Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012
Tàu hải giám Trung Quốc đến gần vùng đảo đang tranh chấp
Bức không ảnh cho thấy 2 tàu:
Tuần duyên Nhật Bản (nền) tuần phòng gần các đảo đang tranh chấp, chiếc kia là tàu hải giám Haijian 51 của hải quân Trung Quốc
VOA - 14.09.2012
Trung Quốc đã phái 6 tàu hài giám đến vùng Biển Ðông Trung Quốc gần vùng đảo đang tranh chấp, trong giai đoạn chót của một vụ đối đầu với Nhật Bản sau khi Tokyo quốc hữu hóa lãnh thổ gây tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích trong một thông cáo hồi sớm thứ sáu rằng các tàu hải giám đang tiến hành “công tác thực thi công lực về quyền hàng hải của Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Phía Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hoàn toàn đúng đắn để bảo vệ quyền lợi của mình.” Ông nói thêm rằng hành động vừa kể là một “công tác bình thường.”
Các tàu đến vùng lãnh hải có tranh chấp vào khoảng 7 giờ sáng, giờ địa phương hôm thứ sáu, và rời khỏi khu vực vào buổi chiều. Theo lời một nhân viên tuần duyên Nhật Bản, khi được lệnh rời đi, các tàu Trung Quốc đã đáp lại rằng “các đảo này đã thuộc lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.”
Chính phủ Nhật Bản, đã đạt được một thỏa thuận mua những hòn đảo này hồi đầu tuần, gọi hành động của Bắc Kinh là chưa từng có từ trước đến nay, và đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lên để phản đối.
Ông Wang Dong, giáo sư môn Quan hệ Quốc tế tại trường Ðại học Bắc Kinh, nói Nhật Bản đã tính toán sai lầm về quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh. Ông Dong nói:
“Chúng ta đang bước vào một giai đoạn nghiêm trong của trò chơi. Nhật Bản hoàn toàn làm ngơ trước đòi hỏi của Trung Quốc và xúc tiến việc quốc hữu hóa, và tôi cho rằng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là có phản ứng mạnh, và việc phái tàu hải giám đến Ðiếu ngư Ðài chỉ là một trong các biện pháp phản ứng đó.
Các đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Ðiếu ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku, nằm gần tuyến hàng hải chiến lược và vùng đánh cá cũng như nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào. Trên thực tế, Nhật Bản kiểm soát vùng đảo đá này, mà Ðài Loan cũng nhận chủ quyền.
Vòng căng thẳng gần đây bắt đầu hồi trung tuần tháng 8, khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đi thuyền đến một trong các hòn đảo trong nhóm đảo Ðiếu Ngư và cắm một cây cờ Trung Quốc.
Nhật Bản đã bắt giữ những người biểu tình, nhưng phóng thích họ ngay sau đó trong một hành động mà nhiều chuyên gia phân tích cho là đã góp phần giúp Tokyo tránh được chuyện đối đầu với Trung Quốc.
Kể từ lúc đó, tình cảm chống Nhật gia tăng ở Trung Quốc, và nhiều người đã tham gia vào những cuộc biểu tình khác nhau bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, va tại nhiều thành phố khác ở Trung Quốc.
Hôm thứ sáu, lãnh sự quán Nhật Bản ở Thượng Hải báo cáo những người mang quốc tịch Nhật Bản đã bị tấn công và một nhóm người đi ăn bữa tối khuya ở Thượng Hải đã bị ném chai lọ, nước uống và thức ăn.
Trong cuộc họp với đối tác Trung Quốc, chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura đã hối thúc Trung Quốc làm hết sức để bảo vệ an ninh cho công dân và các công ty của Nhật Bản.
Ông Wang Dong nói các cuộc biểu tình mới đây phản ánh sự công phẫn của dân chúng đối với các hành động của Nhật Bản, và các hành động này sẽ được đối phó theo luật định. Ông nói: “Nếu công dân Trung Quốc phạm luật, chính phủ Trung Quốc sẽ có biện pháp.”
Việc công chúng bầy tỏ sự lo ngại đe dọa gây khó khăn cho các quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước, cũng như cho cuộc chuyển tiếp chính trị sắp tới ở cả hai nước. Các nhà lãnh đạo của hai cường quốc Á châu đã cảnh báo chống lại leo thang căng thẳng, trong khi vẫn giữ vững lập trường về chủ quyền của vùng lãnh thổ.
Hôm thứ năm, Trung Quốc đã đệ trình một văn kiện giải thích lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Trong văn kiện này, Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trong khu vực và bao gồm nhóm đảo này trong lãnh hải của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét