Pages

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Quan chức hung hăng và cường quốc lăng xăng

Ngày 6.7, nhiều tờ báo và hãng thông tấn trên thế giới loan tin; Chính phủ Philippines đã thông báo với đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines về việc cấm cửa một quan chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc tên Lý Vĩnh Thịnh (Li Yongsheng), không cho ông này dự các cuộc họp ngoại giao giữa hai bên vì ông này đã có thái độ thô lỗ, hung hăng với các quan chức Philippines trong cuộc họp giữa hai bên về vấn đề Biển Đông.
Tin trên loan đi khiến Trung Hoa đại lục một phen bẽ mặt trước thế giới về quan chức ngoại giao không đúng phận sự “bằng thái độ thô lỗ, hung hăng”. Vị quan chức này cứ nghĩ đất nước ông rộng lớn và trong bàn hoà đàm có thể ăn nói bạt mạng, không cần kiêng nể đối tác đồng cấp là một sai lầm khiến người dân Trung Quốc phải xấu hổ.
Giá trị của hung hăng ngang ngược trên biển Đông đã bị các học giả thế giới chỉnh huấn ngay tại hội thảo an ninh biển Đông ở Washington DC (Hoa Kỳ) vào ngày 20-21.6.2011. Nay quan chức ngoại giao tầm bí thư thứ nhất sứ quán Trung Quốc tại Philippines cũng hung hăng trên bàn họp đã phải trả giá không được dự họp ở văn phòng BNG của Manila. Và điều hổ thẹn đối với Trung Hoa rộng lớn là ngay lập tức báo chí thế giới đưa tin như một điều tệ hại nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới.
Chưa bao giờ trong quan hệ ngoại giao, một nước lại phải cấm một quan chức nước khác như hành động của Philippenes. Điều đó cho thấy đàm phán với quan chức ngoại giao Trung Quốc tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, nó cũng hiển nhiên tăng cao nguy cơ bị đe doạ và bôi nhọ một cách không đáng có nếu không muốn nói đến nguy cơ bị hành hung. Sự tự vệ của Manila là chính đáng nhằm cắt đi cơn hung hăng thô lỗ của quan chức ngoại giao Trung Quốc. Bởi không ai dám chắc, nếu không có hành động cấm cửa của Philippnes thì sau lời nói, Bí thư thứ nhất sứ quán Trung Quốc Lý Vĩnh Thịnh có dùng đến nắm đấm hoặc cùi chõ?! Không một ai đoan chắc, trong khi đó, theo logic của hung hăng, thô lỗ bằng lời thì vẫn thường mang theo cả nắm đấm.
Việc họ Lý ăn nói như thế cũng bộc lộ ra rằng, dường như ngoại giao Trung Quốc giương oai bằng cơ bắp của răng hàm mặt nhiều hơn việc sử dụng trí tuệ trên bàn đàm phán?
Nhớ lại, trước đó, cơ bắp của răng hàm mặt cũng được giễu ra trước lời nói của thứ trưởng ngoại giao Trương Chí Quân của Trung Quốc trong một phát biểu vào ngày 22.6 tại Hawaii (Hoa Kỳ): “Mỹ không có liên quan đến vùng biển trên, nên tốt nhất Mỹ hãy để các nước có liên quan giải quyết với nhau để tránh làm phức tạp tình hình… Nếu Mỹ muốn có vai trò trong vấn đề này thì tốt nhất là nên kiềm giữ các hành động khiêu khích của các quốc gia khác nhằm vào Trung Quốc. Các quốc gia này đều đang đùa với lửa, và tôi hy vọng ngọn lửa không lôi kéo Mỹ”(NLĐO).
Đấy là chất giọng của lên gân, của thô lỗ, và hung hăng xuất phát từ nhu cầu của cường quốc lăng xăng. Chưa gì đã xiển dương giọng điệu của “lửa”. Và Hoa Kỳ thông qua trợ lý Ngoại trưởng đặc trách châu Á Thái Bình Dương Kurt Campbell đã nói rất hay: “Hoa Kỳ không có ý quạt lửa trong Biển Nam Trung Hoa (biển Đông) và Hoa Kỳ rất quan tâm duy trì hòa bình và ổn định. Bộ trưởng Clinton đã cẩn thận đề ra các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ tại biển này. Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên quan tâm duyệt lại vấn đề một cách cẩn trọng” (VOA), một cách nói trí tuệ, lịch lãm, không nặng về cơ bắp răng hàm mặt.
Nhìn lại các đất nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức…chưa hề có những phát ngôn nặng nề trước các căng thẳng của các khu vực và thế giới. Mỗi lời nói của ngoại giao đoàn các nước trên đưa ra đều phần nào “rút bớt củi dưới nồi” chứ không thêm “lửa” kiểu của họ Trương.
Trung Quốc được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Con rồng nặng nịch Trung Hoa đang cố chứng minh cách ăn nói khạc ra lửa cho thế giới thấy đó là một cường quốc thực sự. Nhưng càng cố bao nhiêu thì có vẻ như con rồng lửa ấy càng khạc ra các hành động lăng xăng gây hấn nhiều hơn là thể hiện vai trò trách nhiệm của nước lớn, đưa lại sự ổn định, thịnh vượng cho láng giềng.
Nhìn lại sự lăng xăng của rồng lửa Trung Hoa qua các sự kiện biển Đông cho thấy ngày 26.5 cắt cáp tàu Bình Minh 02, sau đó một tuần lại cắt cáp tàu ViKing II của Việt Nam. Trước đó, vào tháng 2.2011, một tàu hải quân nả đạn vào tàu đánh cá của Philippines trên biển Đông. Trang web của hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc ngày 25.6 dẫn lời thiếu tướng Bành Quang Khiêm, phó tổng thư ký Ủy ban chính sách an ninh quốc gia, hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc, ngạo mạn tuyên bố rằng Trung Quốc từng dạy Việt Nam một bài học và có thể cho Việt Nam bài học lớn hơn.
Hôm 24.6 Nhật Bản tố cáo hành vi lăng xăng của tàu Trung Quốc đã đi qua khu vực EEZ 200 hải lý của nước này và tiến hành các hoạt động thăm dò mà không xin phép, buộc Tokyo phải có hành động phản đối thông qua các kênh ngoại giao.
Trung Quốc cũng vừa mới thừa nhận có vụ tràn dầu ở biển Bột Hải khi thông tin rò rỉ ra ngoài. Vụ tràn dầu diễn ra hôm 4.6 nhưng mãi đến 5.7 mới thừa nhận đã gây mất lòng tin với người dân và các nhà nghiên cứu khoa học. Một cách lấp liếm đầy lăng xăng.
Muốn thể hiện cường quốc thật sự, Trung Quốc buộc phải có tàu sân bay mua từ giá phế liệu. Tờ Hong Kong Commercial Daily dẫn các nguồn tin quân sự, đề nghị không nêu tên, nói tàu sân bay này sẽ có chuyến chạy thử ra biển vào ngày 1.7. Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc ngày đó tẻn tò im lặng với sự việc trên. Theo tờ China Times xuất bản bằng tiếng Anh tại Đài Loan ngày 2/7, tờ Hong Kong Commercial Daily vừa xác định là chuyến đi thử nghiệm của chiếc tàu sân bay Trung Quốc đầu tiên sẽ chỉ có thể được thực hiện sớm nhất là vào tháng 8 tới. “Nguyên nhân là do trục trặc về mặt kỹ thuật cơ khí”, báo viết. Tính khí nóng vội đã đẩy Trung Quốc không thể hạ thuỷ con tàu sân bay “hồn trương ba, da hàng thịt” đúng ngày một số báo tuyên bố.
Cường quốc lăng xăng trong các tranh chấp vì lợi ích hẹp hòi, cực đoan đã đẩy hình ảnh Trung Quốc mất điểm với khu vực. Và sự cố gắng vượt trội của rồng lửa Trung Hoa lại càng ấn các cú khạc lửa chệch đi so vớí ý muốn và trong ngắn hạn của năm, hoặc mười năm nữa rồng ấy vẫn dừng tầm ở cường quốc nhà vườn mang tính địa phương và cung cách của cơ bắp răng hàm mặt vẫn được trình diễn.
Họ Lý đã để lại vết nhơ ngoại giao cho Trung Quốc không lấy gì có thể bào chữa. Và trang sử kiểu cường quốc Trung Hoa không thể nào biện minh một cách sạch sẽ với ngoại giao thế giới sự hung hăng của quan chức đại sứ. Vết đen tự bôi ấy xuất phát từ hung hăng, thô lỗ, chắc chắn không nước sông nước biển nào rửa sạch.

Cu Làng Cát

Không có nhận xét nào: