Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011
Căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Hội đàm giữa hai ngoại trưởng Nhật - Trung ngày 4/7/2011 tại Bắc Kinh.
Reuters
Anh Vũ
Theo hãng tin AFP, hôm nay, 4/7/2011, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức phản đối việc các tàu đánh cá Nhật xuất hiện xung quanh các đảo đang có tranh chấp giữa hai nước trong khu vực biển Hoa Đông.
Trong một thông cáo ra hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư, đồng thời cho biết Bắc Kinh đã chính thức phản đối, yêu cầu Nhật Bản cho rút các tàu đánh cá của mình ra khỏi vùng biển có tranh chấp. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh rằng mọi hoạt động của Nhật trong vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư đều là "bất hợp pháp".
Từ lâu nay, căng thẳng giữa hai cường quốc láng giềng này thỉnh thoảng lại bùng lên, do các tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, liên quan đến quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật thì gọi là Senkaku. Hôm qua 9 chiếc tàu đánh cá của Nhật Bản đã hoạt động xung quanh các đảo tranh chấp nói trên và ngay sau đó đã trở về Okinawa, một hòn đảo nằm ở phía nam Nhật Bản.
Căng thẳng mới trong tranh chấp chủ quyền trên biển giữa hai nước lại nổi lên vào thời điểm hôm nay Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto tới Bắc Kinh để thảo luận về việc cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á vốn có nhiều hiềm khích với nhau này.
Năm ngoái, căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã bùng lên khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trong vụ va chạm với tàu tuần duyên Nhật Bản, cũng tại khu vực xung quanh các đảo đang có tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Gần đây nhất là cuối tháng 6, Tokyo tố cáo Bắc Kinh đưa tàu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Nhật Bản vẫn tỏ ra lo ngại việc Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng. Giờ đây, Tokyo lại càng cảnh giác đề phòng với Bắc Kinh, nhất là trong mấy tuần gần đây căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines gia tăng do Bắc Kinh càng ngày càng tỏ thái độ hiếu chiến trong các đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này.
Nguồn RFI.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét