Pages

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Báo Quân Đội nói về các Blog cá nhân


Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, vừa đăng bài xã luận chỉ trích một số blog cá nhân, gọi đây là "nơi phát tán các luồng gió độc".

Tờ báo này đang chạy loạt bài chống "diễn biến hòa bình" và bài của tác giả Nguyễn Văn Minh dường như cũng trong luồng quan điểm này.

Bài báo có tựa đề 'Vô tình phát tán luồng gió độc?' thừa nhận sức hút ngày càng mạnh của các blog cá nhân, mà theo tác giả, con số hiện ở Việt Nam đã là "trên ba triệu và không ngừng tăng lên".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh nhận xét: "Đã có không ít blog đã trở thành nơi phát đi những luồng gió độc".

"Bên cạnh những bài có nội dung tốt có không ít bài với nội dung xấu, thiếu đúng đắn cả về lập trường chính trị, văn hóa; lời lẽ có khi không khác một tờ báo hải ngoại phản động."

Tác giả bài xã luận, như thường thấy trên báo chí chính thống Việt Nam, đưa ra dẫn chứng trường hợp "một nhà thơ khá nổi tiếng", nhưng không nói tên.

Nhà thơ này, theo ông Nguyễn Văn Minh, có blog riêng với nhiều thông tin đáng đọc mà ông ví với một "vườn hoa".

"Nhưng thật tiếc, thỉnh thoảng trong vườn hoa nhiều sắc màu ấy lại len lỏi những cây nấm độc."

'Thế lực thù địch'
Tác giả Nguyễn Văn Minh liệt vào diện "nấm độc" nhiều thể loại thông tin, bài báo trái ngược với dòng quan điểm chính thống trong xã hội.

Ông này cảnh báo rằng nhiều blogger "hiện vẫn đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội hoặc các cơ quan báo chí".

Theo ông, "không ít người (blogger), bản chất vốn không phải là người xấu và cũng không hề có quan hệ với các thế lực phản động" nhưng do chủ quan, sơ hở nên đã bị lợi dụng.

"Trên nhiều trang web, diễn đàn phản động từ nước ngoài, các thế lực thù địch đã “đánh hơi” thấy sự nở rộ các loại blog kiểu này."

Bài xã luận của Quân đội Nhân dân kêu gọi siết chặt quản lý hơn nữa đối với các blog cá nhân và khuyến cáo cơ quan chức năng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước quản lý blog rất chặt như Trung Quốc hay Malaysia.

Ông Nguyễn Văn Minh cũng dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng nói về mặt kỹ thuật "nếu tham gia những việc phạm pháp, dù tinh vi đến đâu cũng đều có thể bị phát hiện".

Việt Nam hiện là một trong mười quốc gia bị tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) liệt vào danh sách 'Kẻ thù của internet'.

Theo RSF, Việt Nam hiện giam giữ số lượng công dân mạng nhiều thứ hai thế giới, với 17 người hiện đang chịu án tù.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam bắt giữ các blogger, những người chỉ "chia sẻ quan điểm trên mạng internet một cách hòa bình".

Tuy nhiên, với các hạn chế của báo chí chính thống, hay còn gọi là "lề phải", người dân vẫn đang tìm kiếm các kênh thông tin đa dạng hơn trên mạng.

Nhiều trang blog thu hút người đọc còn hơn cả các trang báo điện tử do cơ quan nhà nước quản lý.

Điều đáng chú ý là các hoạt động xã hội, như những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội mới rồi, cũng thu hút nhiều người tham gia qua các lời kêu gọi đăng trên mạng internet.

Không có nhận xét nào: