Pages

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Nợ Xấu Ngân Hàng


Alan Phan - Những ngày còn mài quần ở các lớp MBA, tôi thường nhìn những vị quản lý ngân hàng (banker) với nhiều ngưỡng mộ và chút ganh tị. Ngoài việc phải có một học vị giỏi giang ở các trường danh tiếng, họ ăn mặc rất lịch sự, dự những tiệc tùng hoành tráng, ăn trên ngồi trước, được mọi người nể trọng, hàng xóm gia đình khen ngợi. Dù sao, họ đại diện cho “đồng tiền” và trong xã hội tư bản, đây là loại huân chương cao quý nhất. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, có lẽ chỉ có các đồng chí mới có những vinh dự này.
Nhưng có lẽ vì ăn uống quá nhiều (kể cả những tâng bốc nhiều không khí), nên bụng các vị thường phình ra và khi máu chạy hết xuống bao tử, cái đầu bỗng thiếu máu và ngu ra một chút. Hiện tượng này cũng hay hiện diện ở các chàng trai sung sức. Hễ thấy một chân dài sexy, bốc lửa, là mặt nghệch ra, đấu óc không còn chút máu, và bị người đẹp xỏ mũi dắt đi như một con bò ngoan (kinh nghiệm cá nhân).

Tháng rồi, trong chuyến bay từ New York về Los Angeles, tôi ngồi cạnh một banker của một ngân hàng lớn thế giới. Anh ngà ngà say, ngồi kể liên miên những bí mật nửa hở nửa kín của ngân hàng anh đang làm. Chỉ tiếc là anh đang quản lý khối chi nhánh bên Trung Á, chứ nếu anh coi khu vực Asean thì tôi lại có nhiều điều để học (và cười).
Điều anh kể cũng không gì mới lạ. Trong cuộc thi đua đạt chỉ tiêu và thành tích (ảnh hưởng rất nhiều đến bonus cuối năm và tương lai sự nghiệp) các bankers thường bỏ qua mọi nguyên tắc về quản lý rủi ro và đôi khi tạo dựng hồ sơ cùng khách hàng để mọi người “vui vẻ”. Dù sao, đây cũng là tiền người khác (OPM) và khi nợ đáo hạn, ta đã cao bay nơi chốn nào, để lại đống phân cho thằng khác dọn dẹp.
Anh nói về một phi vụ mà JP Morgan Chase, RBS, HSBC, Credit Suisse mất 15 tỷ đô la tại Kazakhstan. Mọi chuyện khởi đầu với một ngân hàng địa phương phát hành trái phiếu với nhiều hồ sơ giả mạo. Vì chủ nhân là một người thân của Tổng Thống đương nhiệm, nên các vị bankers phải cố ém nhẹm dùm để còn “được phép” làm ăn tại xứ nhiều mỏ dầu và khoáng sản này.
Chuyện ngân hàng BTA ở Kazakhstan nghe cũng quen thuộc. Cách đây 6 năm, các nhà đầu tư ngoại quốc và ngân hàng thế giới ào ạt đổ tiền vào Kazakhstan sau khi Tổng Thống Nazarbayev mở cửa theo kinh tế thị trường và giá dầu lên đỉnh. Tăng trưởng GDP đạt mức 10% trung bình trong 10 năm liên tiếp (không biết họ tìm được ông tư vấn nào đã có kinh nghiệm làm cho Cục Thống Kê Trung Quốc hay Việt Nam?) Với một số tiền khá lớn đầu từ nước ngoài, BTA cho vay bừa bãi tứ xứ như một chân dài vừa săn trúng vài ba đại gia một lúc. Nợ xấu lên đến 6 tỷ đô la. Dĩ nhiên, ngân hàng nhà nước không thể để BTA phá sản nên mua lại 6 tỷ đô nợ xấu và bơm thêm 6 tỷ đô la nữa bằng trái phiếu bán cho các ngân hàng quốc tế. Sau cùng, chánh phủ cũng không in tiền kịp để trả nợ và Kazakhstan phải phá giá bản vị tenge 21% vào 2009.
Chuyện cười ra nước mắt là anh banker trên máy bay được phái đi Kazakhstan để thâu hồi các tài sản cầm cố cho món nợ hơn 600 triệu đô. Trong đó, có phi vụ BTA cho một cá nhân ở 1 tỉnh khá hẻo lánh vay 70 triệu đô la để làm một dự án nông nghiệp hoành tráng hiện đại (tôi đang xin kế hoạch kinh doanh này và sẽ nộp cho vài ngân hàng ở đây). Anh banker phải mất gần một ngày trời mới đến ngôi làng nhỏ và tìm ra người chủ vay. Ông này làm chủ một nông trại rộng chưa hơn một hectare và tài sản quý báu duy nhất là 32 con cừu và dê trong trại. Ông ta hoàn toàn ngạc nhiên khi biết mình nợ đến 70 triệu đô (tính ra một con cừu trị giá hơn 2 triệu) và không biết thằng chó chết nào đã xài dùm mình 70 triệu mà thậm chí không gởi biếu được một chai rượu?
Tôi chắc chắn một vài ông hay bà nông dân ở Đồng Tháp hay Bắc Kạn đang sở hữu vài chục triệu đô la mà họ không biết? Dư tiền để sở hữu một chiếc Rolls Royce và mời Mr. Đàm về hát cho đám cưới con mình.
Alan Phan
Nguồn: Góc Nhìn Alan

Không có nhận xét nào: