Người Việt Nam (danlambao) - Sáng nay mẹ bảo: “Mai chở mẹ đi BigC, mẹ cần mua vài món đồ mà mấy món này trong siêu thị rẻ hơn ở chợ”. Tôi trả lời: “Hay là mình đi trong ngày hôm nay đi mẹ, sáng mai con bận chút việc”. Mẹ hỏi: “Mày bận gì?”. Tôi trả lời: “Sáng mai con đi biểu tình mẹ ạ, TQ nó lại vừa tiếp tục gây hấn với ngư dân Việt Nam mình”.
Mẹ cười đáp: “Dạo này mày cũng quan tâm đến chính trị thế nhỉ?”. Tôi biết mẹ nói vậy nhưng bà khá hiểu chuyện. Tôi nói: “Đây không phải là vấn đề chính trị to tát gì mẹ ạ, nó liên quan cuộc sống của mình và mọi người dân Việt Nam mà, rồi tương lai đời con đời cháu nữa chứ.”
Cuộc đàm thoại ngắn ngủi đưa tôi trở về với những câu chuyện của gia đình trong quá khứ.
Theo lời mẹ tôi kể thì ông bà ngoại tôi ngày xưa xuất thân từ gia đình địa chủ, mà nghe nói tới địa chủ thì theo cách tuyên truyền của Đảng và Nhà nước mình thì người ta thường hay nghĩ tới họ là những”cường hào ác bá”, nhưng ông bà ngoại tôi rất hiền. Ông là thầy giáo làng, giỏi tiếng Pháp và mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong làng thời đó.
Khi cải cách ruộng đất nổ ra, ông bà tôi phải chạy trốn khỏi làng trong một đêm mưa gió bão bùng. Sau này nghe lời một người họ hàng của ông bà tôi theo Việt Minh kể lại thì nếu ông bà tôi không trốn thoát được đêm đó thì hôm sau sẽ bị đem ra đấu tố và xử tội chết rồi. Khi trốn lên thành phố, ông bà tôi ở trong một ngôi nhà 14m2 với cả thảy 6 người con.
Với vốn tiếng Pháp, ông tôi làm nhân viên cho một nhà băng của Pháp tại Hải Phòng. Ông hiền lắm, nhiều lúc bà tôi còn bực mình vì cho rằng "ông là người không thức thời nên cả nhà phải nghèo khổ". Nghe kể những bà bán hàng ở Phố Ga Hải Phòng ngày xưa thì mỗi buổi sáng gặp ông tôi họ thường nói đùa: sáng ra ngõ gặp trai, ý nói là họ sẽ có một ngày tốt lành. Ông tôi làm bên phòng thuế nhưng chẳng nhận tiền đút lót của ai bao giờ, thế nên nhà ông bà ngoại tôi nghèo và mẹ tôi bảo lúc bé chẳng bao giờ được no bụng mỗi sáng đi bộ đi học. Hồi đó, buổi tối trước khi ông đi làm về thường có mấy bà hay ghé qua nhà biếu bà ngoại tôi hôm thì miếng mít, hôm thì chùm vải, chùm nhãn để cảm ơn vì ông tôi đã giúp họ trong vấn đề thuế má và không gây khó khăn gì cho họ bao giờ. Biết ông tôi khái tính nên họ chỉ mang biếu chút quà nhỏ và thường đến lúc ông tôi không có nhà chứ có ông ở nhà thì ông sẽ nhất định không nhận. Mẹ kể, năm 54 miền Bắc có phong trào di cư vào Nam, ông định đưa cả gia đình đi nhưng bà ngoài nhất định không chịu nên cả gia đình vẫn ở lại miền Bắc.
Do lí lịch địa chủ và làm việc trong cơ quan của Pháp mà sau này khi lớn lên các con của ông bà, tức mẹ tôi và các bác đều gặp rất nhiều khó khăn. Bác cả khi trưởng thành học nghề lái tàu, khi học xong làm hồ sơ lý lịch để đi làm họ nhất định từ chối nhận bác vào làm. Bà tôi chạy vạy lên phường để hỏi lý do tại sao, họ nói rằng gia đình bà tôi thuộc thành phần nghi vấn “địa chủ thời xưa và ông tôi có thể là mật thám cho Pháp”. Thì ra họ nghi ngờ ông tôi làm mật thám mà chẳng có chứng cứ gì, và lấy nó làm lý do để trù dập các con của ông, một thế hệ tiếp theo phải chịu hậu quả. Một người hiền lành như ông tôi, đến con gián chẳng bao giờ nỡ tay giết mà làm “mật thám cho Pháp”. Đến bác thứ hai thì bị bắt đi tù cải tạo 5 năm vì bị xét vào thành phần “thanh niên chậm tiến”. Mẹ tôi kể do bác ấy thích hát nhạc vàng, mặc quần ống típ (giống của thanh niên miền Nam hay mặc theo phong cách Mỹ thời đó) và chơi với một nhóm thanh niêm trong xóm để hát hò. Đấy, họ bị trù dập và đi tù chỉ vì những lý do rất không đâu, lẽ ra những thanh niên như vậy họ có thể cống hiến sức lao động cho xã hội thì lại từ chối không cho họ làm việc, bắt họ ngồi tù thì xã hội làm sao có của cải sản sinh ra từ sức lao động?
Còn chuyện của ngày hôm nay, thế hệ chúng tôi cũng giống như bao người dân Việt Nam khác hôm nay, cũng nhọc nhằn và gặp nhiều bất công trong cuộc sống hàng ngày mà chẳng ai quan tâm đến quyền lợi của người dân thường như chúng tôi cả, những chuyện đó đầy rẫy mà chẳng kể mọi người cũng biết. Mỗi lần có công chuyện, đi ra phường, đi ra cơ quan hành chính, đi bệnh viện… nếu không có tiền thì chẳng được kết quả gì hết. Vậy mà trên mỗi lá đơn đem đi làm việc với những cơ quan công quyền, chúng tôi vẫn buộc phải viết:
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc
Có giả dối không?
Nhớ ngày xưa khi còn học đại học, thầy giáo dạy môn Kinh tế chính trị (kiêm trưởng Bộ môn Mác Lê nin) của chúng tôi thường hay rao giảng rằng: “chúng ta phải nhớ rằng trong thời kỳ đỉnh cao của CNXH, Liên Xô phát triển rực rỡ cả về kinh tế và khoa học quân sự đến Mỹ còn phải sợ (sinh viên cười nhăn nhở ở dưới), tiếc thay lúc đó chính quyền Xô Viết còn non trẻ nên đã bị sụp đổ trước sự chống phá của các thế lực thù địch (sinh viên ở dưới rì rầm với nhau: cụm từ này nghe quen quá nhỉ). Nay chúng ta đang trong thời kỳ quá độ nên chúng ta phải kiên trì, rồi một ngày đất nước chúng ta sẽ đạt đến đỉnh cao đó.”
Sinh viên hỏi thầy: “Đảng và nhà nước ta sẽ làm gì để đạt được những thành tựu đó và đến bao giờ chúng ta sẽ đạt đến đỉnh cao đó hả thầy?” Thầy đáp: “Cái này thì chưa thể nói trước được, còn phải tùy thuộc vào tình hình thời đại.” Bọn sinh viên chúng tôi không nhịn được cười nói với nhau "cứ đợi đấy" và nghĩ bụng “thầy nói thế thì hòa cả làng”.
Thiết nghĩ chính thầy đang giảng cho sinh viên những điều mà thầy chẳng rõ, chỉ biết giảng như một cái máy hết năm nọ qua năm kia mà thôi. Giống như thầy Cảnh của Trường DHKHXHNV TP.HCM đã thuyết phục các bạn sinh viên trong buổi biểu tình 5/6 đại ý rằng: chúng ta phải kiên trì đấu tranh bằng phương pháp ngoại giao và trên nhiều mặt trận, cái này phải để nhà nước lo. Nhà nước “lo” gì mà suốt từ năm 2007 đến giờ ngư dân nghèo Việt Nam vẫn luôn bị hà hiếp, giết và cướp tài sản, thành quả lao động của họ mà nhà nước chẳng bảo vệ được? Vậy mà cứ bắt nhân dân phải tin vào phương pháp cầu hòa “16 chữ vàng và 4 tốt”. Nếu TQ thực sự coi trọng nguyên tắc và tinh thần đó thì họ hẳn nhiên không thể đối xử với một người láng giềng Việt Nam vô nhân đạo như thế được? Ai có thể tin vào những lời rao giảng như thế chứ?
Hãy nói và làm để nhân dân thực sự “tâm phục khẩu phục” chứ đừng bắt chúng tôi “phải tin, phải tin…”.
Sự thật vẫn là sự thật.
Sài Gòn, 16/07/2011
Người Việt Nam (danlambao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét