Pages

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Không khí u ám phủ bóng quan hệ kinh tế Nhật-Trung.

Tàu hải giám Trung Quốc (giữa) và các tàu tuần tra của
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản tại vùng biển
gần đảo tranh chấp ngày 24/9. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)
Những căng thẳng chính trị-ngoại giao giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á Trung Quốc và Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Và quan hệ kinh tế song phương giữa nền kinh tế xếp thứ hai và thứ ba thế giới cũng diễn biến rất phức tạp và nóng bỏng, có thể gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên và có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới đà phục hồi kinh tế châu Á cũng như kinh tế toàn cầu.

Quần đảo mà Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp ở biển Hoa Đông có tám đảo nhỏ và bãi đá với tổng diện tích khoảng 7km2, nằm ở phía Tây Nam tỉnh cực Nam Okinawa của Nhật Bản, ở phía Đông của Trung Quốc đại lục và phía Đông Bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Khu vực quần đảo này (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku) có các tuyến giao thông đường biển quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.



Trong vài thập kỷ qua, tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo nhỏ này là một trong những “nhân tố gây bất ổn” đối với quan hệ Nhật-Trung.

[Nhật Bản phản đối Đài Loan vụ tàu vi phạm lãnh hải]


Giữa tháng 4/2012, “nhân tố gây bất ổn” này lại gây sóng gió cho quan hệ Nhật-Trung khi Thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara thông báo chính quyền thành phố này đang thương lượng với các chủ sở hữu tư nhân để mua các hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư (Senkaku).

Ngày 10/9, tình trạng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật được đẩy lên một nấc thang mới sau khi Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mua lại ba đảo nhỏ thuộc quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) từ một thương nhân của nước này.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 10/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura giải thích động thái này của Tokyo là nhằm quản lý quần đảo một cách “hòa bình và ổn định.”

Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt đối với diễn biến đó. Ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc lúc đó là Uichiro Niwa để phản đối quyết định đặt quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) dưới sự kiểm soát của Chính phủ Nhật Bản.

Một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi Nhật Bản hủy bỏ “cách làm sai lầm” và quay trở lại con đường thương lượng để giải quyết. Trong khi đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định Bắc Kinh sẽ “không bao giờ lùi bước” trong cuộc tranh chấp.

Sau đó, đã có rất nhiều hành động từ cả hai phía, tại cả hai nước liên quan đến sự căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo này.

Dư luận đặc biệt chú ý đến những cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc, trong đó có những cuộc biểu tình đi kèm nhiều hành vi bạo lực như đập phá xe ôtô, cửa hàng Nhật Bản... Những cuộc biểu tình đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của nhiều hãng chế tạo xe hơi Nhật Bản ở Trung Quốc.

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, vì lý do an ninh, các hãng xe hơi nổi tiếng như Toyota, Nissan và Honda đã phải tạm ngừng hoạt động một số nhà máy liên doanh ở Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản, như tập đoàn bán lẻ Seven & I Holdings và hãng điện tử Panasonic, cũng bị ảnh hưởng. Ngày 17/9, Panasonic cho biết hãng đã tạm thời đóng cửa các nhà máy ở các thành phố Qingdao, Suzhou và Zhuhai.

Dư luận rất chú ý đến các biện pháp kinh tế mà Trung Quốc đã đưa ra hoặc tuyên bố có thể áp dụng đối với Nhật Bản. Có những biện pháp đã được Trung Quốc áp dụng vào tháng 9/2010 sau vụ va chạm giữa hai tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) và một tàu đánh cá của Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Ngày 13/9, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ cảnh báo về “những hậu quả tiêu cực” đối với quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Nhật, nói bóng gió về khả năng người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Trên thực tế, có nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã quay mặt né hàng Nhật. Doanh số bán hàng của Toyota ở Trung Quốc đã giảm 30% so với trước thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình.

Bên cạnh đó, nhiều du khách Trung Quốc hủy tour tới quốc gia láng giềng này. Theo China Travel Service, hãng lữ hành lớn nhất của Trung Quốc, hàng loạt du khách Trung Quốc đã thông báo hủy bỏ việc đặt tour du lịch tới Nhật Bản. Trong khi đó, hãng lữ hành China Comfort Travel cũng thông báo trên trang web về việc tạm dừng làm thủ tục cho các du khách sang Nhật Bản.

Phát ngôn viên của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) cho biết chỉ riêng trong tháng này, hơn 18.000 ghế được đặt trước trên các chuyến bay đi và đến Trung Quốc đã bị hủy bỏ. Cách đây hai năm, căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung sau vụ va chạm tàu ở biển Hoa Đông đã làm ANA thiệt hại 38 triệu USD.

Trong khi đó, theo các hãng tin nước ngoài, Trung Quốc siết chặt kiểm tra hải quan đối với các hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.

Hãng tin Pháp AFP dẫn các nguồn tin từ hai tập đoàn thương mại hàng đầu Nhật Bản là Itochu và Sojitz cho biết hải quan Trung Quốc đã tăng cường công tác kiểm tra thông quan đối với hàng hóa Nhật Bản ở các cảng trọng yếu của nước này.

Nhiều hoạt động giao lưu kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Ngày19/9, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã thông báo việc hủy bỏ Hội chợ Thương mại Nhật-Trung. Hội chợ này dự kiến sẽ được tổ chức ở Thượng Hải trong các ngày 20-22/9, với sự tham gia của khoảng 120 doanh nghiệp và tổ chức của hai nước.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka đã phải hủy bỏ sự kiện thương lượng kinh doanh với tỉnh Triết Giang vì phía Trung Quốc không muốn tới thăm Nhật Bản vào thời điểm này, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo cũng phải hủy bỏ chuyến đi thị sát tới Hong Kong và Quảng Châu, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 10.

Thiệt cả đôi bên

Về lý thuyết, có vẻ như kinh tế Trung Quốc có lợi thế hơn, bởi vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao những năm gần đây trong khi Nhật Bản đang phải đối phó với căn bệnh thiểu phát trầm kha và tỷ lệ nợ công cao cũng như những hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc ước khoảng 1.000 tỷ yen (gần 12,82 tỷ USD), chiếm 18,87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 1.300 tỷ yen, chiếm 22,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, những biện pháp trả đũa nhau về kinh tế sẽ gây thiệt hại cho cả Nhật Bản và Trung Quốc do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế này.

Chuyên gia Wang Yizhou, Phó Giám đốc Học viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng nếu hai nước tiếp tục leo thang trong vấn đề tranh chấp biển đảo với việc áp dụng những biện pháp "trừng phạt" về kinh tế thì cả Trung Quốc và Nhật Bản đều bị thiệt hại to lớn.

Cùng chung quan điểm với chuyên gia Wang, ông Jeremy Stevens, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Bank Group ở Bắc Kinh, cho rằng “các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được kết nối chặt chẽ với nhau trên nhiều mặt và phức tạp đến nỗi sẽ là điên rồ nếu không đánh giá đúng rằng Nhật Bản và Trung Quốc đang phụ thuộc lẫn nhau và cùng hưởng lợi.”

Nếu quan hệ Nhật-Trung tiếp tục xấu đi, có khả năng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải cân nhắc lại phương án kinh doanh ở Trung Quốc theo hướng rút vốn hoặc giảm dần đầu tư vào nước láng giềng này.

Nghiên cứu sinh Tetsuo Kotani của Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản (JIIA) nói: “Đây là giai đoạn tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến. Nó có thể sẽ là bước ngoặt đối với các công ty Nhật Bản, buộc họ phải tái cân nhắc lại các rủi ro ở Trung Quốc và đa dạng hóa bằng cách chuyển vốn sang Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi.” Nếu kịch bản đó xảy ra thì rất bất cho Trung Quốc trong lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước nguy cơ hạ cánh cứng.

Theo Tân Hoa xã, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, với tổng số vốn đầu tư đến cuối tháng 6/2012 lên tới 83,97 tỷ USD. Còn theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), nước này hiện có hơn 22.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, chiếm gần 5% trong tổng số các doanh nghiệp nước ngoài ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Một báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho thấy đến năm 2005, các doanh nghiệp nước này đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra khoảng 9,2 triệu việc làm ở Trung Quốc và nộp hơn 5,9 tỷ USD tiền thuế công ty/năm.

"Các lợi ích kinh tế và thương mại của Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng gắn chặt với nhau" - chuyên gia Liu Li-Gang của ngân hàng ANZ nhận định. Một sự leo thang trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai cường quốc kinh tế này có thể sẽ là "một đòn giáng mạnh vào kinh tế châu Á và kinh tế toàn cầu”./Thanh Tùng (TTXVN)

Không có nhận xét nào: