Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Ngày trước sợ ai? Bây giờ ai sợ?

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 cả miền Nam Việt Nam sống trong lo âu sợ hãi! Công chức quân nhân bị đày đi tù khổ sai dưới chiêu bài “học tập cải tạo,” một sự trả thù, trấn áp, hôi của, giống như giặc thời thượng cổ, kẻ thắng trận có quyền cướp nhà, lấy đất, thu dọn chiến lợi phẩm chở về Bắc ngày nầy sang tháng khác, thậm chí máy in không chở được cũng tháo gỡ chở đi.

Hình ảnh công an CSVN đàn áp dân chúng. (Hình: baotoquoc.com)


Dân chúng miền Nam, người thì bị cưỡng bức phải đi ‘kinh tế mới,” những nơi đất đai cằn cỗi, người thì bị buộc làm “lao động xã hội” mỗi tháng bao nhiêu ngày, mỗi gia đình bao nhiêu người. Rồi lại có tin đồn con gái miền Nam sẽ bị ép gả cho thương phế binh miền Bắc. Kết quả những cập trai gái hối hả lấy nhau để tránh cảnh đọa dày tình cảm.

Xã hội miền Nam đang sống trù phú bỗng dưng bị thiếu gạo ăn, toàn bộ nhu yếu phẩm được phân phối theo tiêu chuẩn. Tiền bạc đổi thành giấy lộn với hình Hồ Chí Minh không có vàng bảo chứng.

Trong tình huống đó miền Nam khởi sự có chống đối, cộng sản bắt người bừa bãi với khẩu hiệu “Bắt lầm hơn tha lầm.” Cái gọi là tòa án nhân dân xử 5, 10, 15, 20 năm đến chung thân, tử hình, tòa án không biết đếm số lẻ. Những năm tháng đó khu tử hình của khám Chí Hòa đầy người, sáng nào cũng có xe Volkswagen rè rè vô chở người đi hành quyết. Tôi bị giam trong đó khá lâu nhưng số may còn sống sót.

Sự đô hộ của cộng sản Hà Nội kéo dài với một chế độ hà khắc, khiến cho hàng trăm ngàn dân miền Nam liều chết bỏ xứ vượt biên, chấp nhận năm phần sống mười phần chết. Thời đó có một câu truyền miệng khắp xứ: “Một là nuôi cá, hai là nuôi má, ba là má nuôi.” Có nghĩa là nếu chết trên biển cả thì làm mồi cho cá, còn thoát được tới bến bờ bất cứ xứ tự do nào thì ra sức lao động kiếm tiền gởi về nuôi má, và nếu bị bắt lại ngồi tù thì má xách cơm nuôi.

Sự sợ hãi và tình trạng đói khổ kéo dài cho đến năm 1986, Tổng Bí Thư Trường Chinh tuyên bố “đổi mới để sống còn” thì người dân bắt đầu hy vọng thấy có ánh sáng. Tuy nhiên cái ánh sáng đó chiếu rọi trên người dân thì ít mà nó chiếu trên đảng viên cán bộ nhiều hơn nhờ hối lộ tham nhũng đều trời. Sự cai trị hà khắc, độc đoán độc tài kéo dài một phần tư thế kỷ!

Mãi đến đầu thế kỷ XXI sự sợ hãi mất dần vì sự bất công đàn áp, cướp đất, đuổi nhà, bất kể nhà đất của “gia đình cách mạng” hay của cán bộ về hưu. Từ đó có những cuộc biểu tình chống đối trước cửa Quốc Hội, trước dinh thự nhà cầm quyền, hay những nơi nào “dân oan” có thể tụ tập để phản đối. Trong số dân đó có đảng viên hưu trí mang mề đay đỏ ngực.

Công nhân hãng xưởng biểu tình đòi tăng lương, tố cáo chủ nhân người ngoại quốc cấu kết với nhà cầm quyền bóc lột nhân công. Mỗi năm xảy ra hàng ngàn cuộc đình công trên khắp xứ.

Công Giáo phản đối cướp đất nhà thờ, đàn áp giáo dân, bắt bớ đánh đập tu sĩ. Có lần giáo dân Công Giáo xuống đường đến 250,000 người, các hãng thông tấn ngoại quốc ước lượng gần 500,000 người.

Phật Giáo bị cấm đoán, giam cầm, quản thúc thượng tọa, đại đức.

Trí thức bất bình phê phán nhà nước công khai, hoặc bằng những trang blog cá nhân trên “Internet.” Những kẻ đó cũng bị tù đày, như blogger Ðiếu Cầy là điển hình. Phong trào dân chủ 8406 thành hình, bắt bớ càng đông.

Quân nhân, cựu tướng lãnh, đảng viên cao cấp phản đối nhà nước bán đất, dâng biển, cho thuê rừng.

Tóm lại sự sợ hãi biến thành sự phản đối và tố cáo nhà cầm quyền.

Hà Nội biết rõ, chẳng những dân chúng bất mãn mà đảng viên cũng chống đối. Ðứng trước tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, nhà cầm quyền Hà Nội khởi sự lo âu, lúng túng. Họ muốn tồn tại nắm giữ quyền hành lâu dài để thu gom của cải bất chính nên họ phải nặng tay đàn áp nhiều hơn. Bây giờ tình thế đổi ngược, dân, quân, trí thức không còn sợ nhà nước mà trái lại nhà nước lo sợ cho chế độ độc tài độc đảng có thể bị quần chúng đứng lên đạp đổ chưa biết lúc nào.

Sự lo sợ của nhà cầm quyền thể hiện bằng những cuộc bắt bớ vô cớ, phi lý, bằng những cuộc xử án phi pháp, bằng những sự hù dọa buộc dân đến sở công an làm việc, bằng sự ban hành điều 88 bộ hình luật, bằng những chỉ thị cho công an và quân đội phải cảnh giác theo sát những hiện tượng “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến.”

Gần đây nhứt, sau những biến cố chính trị ở Châu Phi lật đổ các chế độ độc tài, có đổ máu và không đổ máu, làm cho Hà Nội càng run sợ. Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế công khai kêu gọi xuống đường, và dùng điện thoại di động liên lạc để tập hợp. Công an không dám bắt ông Quế sợ đông đảo quần chúng xuống đường viện cớ đòi trả tự do cho BS Quế. Trước kia, một lời kêu gọi xuống đường lật đổ chính phủ như thế sẽ bị vào tù lãnh án chung thân hay tử hình ngay. Bây giờ Linh Mục Nguyễn Văn Lý hết phép dưỡng bệnh tại gia, công an không dám bắt trở lại, sợ ngài chết trong tù sẽ là nguyên do biểu tình lớn trong tang lễ của ngài. Nhà nước ra lệnh kiểm tra lý lịch khi đăng ký mua thẻ điện thoại di động trả tiền trước, đồng thời đóng cửa gần 500 cơ sở cho thuê mướn sử dụng Internet. Mục đích là ngăn chận tin tức và hình ảnh trong nước lọt ra ngoài và tin tức bên ngoài lọt vào trong xứ, làm sôi sục, tạo lửa đốt cháy chế độ.

Sự sợ hãi của đảng cộng sản Hà Nội còn thể hiện bằng thỏa ước “Hợp Tác Công Lực” ký kết giữa giám đốc công an Hà Nội và công an Trung Quốc. Phòng khi nào công an Hà Nội bị tràn ngập, hoặc không chấp nhận đàn áp dân lành theo lệnh của đảng, thì các nhà lãnh đạo Việt Nam nhân danh sự hợp tác công lực đó mà viện binh từ Mẫu Quốc Trung Hoa.

Cũng nhân cơ hội Hà Nội tỏ bày sự lo sợ đó, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Tàu Cộng sang Việt Nam hâm nóng 16 chữ vàng, trong đó có hợp tác toàn diện. Nghĩa là kinh tế, quân sự, ngoại giao, toàn bộ những gì liên quan đến người đồng chí “tốt” thì cũng là vấn đề liên can đến người anh em “tốt” cần phải được hỗ trợ.

Mặc dù mọi biện pháp an toàn đều được Hà Nội chuẩn bị gần như chu đáo, nhưng còn vận nước và lòng dân, Hà Nội hoàn toàn không có khả năng ngăn chận khi nó xẩy đến. Một cuộc nổi dậy hy sinh có đổ máu, chừng đó công an và quân đội sẽ đứng về phía nhân dân bảo vệ quốc gia, chống Trung Quốc xâm lăng, lật đổ chế độ độc tài đảng trị là điều rất hữu lý.

Ðã có chỉ dấu tuổi trẻ trong nước dấn thân đòi phải thay đổi: gần đây nhứt là LS Cù Huy Hà Vũ, sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, LS Lê Quốc Quân, BS Phạm Hồng Sơn... và còn bao nhiêu tuổi trẻ trong tù và ngoài đời vẫn tích cực tranh đấu đòi trả lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.

Nhìn về lịch sử của xứ người, ta thấy có nhiều sự thay đổi chế độ bắt nguồn từ sinh viên, trí thức, và những cuộc đàn áp càng thô bạo càng xui khiến những cuộc cách mạng càng đến mau. Ông Hoàng Louis XVI của Pháp ra lệnh cho giám đốc cảnh sát Fouchet bỏ tù và giết hại nông nô, kết cuộc Louis XVI và hoàng hậu lên đoạn đầu đài tại công trường “cách mạng” (place de la revolution), nay là Concorde.

Nguồn Người Việt

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=130967&z=271

Không có nhận xét nào: