Trần Khải
Một bài viết trên tờ Quân Đội Nhân Dân ngày Chủ Nhật 17-7-2011 của người ký tên Nguyễn Văn Minh, có nhan đề “Vô tình phát tán luồng gió độc?” đã cho thấy suy nghĩ của nhiều giới chức an ninh quốc nội, trong đó nhìn hành vi ‘góp ý’ của nhiều vị nhân sĩ trí thức như các hành vi phá hoại chế độ.
Bài viết đã kết án nhiều vị trí thức, thuộc nhiều thành phần, bây giờ đang viết blog để ‘phát tán luồng gió độc.’ Nói ngắn gọn, chính phủ không muốn ai viết gì để góp ý, vì mọi chuyện đã có chính phủ lo cả rồi. Ai mở miệng ngoài lề đều bị xem là hành vi phá hoại chế độ.
Nhưng thế nào là luồng gió độc? Định nghĩ của người ký tên Nguyễn Văn Minh trên báo QĐND có chỗ nói, “không ít người đã để cho blog của mình trở thành nơi phát tán những luồng gió độc, gây hại cho xã hội và cộng đồng…” có nghĩa là, gió độc là gây hại cho xã hội và cộng đồng.
Ai đã gây hại cho xã hội và cộng đồng? Có phải gây hại nặng nề nhất, gây hại nhiều thế kỷ chính là bản công hàm 1958 do ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký, và được TQ viện dẫn như là VN đồng ý hiến tặng các đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Không phải đó là luồng gió độc bao trùm cả Biển Đông hay sao?
Chúng ta thử trích một số đoạn trong bài viết trên QĐND:
“Vô tình phát tán luồng gió độc?
Mấy năm gần đây, xuất hiện hiện tượng một số văn nghệ sĩ, nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý… lập blog cá nhân và nổi tiếng từ blog với lượng truy cập không kém gì báo điện tử. Tuy nhiên, không ít người đã để cho blog của mình trở thành nơi phát tán những luồng gió độc, gây hại cho xã hội và cộng đồng…
Vô tình hay cố ý?
Theo Tổng cục Thống kê, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam tính đến cuối tháng 11-2010 là 27,3 triệu người, chiếm khoảng 31,7% dân số. Trong đó, theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu blog và số lượng này không ngừng tăng lên. Với tư cách là một trang ghi chép cá nhân trên internet, việc tạo lập dễ dàng, miễn phí, có thể đưa được nhiều bài, ảnh, phim, nhạc, tạo diễn đàn… blog có sức hút rất lớn.
Song cũng chính từ đây, đã có không ít blog đã trở thành nơi phát đi những luồng gió độc. Bên cạnh những bài có nội dung tốt có không ít bài với nội dung xấu, thiếu đúng đắn cả về lập trường chính trị, văn hóa; lời lẽ có khi không khác một tờ báo hải ngoại phản động. Một nhà thơ khá nổi tiếng lập ra một blog với 13 chuyên mục khác nhau, có nhiều thông tin rất đáng đọc, nhiều bài khá hay. Nhưng thật tiếc, thỉnh thoảng trong vườn hoa nhiều sắc màu ấy lại len lỏi những cây nấm độc. Có khi là một bài báo kích động hận thù dân tộc, có khi lại là một bức thư ngỏ kèm lời bênh vực một nhân vật phạm pháp, thậm chí có cả những bài với nội dung rất xấu độc được “copy” về từ một trang web hải ngoại.
Chủ nhân của những blog kiểu như trên, có cả những người hiện vẫn đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội hoặc các cơ quan báo chí. Đáng buồn hơn, có người là nhà báo, bình thường vẫn tác nghiệp, viết bài theo chuẩn mực chính thống cho đăng lên báo của mình. Nhưng rồi, ở phía sau, qua blog cá nhân, chính họ lại có những bài viết khác, bộc lộ những thông tin với quan điểm hoàn toàn trái ngược, thậm chí cả những “bí mật” mà lẽ ra với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, họ không nên công bố. Không ít người, bản chất vốn không phải là người xấu và cũng không hề có quan hệ với các thế lực phản động nhưng chỉ vì sĩ diện cá nhân, muốn được nổi tiếng thông qua blog, muốn blog của mình cũng có “số má” bằng lượng truy cập lên tới hàng triệu lượt nên đã cố tình tìm kiếm, đưa những thông tin giật gân, hậu trường chính trị, lá cải… mà không lường hết hậu quả của chúng.
Thật đáng tiếc, hiện nay, trên nhiều trang web, diễn đàn phản động từ nước ngoài, các thế lực thù địch đã “đánh hơi” thấy sự nở rộ các loại blog kiểu này và lập tức quảng bá, giới thiệu một loạt danh sách các blog “hot” từ Việt Nam. Trong danh sách mà chúng cho là “cùng hội cùng thuyền” đó, thật đáng buồn có cả những văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước. Họ có thể không hề tiếp tay cho các thế lực đó, song đã bị lợi dụng bởi những bài viết vô tình phát đi “luồng gió độc”..”(hết trích).
Điểm nhận xét rằng, bài báo không kể tên người nào, mà chỉ nói là có nhà văn, nhà thơ, nhà báo… ban ngày viết bài cho báo nhà nước (hiểu là lể phải) và đêm tới ngồi viết blog (hiểu là lề trái). Câu hỏỉ lẽ ra nên nêu lên: Ai đã ltrấn áp tiếng nói ban ngày của họ, để họ phải viết blog ban đêm bằng tiếng nói thật của họ?
Bài báo cũng nói là có nhiều ‘bí mật’ bị các blog tung ra. Bí mật nào? Tại sao tác giả không nói rõ là ai khui bí mật, và bí mật đó là bí mật nào?
Có phải bí mật về các tỉnh cho các công ty Trung Quốc thuê hàng trăm ngàn mẫu rừng nguyên sinh? Có phải bí mật về mỏ bô-xit trên Tây Nguyên? Có phải bí mật về nửa Thác Bản Giốc đã thuộc về đàn anh Phương Bắc? Có phải bí mật về mối tình ông Hồ chí Minh và cô Tăng Tuyết Minh? Có phải bí mật về Nông thị Xuân, người tình của ông Hồ, bị công an đánh chết vì dám đòi lên ngôi Hoàng Hậu? Và vân vân, nhiều nữa.
Đặc biệt, bài báo bên cạnh lời kêu gọi hăm dọa sẽ xử lý các blog lề trái, cũng kêu gọi khen thưởng các blog lề phải. Để rồi chúng ta xem, những blogger nào sẽ được chính phủ CSVN khen tặng. Bài báo có đoạn kết viết:
“Ở một khía cạnh khác, cùng với xử lý, ngăn chặn cái xấu thì đã đến lúc biểu dương, khen thưởng những blogger nổi tiếng và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, nhân lên nhiều blog hay và đẹp cũng là việc cần làm.”
Nhưng ông Nguyễn Văn Minh quên nhắc tới rằng, chuyện viết blog này ngaỳ xưa ông Hồ đã làm nhiều lần. Nghĩa là, không phải một lần.
Xin dẫn chứng. Trong khi ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Nước VNDCCH, thì ông cũng lặng lẽ viết blog với bút danh là Trần Dân Tiên. Trong Wikipedia tiếng Việt có ghi rõ, rằng Trần Dân Tiên là bút danh của ông Hồ, khi viết cuốn tiểu sử “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.”
Tuyệt vời, viết blog như thế mà nhiều thập niên sau mới lộ.
Chưa hết. Ông Hồ Chí Minh cũng viết blog bí mật với bút danh T. Lan, hoàn thành cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện.” Cũng để tự tung hô chính ông Hồ.
Ai bảo chỉ có thời nay mới có chuyện viết blog.
Câu hỏi cần nêu ra bây giờ: có phải hai blog vừa kể của ông Hồ cũng là “phát tán luồng gió độc” hay không?
Xin mời các nhà viết blog trong nước lên tiếng giùm…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét