BS Hồ Hải
(Nguồn: bshohai.blogspot.com)
Hôm 11 tháng 2, 2011 viết bài phá giá đồng tiền: Ðược và mất. Trong đó có 4 cái được và 5 cái mất. Trong 4 cái được không có cái nào nói đến để giá đồng đô la Mỹ giữa chợ đen và trong ngân hàng xích lại bằng nhau, hay nói cách khác là mức cung cầu đồng đô la trên thị trường được cân bằng.
Ðường đi xuống nước, Hà Tĩnh. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Nhưng vẫn có người bảo phá giá đồng tiền để làm cân bằng giá đô la Mỹ trong ngân hàng và ngoài thị trường chợ đen. Ðiều này rất đúng khi nền kinh tế cung cầu đồng đô la cân bằng. Nhưng một khi có nền kinh tế, mà ở đó mức cung và nhu cầu của đồng đô la Mỹ cân bằng thì việc phá giá đồng tiền không còn cần nữa. Vì có phá hay không phá thì giá trong ngân hàng và ngoài chợ đen phải bằng nhau. Vậy thì tại sao lại phá giá?
Trong khi đó thông tin sẽ phá giá đồng tiền trong dịp trước Tết đã manh nha. Và đã có những nhà kinh tế lên tiếng can ngăn rằng: Việt Nam không nên phá giá đồng tiền. Thế nhưng rồi sau Tết, việc phá giá đồng tiền vẫn diễn ra trôi chảy vào ngày đẹp nhất của đầu năm khai trương cho tín dụng ngân hàng: Mồng 9 Tết. Chín theo tiếng hoa là Cửu. Cửu là trường cửu, vĩnh cửu, vân vân... cửu. Ðại khái là sống lâu cũng dùng chữ cửu.
Nghĩ mãi mới tìm ra một nguyên nhân chính đáng để chính phủ buộc phải phá giá đồng nội tệ. Ðó là tăng trưởng tín dụng ngân hàng, hòng tính vào GDP, nó nằm trong cái được thứ 4. Vì sao? Vì trước Tết nguyên đán năm Tân Mão, giá đô la chợ đen đã được cho xuống thang thấp nhất vào khoảng 20,900VNÐ/1USD. Ðó là thời điểm đô la từ 2 nguồn kiều hối và du lịch dồi dào nhất trong năm. Ngân hàng sẽ tích trữ vào lúc này. Rồi để sau Tết, bà con ăn Tết yên bình làm một cú để kiếm lãi tín dụng ngân hàng tính vào GDP, bằng cách tính giá ngân hàng chỉ có 20,900, nhưng kèm theo phí để doanh nghiệp muốn mua thì sẽ bằng giá chợ đen là 21,900 mới có đô để mua, để bán. Sẵn một công ba bốn việc kích thích xuất khẩu, kích cầu đầu tư và kềm hãm nhập siêu. Một vòng xoắn bệnh lý kinh tế cứ lập đi, lập lại một cách trường cửu, cũng là cửu.
Làm gì có nền kinh tế bền vững khi nền kinh tế ấy chỉ biết châu đầu vào nhau gặm đất để ăn và cố tăng trưởng tín dụng ngân hàng để làm lãi bằng mọi giá? Trong khi, những điều cơ bản nhất: Khoa học kỹ thuật thì không ưu đãi nghiên cứu làm ra sản phẩm để tránh nhập siêu. Giáo dục thì vấn nạn giả trường, giả thầy và giả cả trò để chạy chức chạy quyền, lại một công đôi việc hoàn thành nhiệm vụ đúc ra những loài nhai lại.
Nhưng thôi, hãy bỏ hết những cái về mặt vĩ mô trên, thử đi vào cái vi mô cụ thể để xem dân tình sống ra sao sau khi chính phủ quyết định phá giá đồng tiền thì những gì đang đè lên đầu người dân? Mà ông cựu thống đốc ngân hàng nhà nước CHXHCN Việt Nam cho là: Tỷ giá không tác động mạnh đến lạm phát. Ông mới vừa phát biểu câu đó ngày hôm qua thì hôm nay đồng đô la chợ đen đã trả lời cho ông từ giá 21,700 đã tăng lên 21,900 cho mỗi đô la. Và còn nữa, hễ khi nào báo đưa tin manh nha, bóng gió, thì chắc như rằng vật giá sẽ leo thang. Cũng trong ngày ông bảo tỷ giá không tác động đến lạm phát báo cũng đưa tin: Quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn tiền. Không biết ông có dám chắc rằng trong quý này giá xăng dầu, rồi sau đó điện nước không tăng. Mặc dù giá xăng dầu ở Việt Nam theo tính toán của tôi năm ngoái đã cao hơn ở Mỹ đến gần 5,000VNÐ cho mỗi lít xăng!
Làm một vòng các báo thì giá hàng ăn uống tăng trung bình từ 20-50%. Trong khi dự trù tăng lương cho công nhân viên chức mãi đến tháng 5 năm 2011 mới bắt đầu vào lộ trình thực thi. Nhưng tăng lương cũng chẳng thấm vào đâu. Thế thì cán bộ, công nhân viên chức biết sống vào đâu, nếu không sống bằng tha hóa?
Thôi thì chuyện tha hóa và tham nhũng xem như một nét văn hóa thần thánh mà chế độ đã giúp cho người Việt kiếm sống, không cần bàn nữa. Vì nó là tất nhiên diễn ra trong cặp phạm trù tất - ngẫu nhiên, không thể tránh khỏi. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi cũng nhàm. Thế thì công nhân - những người không được tha hóa và tham nhũng - họ sống bằng gì?
Không nói đâu xa, chỉ điểm tại chỗ tôi, một nơi làm việc vì tính mạng con người, nên tôi thích tuyển các nhân viên miền Trung chịu thương chịu khó và chân chất. Ðến hôm nay đã gần rằm Tháng Giêng, nhưng 71.5% các điều dưỡng - 100% trong số đó là ở miền Trung - xin thôi việc để ở lại quê nhà, bỏ nghề tìm việc khác để làm vẫn hơn chốn phồn hoa đô thị, hào nhoáng mà như một bãi chiến trường! Mặc dù khi về quê thăm Tết ngoài lương đã tăng 2 lần năm ngoái, thưởng đầy đủ, chúng tôi còn lo tiền xe khứ hồi cho kỳ nghỉ cuối năm.
Theo sau lạm phát, sống bằng tha hóa, tham nhũng, bỏ việc là hậu quả thiếu lực lượng nhân viên có tay nghề ở các khu chế suất và đô thị. Sản xuất sẽ đình đốn vì lãi suất ngân hàng cao, vì thiếu nhân công. Thiểu triển là điều đang chờ đợi và không gì bằng bù đắp vào thiểu triển đó bằng phá giá đồng tiền để ngủ một đêm đến sáng hệ thống tín dụng ngân hàng được lợi 9.3%, để tính vào GDP.
Viết thì chỉ để viết chứ biết làm sao được. Nước lên thì thuyền lên, dân nghèo chìm nghỉm và cái gì chờ đợi phía trước chỉ có các think tanks lập ra cái định hướng xã hội chủ nghĩa mới biết. Mấu chốt là ở chỗ này, nhưng cái chỗ này - định hướng xã hội chủ nghĩa - lại chưa bao giờ có nên lấy dân tộc và tổ quốc để thí nghiệm chơi vậy.
Nguồn: http://bshohai.blogspot.com/2011/02/nuoc-len-thuyen-len-dan-ngheo-chim.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét