Căng thẳng hiện thời tại Biển Đông sẽ là một trong các chủ đề thảo luận của Hội nghị Khu vực Asean sắp họp tại Bali, Indonesia.
Hội nghị này (Asean Regional Forum - ARF) bắt đầu nhóm họp ngày thứ Bảy 16/07 và kết thúc ngày 23/07.
Tổng thư ký Hiệp hội Asean, ông Surin Pitsuwan, nói ông hy vọng rằng cuộc họp sẽ cho các ngoại trưởng Asean và đối tác, trong đó có cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, cơ hội đối thoại một cách xây dựng về các bất đồng liên quan tuyên bố chủ quyền.
Tranh chấp Biển Đông là vấn đề đã đi khỏi phạm vi biên giới các quốc gia đơn lẻ, và theo giới chuyên gia nhận định, nó đã trở thành vấn đề của khu vực.
Hai nước hiện đang có bất đồng mạnh mẽ nhất với Trung Quốc quanh chủ quyền tại các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông là Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ cũng đóng vai trò khi khẳng định sự hiện diện của mình tại đây với vị thế của một "cường quốc Thái Bình Dương".
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen mới đây trong chuyến thăm Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng các vụ đụng chạm có thể leo thang để trở thành xung đột vũ trang, gây nguy cơ cho hòa bình khu vực.
Phép thử cho Asean
Giới quan sát cho rằng giải quyết căng thẳng ở Biển Đông có thể được xem như bài toán thử cho khối Asean.
Asean có lợi thế là tổ chức khu vực, chủ trương cùng tồn tại hòa bình và hợp tác.
Tuy nhiên, một điều có thể cản trở vai trò hòa giải của khối là lâu nay các nước Asean bị Bắc Kinh chỉ trích đã dựa vào nhau và vào Hoa Kỳ để đối chọi lại với Trung Quốc.
Đang có một số bình luận, như của tác giả Simon Tay trong bài báo đăng trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm thứ Sáu 15/07, đề xuất 'hòa giải' trong vấn đề Biển Đông.
Ông Tay nói quan hệ Trung Quốc-Asean quá quan trọng để mà bị ảnh hưởng bởi một vấn đề riêng lẻ, liên quan tới quyền lợi của một, hai quốc gia đơn lẻ.
Điều này có thể không được nhiều người ở Việt Nam hay Philippines đồng tình, nhưng nó phản ánh phần nào lập trường của báo chí chính thức ở Trung Quốc.
Tác giả Simon Tay cũng nói hội nghị ARF sắp diễn ra có thể là môi trường để các quốc gia thảo luận một cách hòa bình, hòa hiếu và xây dựng.
Trong khi đó, ngay trước thềm ARF, Philippines lên tiếng bác bỏ quan điểm khăng khăng chỉ đàm phán song phương của Trung Quốc.
Đàm phán đa phương
Báo chí Philippines cũng trong thứ Sáu 15/07 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines nói không thể chấp nhận lập trường của Bắc Kinh và các cuộc đàm phán về Biển Tây Philippine (Biển Đông) cần được tiến hành theo phương thức đa phương dưới giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Edwin Lacierda được dẫn lời nói trong một cuộc họp báo rằng ngay cả khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ có chuyến thăm tới Trung Quốc trong năm nay, chủ trương của Philippines sẽ không thay đổi.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Tây Philippine".
"Ngoại trưởng Albert del Rosario đã tuyên bố lập trường đó, tuy rằng dường như vẫn có sự phân vân bên phía Trung Quốc về việc tuân thủ phán quyết luật pháp của Liên Hiệp Quốc."
Philippines tự tin cho rằng đa số các nước thành viên của Asean ủng hộ lập trường đa phương này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét