Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011
Trí thức Trung Quốc kêu gọi cải tổ
Mục tiêu hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc là ổn định xã hội
REUTERS
Lê Phước
Gần đây, tại Trung Quốc, nhiều trí thức và ngay cả những quan chức cấp cao cũng lên tiếng ủng hộ sự cần thiết cải tổ. Họ không chống lại chế độ, mà chỉ đề xuất giải pháp dung hòa giữa các phong trào phản kháng xã hội và ổn định chính trị. Nguyệt san ngoại giao Le Monde Diplomatique số ra tháng 7 đăng lại một bản kiến nghị của giới trí thức Trung Quốc liên quan đến vấn đề này với dòng tựa khá ấn tượng : « Giới nghiên cứu Trung Quốc đề nghị cải tổ trong nước ».
Theo giới trí thức Trung Quốc, tình hình đất nước có thể tóm lược trong ba điểm sau : kinh tế phát triển nhanh chóng, ổn định chính trị được đảm bảo, mâu thuẫn xã hội đã xuất hiện. Tuy vậy, họ khẳng định khả năng xẩy ra bạo động xã hội qui mô lớn còn thấp.
Trong bối cảnh đó, các học giả cho rằng, đã đến lúc thay đổi phương cách duy trì sự ổn định của đất nước, chờ đợi và do dự sẽ là sai lầm nghiêm trọng.
Chính quyền các cấp đang loay hoay trong vòng lẩn quẩn, đó là tập trung hết nhân tài vật lực cho mục tiêu duy trì ổn định. Thế nhưng, trong thực tế, đối kháng và mâu thuẫn xã hội ngày càng nghiêm trọng, càng muốn duy trì ổn định thì sự ổn định càng bị đe dọa. Nguyên nhân một phần là do tác động của nền kinh tế thị trường, một phần là do chậm đổi mới phương thức quản lí xã hội.
Theo số liệu chính thức, ngân sách dành cho an ninh nội địa của Trung Quốc trong năm 2010 lên đến 514 tỷ nhân dân tệ, tức tăng 16% so với năm 2009, tương đương với ngân sách quốc phòng. Như vậy, mục tiêu duy trì ổn định ngày càng trở nên quan trọng, tiền tiêu ngày càng lắm, nhân lực ngày càng nhiều, và đã trở thành chính sách ưu tiên của chính quyền các cấp.
Tệ hại nhất là duy trì an ninh trở thành một tiêu chí quyết định trong đánh giá cán bộ. Vì thế, quan chức địa phương bất chấp thủ đoạn để bảo đảm ổn định, đến mức đôi khi gây xáo trộn cuộc sống người dân, mọi công tác khác của chính quyền phải nhường chỗ cho mục tiêu ưu tiên này. Các học giả cảnh báo : nếu cứ tiếp tục như thế, thì cái giá phải trả là vô cùng to lớn.
Nghiêm trọng hơn nữa là mục tiêu tiến hành cải tổ cần thiết để cải cách nền kinh tế thị trường và thiết lập một xã hội hài hòa, cái cần thiết trong hiện tại, lại nhường bước cho mối lo mất ổn định xã hội. Quá trình cải tổ hệ thống chính trị chưa được tiến hành, tự do ngôn luận bị bó buộc, cuộc đấu tranh chống tham nhũng không hiệu quả, các nhóm lợi ích phát sinh chưa được chú ý giải quyết, các chuẩn mực xã hội ngày càng bị đe dọa.
Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những thách thức nghiêm trọng, như tình trạng tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, và tồn tại những tầng lớp xã hội đang chịu nhiều thua thiệt trong tiến trình phát triển của đất nước. Nếu các vấn đề này không được giải quyết một cách thấu đáo, thì đất nước sẽ lâm vào khủng hoảng chính trị. Dù vậy, các phong trào phản kháng đang diễn ra trong xã hội cũng chưa đến mức đe dọa bởi xu hướng phổ biến trong dân là mong mỏi có sự quản lí xã hội hiệu quả hơn và sự ổn định.
Mọi thứ điều bị đánh đồng là « yếu tố gây bất ổn »
Nếu tin vào số liệu thống kê chính thức từ các địa phương, thì con số chứng minh cho sự bất ổn xã hội rất đáng quan ngại. Trong khi đó, các học giả khẳng định, thực tế không nghiêm trọng đến vậy, số liệu thống kê của các địa phương thường đánh đồng mọi thứ, chẳng hạn như nghiêm trọng hóa những sự việc vốn chỉ là những sự cố của cuộc sống thường nhật, hay chỉ là những xung đột không đáng kể, hoặc đã xếp các cuộc phản đối của học sinh về vấn đề an toàn thực phẩm thành « yếu tố gây bất ổn ».
Sự thật là, « những sự cố quần chúng » (từ mà chính quyền Trung Quốc sử dụng chính thức để chỉ các phong trào phản kháng trong xã hội) bao gồm nhiều vụ việc rất đa dạng, và thường không có liên quan gì đến vấn đề ổn định. Nguyên nhân chính là do thiếu biện pháp xử lí hiệu quả, biện pháp cứng nhắc và lỗi thời chỉ làm bầu không khí thêm ngột ngạt và gây tâm lí sợ hãi trong dân. Nếu có thể nhận thức rõ được các yếu tố bị nhầm lẫn cho là bất ổn này, thì tình hình sẽ sáng sủa hơn. Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức rằng, việc thiếu cơ chế giải quyết các nhóm lợi ích xã hội là nguồn gốc của xung đột xã hội.
Nên lấy dân quyền làm nền tảng cải cách
Các học giả cũng kêu gọi thực thi đúng những qui định về dân quyền ghi trong Hiến pháp hiện hành. Theo họ, chỉ khi đảm bảo được các quyền cơ bản này, thì người ta mới đạt được sự cân bằng giữa các nhóm lợi ích đối lập, và trên nền tảng cân bằng đó mà đảm bảo sự ổn định xã hội. Nói cách khác : bảo vệ quyền công dân tức là đảm bảo sự ổn định xã hội.
Sự hay dở của một biện pháp quản lí xã hội không ở chỗ xã hội đó có tồn tại tranh chấp hay xung đột, mà là ở việc biết dung hòa và giải quyết chúng. Trên thực tế, một hệ thống có hiệu quả không phải là hệ thống có thể loại trừ mọi mâu thuẫn, mà là phải có khả năng chấp nhận những bất đồng và tìm được giải pháp trong khuôn khổ luật pháp.
Một thực tế xã hội là các tầng lớp xã hội ngày càng biết cất lên tiếng nói của mình một cách hợp pháp với những đòi hỏi chính đáng, nguy cơ xung đột lợi ích trong xã hội ngày càng cao. Cần phải biết chấp nhận mà đối mặt với thực tế mới này, và cần thiết thiết lập một hệ thống quản lí phù hợp một cách nghiêm túc và bình tĩnh.
Cuối cùng, các học giả nhấn mạnh : dù rằng trong xã hội Trung Quốc, khác biệt lợi ích giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn, các mâu thuẫn ngày càng phức tạp, thế nhưng đa số người dân đều không mong muốn giải quyết vấn đề bằng vũ lực hay xung đột. Trung Quốc nên thiết lập một hệ thống quản lí biết lắng nghe tiếng nói của người dân và biết dung hòa các lợi ích xã hội, từ đó đặt nền tảng thiết lập một xã hội ổn định và hài hòa bền vững. Tất cả phải lấy dân quyền làm nền tảng.
Thái Lan : Khủng hoảng do sự chia rẽ của người Thái
Hôm nay, 03/07/2011, người dân Thái Lan sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội. Tình hình chính trị trong nước luôn căng thẳng do sự đối kháng giữa một bên là người dân tỉnh lẻ và một bên là giới thượng lưu thành thị. Tờ The Nation của Thái Lan phân tích thực trạng này, và được Courrier International dẫn lại qua bài viết đề tựa « Một nền dân chủ kiệt quệ ».
Tờ báo cho biết thái độ khinh miệt đối với người dân nông thôn của tầng lớp thượng lưu, từ các quan chức cấp cao đã về hưu đến những người Áo Vàng thuộc Đảng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ PAD (những người theo trường phái bảo thủ, thân cận với chính phủ đương nhiệm). Đối với họ, đa số các cử tri là những người dốt nát, nghèo khổ, « ngây thơ », « chưa đủ tầm chính trị », « dễ bị điều khiển », không thể bầu cử có chất lượng. PAD đã từng ủng hộ vụ đảo chính lật đổ ông Thaksin hồi năm 2006. Hiện tại, Đảng này đề nghị nên để cho vua bổ nhiệm thủ tướng, và kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội ngày hôm nay.
Các sỹ quan quân đội Thái cũng có thái độ tương tự. Cứ mỗi lần họ thấy đa số cử tri có vẻ bị mua chuộc hay bị điều khiển, thì họ lập tức đề nghị «quét dọn quan cảnh chính trị ». Ỷ vào sự giàu có, chức vụ, bằng cấp và vũ khí, các nhân vật thượng lưu này tự cho rằng, chỉ có họ là hiểu được điều gì phù hợp với đất nước, vì thế họ sẽ không ngại « bịt miệng » hàng triệu người dân. The Nation cay đắng : Họ ảo tưởng quá mức về đạo đức và ưu thế về học thức của họ, đến mức mà họ không thấy phần trách nhiệm của họ trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Các tầng lớp trung và thượng lưu nên tự hỏi, trong một nền dân chủ mà họ tạo dựng hiện tại, tại sao họ lại có thể ủng hộ mọi cuộc đảo chính trong những thập niên qua. Các chính khách mua chuộc phiếu bầu, biển thủ công quỹ không phải cũng có người thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và có học thức đó sao ?
The Nation đặt câu hỏi : Đến khi nào mọi người mới hiểu được rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghèo khổ triền miên của người dân nông thôn chính là hệ thống chính trị nặng tính giai cấp, tập quyền và tâm lí tự tôn của giới thượng lưu ? Người có năng lực đổ xô về thủ đô, dân nông thôn tìm về thành phố làm công nhân, tài nguyên thiên nhiên thì bị khai thác liên tục… tất cả đã kéo theo tình trạng đau lòng, đó là trẻ em nông thôn không được tiếp cận một nền giáo dục xứng đáng, và tình trạng bất bình đẳng và sự áp bức cứ day dẳng.
Cuối cùng, The Nation cũng thông tin thêm một thực tế đáng chú ý : « Dường như là thực trạng bi thảm của xã hội ta một phần đến từ tâm lí thờ ơ của một bộ phận dân chúng ».
Bầu cử tổng thống Mỹ 2012 : Obama bắt đầu sử dụng chiêu bài kinh tế
Liên quan đến Hoa Kỳ, Courrier International dẫn lại bài của tờ The Atlantic tại Washington với nhận định : Nếu muốn thắng cử năm 2012, ông Obama nên sử dụng lá bài kinh tế.
Theo tác giả bài viết, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định rút quân khỏi Afghanistan vừa rồi của tổng thống Mỹ Barack Obama chính là một sự phục hồi kinh tế chậm chạp, nợ công chồng chất và tình trạng nghị viện ngày càng tỏ thái độ phản đối.
Trong diễn văn của mình, tổng thống Obama đã đưa ra số lượng và thời gian rút quân cụ thể. Tuy nhiên, theo tác giả, ông Obama không nhắm đến những con số liên quan đến quân sự đó, mà thực sự điều làm ông bận tâm chính là số liệu thống kê có liên quan đến khả năng tái đắc cử vào năm 2012. Theo thăm dò của hãng Bloomberg News, dưới một phần tư người Mỹ cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang được cải thiện, 2/3 cho rằng đất nước đang trên đà tuột dốc. Đặc biệt, đại đa số thấy rằng cuộc sống hiện tại của con em họ không bằng thời họ trước kia.
Trong mười năm qua, Hoa Kỳ đã tiêu tốn 1 300 tỷ đô la cho chiến trường Irak và Afghanistan. Chỉ trong năm nay, số chi cho cuộc chiến tại Afghanistan đã lên đến 120 tỷ đô la. Trong bối cảnh đó, ông Obama tuyên bố « Kể từ hôm nay, chúng ta phải đầu tư ưu tiên nhất cho đồng bào ta (tức là người Mỹ) ». Quan chức Nhà Trắng cũng đã dùng mọi phương tiện để cho người dân Mỹ biết rằng, tổng thống Obama đang tiến hành thay đổi đường lối và sẽ không tập trung cho các cuộc chiến ở nước ngoài nữa, mà sẽ tăng cường cho chính sách trong nước.
Tác giả cũng cho hay, Nhà Trắng cố tình cho báo giới biết là quyết định của tống thống rất kiên quyết, trong khi các tướng lĩnh như ông David Petraeus, thì chỉ muốn rút quân hạn chế hơn, còn Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thì chấp nhận quyết định của tổng thống một cách miễn cưỡng.
Tác giả kết luận : Từ khi hạ được Oussama Ben Laden, tổng thống Obama không còn lo bị xem là một người « yếu ớt » trong lĩnh vực quốc phòng, thế nhưng, mối bận tâm lớn hơn của ông là : thà chịu vậy, còn hơn để bị mang hình ảnh của một vị tổng thống vô cảm trước nạn thất nghiệp và thâm hụt công.
Như vậy, với quyết định rút quân khỏi Afghanistan, ông Obama đã chọn con đường đơn giản nhất để có thể bước chân lần thứ hai vào tòa Bạch Ốc vào năm 2012.
Ba Lan có thể mang đến cho châu Âu một làn gió mới ?
Vào tháng 7 này, Ba Lan chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong bối cảnh châu lục này đang lâm khủng hoảng nghiêm trọng. Tuần san Le Nouvel Observateur dành mục thời luận nhìn về tương lai EU dưới sự lãnh đạo của Ba Lan qua bài viết « Ba Lan đối diện với số phận là thành viên EU của chính mình ».
Đây là lần đầu tiên Ba La đảm nhiệm trọng trách này. Đến hiện tại, người ta còn biết quá ít về phương cách mà vị chủ tịch mới này sẽ điều hành châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng. Với « một hệ thống kỳ quặc và phản tác dụng » của chiếc ghế chủ tịch luân phiên điều hành một khối 27 nước thành viên, mỗi người điều có quyền lo lắng về đường lối mà Ba Lan tiến hành sắp tới cho số phận chung của các nước thành viên trước cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, tác giả tỏ ra lạc quan. Trước hết là vì nước này có nền kinh tế luôn trong trạng thái « mạnh khỏe », hoàn toàn trái ngược với tình cảnh của nhiều nước thành viên khác. Ba Lan cũng là nước đang bình tĩnh kiên trì xây dựng các điều kiện để hội nhập vào khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong khi có những nước làm điều đó một cách khiên cưỡng hay có tính toán không minh bạch. Ba Lan cũng là quốc gia châu Âu duy nhất không phải là nạn nhân của cuộc suy thoái tài chính 2008. Nước này là một trong những nước có thái độ năng nổ nhất trong công cuộc xây dựng EU.
Đặc biệt, khác với nhiều nước thành viên khác của Liên Xô cũ, Ba Lan hiện tại đã tỏ ra trưởng thành về mặt chính trị. Nước này cũng đã trãi qua thời kỳ thoái trào của chủ nghĩa quốc gia dưới thời anh em nhà Kaczynski. Trước mắt, Ba Lan còn phải làm nhiều điều để xây dựng đất nước. Tác giả tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Ba Lan, với điều kiện nước này tiếp tục xây dựng bản sắc châu Âu của mình, quan tâm đến vấn đề xã hội, có chính sách môi trường và năng lượng phù hợp, tránh khai thác thiên nhiên quá mức như trước kia.
Trang nhất các tạp chí Pháp tuần này
Với dòng tít khá ấn tượng « Đồng euro, một phương tiện cứu cánh » trên Courrier International, và « Đừng e ngại khi muốn được đạt điều xa xôi » trên Le Monde diplomatique, hai tạp chí này dành ưu tiên cho kinh tế Liên Hiệp Châu Âu với nhận định : một số nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha thi nhau vay nợ chống khủng hoảng, vì thế, số phận của người dân các nước này sẽ không còn được quyết định ở nghị viện trong nước, mà là ở Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ủy ban Châu Âu, hay ở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Đặc biệt, Courrier International còn có những phân tích về nguyên nhân chính trị của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp.
Tuần san Le Nouvel Observateur dành trang nhất cho nước Pháp. Với hồ sơ đặc biệt mang dòng tựa « Những người sở hữu nước Pháp », tờ báo cho biết, nhà nước Pháp ngày càng lâm nợ, hiện tại chỉ còn chiếm hữu có 4% nguồn tài sản quốc gia.
L’Express thông tin về các dịch vụ cấp cứu tại Pháp, Le Monde khám phá du lịch giá rẻ châu Âu, và Le Figaro thì đăng bài giải trình của bác sỹ dinh dưỡng Durkan về quyển sách của ông, một quyển sách viết về các chế độ ăn kiêng đang bị chỉ trích nặng nề tại Pháp.
Nguồn RFI.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét