Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Triển vọng của VN: Lạm phát thúc đẩy chính sách thắt chặt kinh tế


Ảnh Google

Người dịch: Nguyễn Quốc Khải


· Ngăn chặn lạm phát là thách đố lớn nhất trong ngắn hạn của Việt Nam.
· Chính sách thắt chặt về tiền tệ và tài chánh sẽ giữ tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) ở vào khoảng 6% trong năm 2011.
· Đồng tiền Việt Nam (VNĐ) sẽ chịu áp lực cho đến khi những điều kiện vĩ mô căn bản được cải thiện.
· Xuất khẩu sẽ phát triển khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu trở nên vững chắc, nhưng cắt giảm thiếu hụt thương mại sẽ là một thử thách.

GDP của Việt Nam sẽ phát triển ở mức độ vừa phải bởi vì nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ và tài chánh để chống lạm phát. Sự bành trướng tín dụng trung bình vào khoảng 35% hàng năm trong ba năm vừa qua, cộng thêm với các nguồn vốn đổ vào Việt Nam đã làm gia tăng mức đầu tư và tiêu thụ tư nhân và đẩy giá cả lên cao.

Lạm phát hàng năm tăng lên đến 17.5% vào tháng Tư khiến Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã phải áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ. NHNN đã tăng lãi suất, giảm mục tiêu gia tăng tín dụng và giới hạn mức cho vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

Độ phát triển chậm lại trong quý đầu của năm 2011

Mức phát triển hàng năm của GDP trong quý I của năm 2011 giảm xuống còn 5.4%, so với 6.8% trong quý IV của năm vừa qua. Sự giảm phát triển này ảnh hưởng đến hầu hết các ngành: công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, khai mỏ, và kể cả khu vực dịch vụ.

Mặc dù vậy, lưu lượng thương mại vẫn mạnh. Trong bốn tháng đầu của năm nay, xuất khẩu tăng 36% so với một năm trước. Trị giá của hàng dệt may và giầy dép, tổng cộng chiếm vào khoảng 1/5 tổng số hàng xuất khẩu, đã gia tăng 30% mỗi thứ. Cà phê xuất khẩu, chiếm vào khoảng 5% của tổng số, tăng 111% bởi vì giá của nông sản này lên cao. Về mặt tiêu cực, nhập khẩu tăng 29% và mức thiếu hụt thương mại hàng tháng sau một năm tăng lên đến 1.4 tỉ USD trong tháng Tư.
Mức lạm phát hàng năm đã trở thành hai con số trong sáu tháng vừa qua và đã lên tới 17.5% trong tháng Tư của năm nay, một con số cao nhất trong hai năm. Lý do là việc tín dụng tăng trưởng nhanh và những biện pháp nhà nước áp dụng gần đây.

Việc phá giá VNĐ 9.3% vào tháng Hai làm cho những máy móc sản xuất và hàng hóa trung gian nhập khẩu đắt hơn tính theo tiền Việt Nam. Ngoài ra, việc giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh đã khiến nhà nước phải giảm tiền trợ cấp về xăng dầu và điện. Hậu quả là giá xăng và dầu diesel tăng lần lượt 17% và 24% vào tháng Hai, trong khi đó giá điện tăng 20% vào tháng kế tiếp. Điều này làm tăng giá phí chế biến và chuyên chở hàng sản xuất trong nước. Giá thực phẩm tăng 24% trong tháng Tư, trong khi đó giá nhà ở và vật liệu xây cất tăng 19%.
Sự kiện giá cả tăng nhanh đã khiến những nhà hoạch định chính sách phải chú trọng đến việc giảm lạm phát thay vì tăng trưởng sản xuất. NHNN đã gia tăng lãi suất tái tài trợ – lãi suất NHNN áp dụng với các NHTM khi cho vay vốn – 600 điểm căn bản trong một thời gian sáu tháng lên đến mức 14% trong tháng Năm. Lãi suất tái chiết khấu – lãi suất NHNN trả trên số tiền dự trữ mà các NHTM để tại NHNN – tăng 700 điểm căn bản lên đến mức 13% trong cùng một thời gian. Nhà nước cũng đã giảm mục tiêu phát triển GDP trong năm 2011 xuống còn 6.5%, bằng với mức tăng trưởng năm ngoái và thấp hơn mục tiêu ban đầu là 7%-7.5%.

Người ta trông đợi NHNN sẽ tăng lãi suất cao hơn trong năm nay, nhưng sẽ dung hòa giữa việc chống lạm phát và việc tăng lãi suất cấp vốn để không giảm GDP quá nhiều.

Áp lực tiền tệ

Ổn định tỉ giá hối suất sẽ tiếp tục là một thử thách. Lạm phát tăng làm giảm sự tin cậy vào đồng tiền VNĐ. Tư nhân và các doanh nghiệp tìm cách giữ nhiều ngoại tệ và vàng thay vì tiền nội địa. Điều này đã áp lực nhà nước phải phá giá VNĐ bốn lần kể từ tháng 11, 2009. Cộng lại, đồng VNĐ đã mất giá 20% trong thời gian này. Sự điều chỉnh dải tỉ giá vào tháng Hai từ 18,932 VNĐ/USD lên đến 20,693 VNĐ/USD cho thấy đây là một việc phá giá VNĐ lớn nhất trong 20 năm vừa qua.

Để làm cho đồng tiền Việt Nam hấp dẫn hơn, trong tháng Tư NHNN đã giới hạn lãi suất tối đa áp dụng trên chương mục tiết kiệm ngoại tệ là 3% dành cho cá nhân và 1% đối với những cơ chế phi tín dụng. NHNN cũng tăng 2% số tiền ngoại tệ ký thác mà các ngân hàng phải dự trữ dưới dạng tiền mặt lên đến từ 3% đến 6%. Tiền Việt Nam được hưởng lãi suất là 14%.

Dự trữ ngoại tệ giảm

Mức cầu về tiền VNĐ suy sụp liên hệ đến số ngoại tệ giảm. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF), số ngoại tệ dự trữ vào tháng 10, 2010 là 13.6 tỉ USD, giảm từ con số của tháng 3, 2008 là 26.4 tỉ USD. Mức dự trữ này làm giảm khả năng của NHNN khi cần can thiệp để hỗ trợ VNĐ trong thị trường ngoại tệ.

Mức dự trữ ngoại tệ giảm đã làm nổi bật việc thiếu hụt thương mại và đặt ra nghi vấn về khả năng tài trợ nhập khẩu của Việt Nam. Mức thiếu hụt thương mại mở rộng trong những năm gần đây; thiếu hụt cán cân vãng lai tăng từ 0.3% GDP vào năm 2006 đến 12% vào năm 2008, giảm xuống 6% vào năm 2009 nhưng con số này vẫn còn cao. Thật không ngạc nhiên, những nhà đầu tư quốc tế lo ngại về rủi ro tiền tệ và một cuộc khủng hoảng về cán cân thanh toán. Đồng tiền Việt Nam rất có thể tiếp tục chịu áp lực cho đến khi nạn lạm phát lắng xuống và thiếu hụt thương mại nhỏ lại.

Giảm thiếu hụt thương mại

Vị trí xuất cảng thích hợp của Việt Nam nằm ở trong những sản phẩm sử dụng nhân công rẻ và cũng như những nguyên liệu như dầu thô và than. Xuất khẩu nhẩy vọt từ 55% của GDP vào năm 2000 lên đến 70% vào năm 2009. Việt Nam là một quốc gia xuất cảng quan trọng về hàng may dệt và thực phẩm như gạo và hải sản, và nguyên liệu như than và dầu thô. Thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật, và Trung Quốc.

Giá trị gia tăng thấp vì thành phần nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cao. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào máy móc nhập cảng làm cho việc giảm thiếu hụt thương mại kinh niên bằng cách phá giá VNĐ khó khăn. Hậu quả là gia tăng xuất khẩu sẽ bị khấu trừ bởi gia tăng nhập khẩu.

Giải pháp dài hạn là chuyển cơ chế xuất khẩu sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Việc xuất khẩu đã gia tăng đáng kể đối với những sản phẩm này như những bộ phận của máy vi tính và dụng cụ điện tử, mặc dầu tỉ lệ của những sản phẩm này còn rất khiêm nhường so với tổng số. Những khu vực mới này đang được hỗ trợ bởi những luồng đầu tư nước ngoài và có thể trở thành động cơ sắp tới của khu vực xuất cảng. Thí dụ Intel Corp. đã mở một nhà máy ráp và thử nghiệm trị giá 1 tỉ USD, một nhà máy lớn nhất thế giới của công ty, tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm ngoái.

Tiếp tục phát triển một cách khiêm nhường

GDP sẽ tăng trưởng trên 6% vào năm 2011 và 2012, nhưng sẽ không đạt được mức trên 8% như trong những năm 2005-2007. Những biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài chánh sẽ làm giảm tốc độ tiêu thụ, đầu tư, và mức độ phát triển, vì những nhà hoạch định chánh sách cố gắng giảm mức lạm phát và thâu hẹp mức thiếu hụt thương mại.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu báo trước điềm tốt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, và việc phá giá tiền đồng mới đây làm cho hàng của Việt Nam rẻ hơn đối với những người tiêu thụ nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ sẽ cần phải cải thiện những điều kiện vĩ mô căn bản để làm giảm bớt mối lo ngại của những nhà đầu tư ngoại quốc về tình trạng cán cân vãng lai thiếu hụt.

Trong dài hạn, Việt Nam bắt buộc phải chuyển cơ cấu xuất khẩu sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chính sách này sẽ đem lại sự thịnh vượng và làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Cải tổ thêm về những doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng để cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của những doanh nghiệp này và hỗ trợ khu vực xuất khẩu có sáng kiến. Việc công ty quốc doanh Vinashin không trả được khoản nợ 60 triệu USD vào năm vừa qua đã cho thấy một cách rõ ràng rằng những doanh nghiệp này không sử dụng vốn một cách có hiệu quả và làm tăng gánh nợ quốc gia.



© Nguyễn Quốc Khải

© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: