “về nhì” trong bảng xếp hạng này. Nền kinh tế có mức lạm phát đứng thứ 3 là Mozambique với mức 15.23%.

Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố CPI tháng 4 tại thành phố này đã tăng 3.16% so với tháng 3. CPI tại Hà Nội và cả nước sắp được công bố có thể xấp xỉ con số này, hay ít ra là khó có thể thấp hơn đáng kể.

Kỳ vọng lạm phát được kiểm soát ngay trong tháng 4 gần như tan biến khi CPI của tháng này không hề giảm mà tăng ở mức cao nhất trong gần 3 năm qua.

Việt Nam 'về nhì'

Với mức tăng 3.16% trong tháng 4, CPI trong 4 tháng của TP.HCM đã lên tới 8.2% so với đầu năm, và tăng 13.99% so với cùng kỳ năm trước. Với giả định CPI cả nước trong tháng 4 tăng khoảng 3% so với tháng 3, thì so với đầu năm đã tăng tới 9.2%, còn so với cùng kỳ năm trước tăng 17.15%.

Xu thế lạm phát trên thế giới đang tăng mạnh khi giá cả nguyên vật liệu và năng lượng tăng do kinh tế thế giới phục hồi và các bất ổn tại Bắc Phi. Ngoài ra, còn do nhiều quốc gia bơm tiền để chống suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng quá cao như lạm phát ở Việt Nam là một điều hiếm có.

Theo thống kê của Trading Economics, trong 70 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới hiện này thì Venezuela là nền kinh tế có mức lạm phát cao nhất với mức 29.6%.

Nếu lạm phát của Việt Nam trong tháng 4 trên 1.2% thì chắc chắn sẽ “về nhì” trong bảng xếp hạng này. Nền kinh tế có mức lạm phát đứng thứ 3 là Mozambique với mức 15.23%.

Hầu hết các quốc gia láng giềng tại châu Á chỉ có lạm phát từ 0-6%, tức là thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Tại Trung Quốc, tính đến hết tháng 3 lạm phát của nước này là 5.4%. Đây là một mức không cao nếu so với Việt Nam nhưng đã trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng đối với quốc gia này. Trung Quốc đã đồng loạt thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và bình ổn giá để kiềm chế lạm phát.

Lạm phát ở Việt Nam và một số quốc gia khác

Trở lại với CPI tại TP.HCM trong tháng 4 và xét từng mặt hàng cụ thể có thể thấy nhóm hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng 4 là nhóm Thực phẩm tăng 6.19%; Giao thông đã tăng tới 5.77%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4.56%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4.12%.

Giá lương thực tăng 1.23%, chủ yếu là do nhóm thực phẩm chế biến tăng mạnh. Còn các mặt hàng khác phần lớn đều tăng trên 1%.

Như vậy, các con số trên cho thấy hầu hết các mặt hàng đều đồng loạt tăng giá. Nguyên nhân trực tiếp là do giá điện, xăng dầu trong thời gian qua đồng loạt điều chỉnh đã tác động mạnh tới việc tăng giá các mặt hàng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mức tăng trên là quá lớn so với những tác động “hợp lý” của việc điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện. Mức tăng quá cao trên cũng không chỉ giải thích đơn thuần bởi “chi phí đẩy” mà nó còn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa trong cơ cấu nền kinh tế.

Nguyên nhân quan trọng nhất được thừa nhận rộng rãi là tính kém hiệu quả của nền kinh tế. Trong suốt nhiều năm qua tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế quá cao làm cho tăng trưởng tín dụng gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, tăng trưởng GDP lại ở mức không tương xứng, điều này đồng nghĩa với chất lượng tăng trưởng thấp.

Một thực tế có thể nhận thấy là với tỷ lệ tín dụng trong nền kinh tế hiện nay vượt quá 125% GDP, thì chỉ cần với một tốc độ tăng trưởng tín dụng nhỏ đã làm cho nền kinh tế “thừa tiền”. Do vậy, sức ép về lạm phát lên toàn bộ nền kinh tế đang ngày càng lớn.

Thông tin lạm phát tháng 4 của TP.HCM phần nào cho thấy xu hướng tăng cao của CPI cả nước. Có thể CPI cả nước tháng 4 sẽ không cao như vậy, do mức tăng mạnh của TP.HCM trong tháng này có một số đặc thù riêng.

Dù với con số nào thì chắc chắn là lạm phát ở Việt Nam đang ở mức rất cao và cụ thể đang đứng thứ 2/70 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cao gấp 4-5 lần so với các quốc gia trong khu vực và gấp hàng chục lần so với các nước phát triển.

Với con số “ấn tượng” này, có thể NHNN buộc phải tiếp tục “thắt chặt” chính sách tài chính tiền tệ thêm nữa. Tuy nhiên, điều thiết yếu là Chính phủ cần phải tiết giảm thêm đầu tư công. Ngoài ra, phải kiên quyết tái cấu trúc nền kinh tế để có thể dần nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nguồn: Hồ Bá Tình (VietStock)

Không có nhận xét nào: