Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Hoàng Sa : Việt Nam phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí



Trung Quốc rao thầu 26 lô, trong đó có 1 lô
gần sát Hoàng Sa (hoangsa.org)
Trọng Nghĩa
Đúng như chờ đợi, Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC đã lấy thêm một vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để mời quốc tế vào thăm dò và khai thác dầu khí. Theo bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua, 31/08/2012, trong số 26 lô được phía Trung Quốc rao thầu, có một lô sát Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Như tin chúng tôi đã loan, ngày 28/08/2012 vừa qua, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC đã loan báo quyết định mời quốc tế đấu thầu thăm dò 26 lô dầu khí, đại đa số nằm trong vùng Biển Đông. Tuy nhiên, theo bộ Ngoại giao Việt Nam, lô dầu khí mang ký hiệu 65/12 lại “nằm cách đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 3 hải lý”. 

Đối với phía Việt Nam, Trung Quốc đã có một hành động phi pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh : “Việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, (…) là hành động phi pháp và không có giá trị”. Do đó, theo ông Lương Thanh Nghị, chính quyền Việt Nam “phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu quốc tế lô dầu khí này.” 
Đây là lần thứ hai mà Tập đoàn CNOOC rao thầu một lô gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam từ năm 1974. Vào tháng Năm năm 2011, họ đã chào mời 19 lô thăm dò ngoài Biển Đông, trong đó có lô mang ký hiệu 65/24 nằm gần lô 65/12 lần này. Ngay từ lúc ấy, Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối “hành động phi pháp” đó của Bắc Kinh. 
Động thái của tập đoàn Trung Quốc CNOOC mời thầu khai thác vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa lần này đã nối tiếp theo một hành động từng bị đánh giá là “trắng trợn” hơn nữa vào tháng 6 vừa qua. Vào lúc đó, phía Trung Quốc đã phân chia vùng thềm lục địa ngoài khơi miền Trung và miên Nam của Việt Nam thành 9 lô và cũng gọi thầu quốc tế. 
Hành động đó lại càng bị coi là ngang ngược hơn nữa khí nhiều lô đã ăn hẳn vào các vùng đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn quốc tế thăm dò từ trước đó, từ Exxon của Mỹ, Eni của Ý, cho đến Gazprom của Nga… Hành động “ngang nhiên” coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh cũng đã bị chính quyền Việt Nam cực lực phản đối. 
Theo giới phân tích, động thái mời thầu tại các vùng mà Trung Quốc đang tranh chấp với các láng giềng là một bước chuyển mình tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc, ngày càng trở thành công cụ áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh. 
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal mới đây đã trích dẫn một nguồn thông thạo các tin tức bên trong giới lãnh đạo tập đoàn CNOOC tiết lộ rằng vấn đề gọi thầu thăm dò các lô ở vùng biển gần Việt Nam từng gây tranh cãi do tính chất quá hung hăng. Tuy nhiên, chính các lãnh đạo tập đoàn này – chứ không phải là cấp cao hơn trong đảng hay chính quyền - đã quyết định tiến tới một phần là để chiều theo công luận Trung Quốc ngày càng mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào: