Pages

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Hai điều phi lý

Bùi Tín - Quốc hội mới có thể vẫn dễ bảo, dễ bị xỏ mũi, nhưng nhân dân, cử tri, kẻ sỹ dân tộc, trí thức thức tỉnh, tuổi trẻ yêu nước sẽ không thể ngồi im khi bộ máy chính trị trong thời đổi mới vẫn cứ cổ lỗ, bám chặt chủ nghĩa Mác - Lê đã thành thây ma, kiên trì chủ nghĩa xã hội mờ mờ ảo ảo, giữ chặt độc quyền đảng trị đầy tật bệnh và ôm chặt «16 chữ vàng» đầy hiểm họa cho toàn dân gánh chịu...

*
Cuộc họp lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam khóa XI từ ngày 4-7 vừa bế mạc. Theo thông cáo, ngoài việc thông qua Chương trình công tác toàn khóa và Quy chế làm việc, 2 vấn đề lớn nhất được thảo luận và quyết định tại cuộc họp này là việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992 hiện hành và bàn về nhân sự cấp cao của nhà nước sẽ được đưa ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII vừa được bầu tháng 5 - 2011.

Trong vấn đề thứ nhất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã thảo luận nhiều vấn đề cụ thể, thứ yếu, cố tình bỏ qua mong đợi của đông đảo nhân dân và một bộ phận không ít đảng viên là nhân sửa đổi Hiến pháp cần thảo luận kỹ lưỡng việc đổi mới cả hệ thống chính trị cầm quyền hiện tại theo hướng dân chủ đa nguyên. Hệ thống chính trị hiện nay đã tỏ ra lỗi thời, chứa đựng nhiều yếu kém, bất cập, không đi kịp với bước tiến của thời đại, gây nên trì trệ cho đất nước, làm ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống chính trị, tinh thần, vật chất và văn hóa của toàn dân. Đã có nhiều chính kiến, luận văn, kiến nghị của cán bộ lão thành, trí thức, đảng viên theo hướng trên, yêu cầu mạnh dạn từ bỏ không luyến tiếc các giáo điều: chủ nghĩa Mác-Lênin đã dẫy chết, chủ nghĩa xã hội mơ hồ ảo tưởng, nền chuyên chính một đảng duy nhất, từ bỏ nền kinh tế quốc doanh là chủ đạo…tất cả đã tỏ ra không còn sức sống, gây nên trì trệ, trở ngại cho mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Lãnh đạo Đảng CSVN đã cố tình bỏ ngoài tai yêu cầu khẩn thiết là thảo luận kỹ các vấn đề cơ bản cấp bách trên đây, nếu cần mở ra một cuộc trưng cầu dân ý trong toàn dân.

Đây là một khiếm khuyết cực kỳ tệ hại, một điều phi lý khổng lồ của cuộc hội nghị Trung ương Đảng trong 7 ngày qua.

Vấn đề thứ hai được quyết định là phân chia các vị trí cao nhất trong hệ thống cầm quyền, về chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng để đưa ra khoá họp Quốc hội sắp tới.

Theo những tiết lộ trước đây, ông Trương Tấn Sang sẽ nhận chức chủ tịch nước, ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ nhận chức chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ. Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Vũ Văn Ninh sẽ nhận chức phó thủ tướng. Ở trong đảng, ông Lê Hồng Anh sẽ là ủy viên thường trực của Bộ Chính trị, thay ông Trương Tấn Sang.

Việc Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN quyết định về các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước là một việc làm sai trái, một điều phi pháp khổng lồ, vì trong Hiến pháp không có một điều khoản nào quy định cái quyền ấy.

Tuy thông báo nói rằng Ban Chấp hành Trung ương đề nghị với Quốc hội về những vị trí then chốt, còn quyết định cuối cùng là thuộc về Quốc hội, đó chỉ là một thủ đoạn xảo trá, không đánh lừa được ai. Vì trong Quốc hội, 90% là đảng viên CS, mọi đảng viên phải tuân theo nghị quyết của Trung ương Đảng. Vậy là Quốc hội trên thực tế không mảy may có chút quyền gì trong việc lựa chọn và cử người vào những vị trí cao nhất của đất nước.

Trên thực tế là Ban Chấp hành Trung ương đã thoán đoạt quyền tối cao của Quốc hội. Trong Hiến pháp có ghi rõ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Cao nhất có nghĩa là không một ai có quyền gì ở trên Quốc hội.

Chính ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc hội, từng khẩn thiết yêu cầu phải đổi mới hẳn hệ thống chính trị, chấm dứt tình trạng «Bộ Chính trị là 14 ông vua tập thể» ngự trị trên đầu nhân dân.

Cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN vừa kết thúc có thể nói là một sự thách thức vô lễ với 500 đại biểu Quốc hội vừa được bầu, chưa kịp họp, dù cho họ được bầu theo kiểu «đảng chọn dân bầu» cổ lỗ, phi lý. Đây cũng là thách thức láo xược đối với cử tri và nhân dân cả nước.

Lãnh đạo đảng CS ăn nói ra sao, trả lời ra sao, nếu như trong cuộc họp Quốc Hội sắp tới, có đại biểu chất vấn về 2 việc làm phi lý khổng lồ hiển nhiên trên đây, cũng như chất vấn về một vấn đề nóng bỏng khác là «thái độ nhu nhược với bành trướng, hung ác với nhân dân» trong cuộc khủng hoảng Biển Đông?

Quốc hội mới có thể vẫn dễ bảo, dễ bị xỏ mũi, nhưng nhân dân, cử tri, kẻ sỹ dân tộc, trí thức thức tỉnh, tuổi trẻ yêu nước sẽ không thể ngồi im khi bộ máy chính trị trong thời đổi mới vẫn cứ cổ lỗ, bám chặt chủ nghĩa Mác - Lê đã thành thây ma, kiên trì chủ nghĩa xã hội mờ mờ ảo ảo, giữ chặt độc quyền đảng trị đầy tật bệnh và ôm chặt «16 chữ vàng» đầy hiểm họa cho toàn dân gánh chịu.

Bùi Tín
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/hai-dieu-phi-ly-07-12-2011-125412378.html

Không có nhận xét nào: