Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Ngân hàng Việt Nam : Không minh bạch, lãnh đạo can thiệp trái luật



Đếm tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội
Reuters

Trọng Thành
Những bê bối của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây được công luận rất chú ý, đặc biệt sau vụ một số chủ ngân hàng lớn bất ngờ bị bắt hồi cuối tháng 8/2012. Tính chất không minh bạch trong các hoạt động của ngân hàng được giới chuyên môn đánh giá là một thủ phạm chính của tình trạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Từ Hà Nội, nhà kinh tế học Nguyễn Quang A đưa ra một số nhận định, suy nghĩ về thực trạng và một số nguyên nhân sâu xa của những bê bối trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, trước hết là về vấn đề « sở hữu chéo », chủ đề đang được giới chuyên môn và các cơ quan hữu trách Việt Nam chú ý.



Tiến sĩ Nguyễn Quang A - 14/09/2012

RFI : Thưa ông, hiện tại như ông biết, vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng cũng như những nhược điểm khác trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được công luận rất quan tâm. Trước hết, để giúp cho thính giả có trình độ phổ thông hiểu rõ, xin ông cho biết sở hữu chéo là gì ?

Nguyễn Quang A : Sở hữu chéo là việc một ngân hàng A có cổ phần trong ngân hàng B, rồi ngân hàng B lại có cổ phần trong ngân hàng A. Hay ngân hàng A lại có cổ phần trong doanh nghiệp C nào đấy, và doanh nghiệp C lại có cổ phần trong ngân hàng A. Quan hệ chủ đan chéo lẫn nhau thì gọi là sở hữu chéo.

RFI : Thưa ông, đây là một thực tế phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới, nhưng theo ông ngân hàng Việt Nam có những đặc điểm gì khác biệt ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, điểm đặc biệt ở Việt Nam là thông tin có được minh bạch hay không, và người ta có lợi dụng việc sở hữu chéo đấy để làm những việc gì khuất tất hoặc trái quy định hay không mà thôi.

RFI : Vâng, thưa ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian vừa qua được giới chuyên môn cũng như báo chí đánh giá là có nhiều khuyết tật và có những hệ lụy nghiêm trọng. Riêng về phần không minh bạch của chế độ sở hữu và những nhược điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam, xin ông cho biết thêm.

Nguyễn Quang A : Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật pháp Việt Nam có một quy định rất rõ ràng : Để cho một cổ đông lớn của ngân hàng, tức là một ông chủ lớn của ngân hàng, vay tiền của chính ngân hàng ấy thì phải có một sự kiểm soát rất chặt chẽ. Thậm chí, nếu mà ông chủ ấy giữ một vị trí nào đấy, ví dụ là thành viên Hội đồng Quản trị, hay đại diện của người đó giữ chức này, thì thậm chí khoản vay đó phải được, thậm chí là Đại hội cổ đông quyết định, tức là tất cả các ông chủ có ý kiến, thì mới được cho vay. Vấn đề là, cái ngưỡng thế nào là lớn, có thể là 5%, có thể là 10%. Nhưng ở Việt Nam không minh bạch ở cái chỗ là có thể một người kiểm soát 3, 4 công ty, hay là vợ, con, anh em người ta kiểm soát được. Mỗi người, hay mỗi công ty liên quan có phần không đủ lớn, nhưng tổng cộng lại thì vượt quá ngưỡng cho phép. Sự không minh bạch là ở chỗ đó.

Cho nên, khi ngân hàng cho một trong những người đó vay, theo quy định thì, vì đó không phải là cổ đông lớn, vẫn được vay bình thường, nhưng nếu xét tổng thể lại là không ổn. Sự không minh bạch và sự thực thi quy định không nghiêm túc có thể gây ra rất nhiều rủi ro. Mà rủi ro lớn nhất trong ngân hàng là cho « những người có liên quan » vay.

Những người có liên quan là ai ? Đó là những người ở trong Hội đồng Quản trị, những người trong Ban Giám đốc, những cổ đông lớn. Và nếu mà người ta dùng tỷ lệ sở hữu của người ta một cách trực tiếp, hoặc một cách gián tiếp của những người thân cận, các công ty thân cận, thì người ta có thể ảnh hưởng đến chuyện vay nợ như thế, đầu tư như thế, và cái đó thực sự phải được giám sát rất chặt chẽ và nhiều khi đây là một việc bị cấm, vì điều này tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.

RFI : Thưa ông, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống quản lý đã làm được những gì, và hiện tại có những điểm cụ thể nào mà họ chưa làm được ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những quy định tương đối chặt chẽ đối với việc giám sát và kiểm tra. Vì hoạt động ngân hàng là hoạt động có điều kiện và nó phải chịu sự kiểm tra giám sát rất chặt chẽ. Lẽ ra, nên có một tổ chức tách bạch ra khỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ làm việc giám sát hoạt động ngân hàng, kể cả các hoạt động của các công ty chứng khoán. Nên có một tổ chức Nhà nước riêng như vậy, chuyên sâu làm việc đó, thì có thể hữu hiệu hơn. Rất đáng tiếc là những việc kiểm tra như vậy trong thời gian vừa qua có thể là chưa làm được.

RFI : Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ngân hàng không những thiếu minh bạch mà gần như được thả lỏng, có đúng không ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, thị trường trong lĩnh vực ngân hàng không phải được thả lỏng. Có thể gọi là chưa được chặt chẽ, có thể được thả lỏng theo một ý nghĩa như sau.

Cách đây khoảng 5, 7 năm, trước năm 2005, 2006, số lượng ngân hàng thương mại không phải là nhiều. Vì trong những năm 1997-2000, Ngân hàng Nhà nước đã có một đợt thanh lọc, gọi là « dẹp » một loạt các ngân hàng yếu kém. Rất đáng tiếc, từ 2006-2007 cho đến cách đây vài năm, một loạt ngân hàng nông thôn đã được nâng cấp lên thành ngân hàng đô thị, và một loạt ngân hàng mới được thành lập. Có thể việc nới lỏng là ở số lượng đó và quy mô hoạt động tăng lên rất là nhiều. Có một nhu cầu buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Cái đó là đúng, nhưng việc giám sát tăng vốn điều lệ của họ như thế nào, việc tăng vốn có phải là thật không, hay là tăng vốn ảo, do sự sở hữu chéo.

Ví dụ như, rất có thể, người ta bảo ngân hàng này có vốn 5.000 tỷ, nhưng thực chất không phải là như vậy. Với vốn 5.000 tỷ, quy mô hoạt động lớn hơn rất nhiều, so với vốn 3.500 tỷ. Sự vênh nhau này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

RFI : Thưa ông, sự kiện ông chủ ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt cuối tháng 8/2012, mà tất cả mọi người đều biết, với việc chứng khoán sụt giá, người rút tiền ồ ạt, phải chăng liên quan đến sự bất ổn nói chung của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là việc kém minh bạch về sở hữu tạo điều kiện cho tính chất độc quyền trong lĩnh vực ngân hàng, và điều này gây ra một tâm lý bất ổn trong xã hội ?

Nguyễn Quang A : Tôi không bình luận gì về ông Kiên, nhưng những hoạt động của thị trường chứng khoán, của ngân hàng sau ngày đó, bộc lộ sự mỏng manh, dễ vỡ của hệ thống, và cái đó, theo tôi, chính là ở môi trường và sự minh bạch thông tin. Nếu người dân, các nhà đầu tư được thông tin rất kịp thời và chính xác, người ta không bị các thông tin khác làm nhiễu, thì tác động tâm lý bớt đi nhiều. Cái đó là một bài học mà tôi muốn nhấn mạnh lại một điểm là : Minh bạch ! Minh bạch !

RFI : Về cái ý minh bạch mà ông vừa nhấn mạnh, thì theo ông, với thực lực của hệ thống ngân hàng, cũng như hệ thống quản lý tại Việt Nam hiện nay, thì những người quản lý có khả năng tạo được sự minh bạch được không ?

Nguyễn Quang A : Tôi cũng có câu hỏi như thế, và thực sự tôi không có thẩm quyền để trả lời thay cho các nhà chức trách. Nhưng tôi nghĩ rằng, họ chỉ có cách phải làm như vậy mà thôi. Bản thân về khả năng, về năng lực, tôi nghĩ rằng, trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam họ có kinh nghiệm, họ biết cách để ứng phó với trường hợp như vậy. Không nên đánh giá quá thấp năng lực của họ. Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, rất đáng tiếc là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa phải là một tổ chức độc lập. Quyết định nó ở đâu … trên Ngân hàng Nhà nước.

Và rất đáng tiếc là, những năm trước, tôi lấy ví dụ, không phải có một trường hợp mà đã có nhiều trường hợp, quy định của Ngân hàng Nhà nước rành rành là không được cho một tổ chức nào vay quá 15% vốn của Ngân hàng, nhưng có khi, (đối với việc cho) một tổng công ty, một tập đoàn (vay), người ta vẫn lệnh xuống cho phép làm như thế này, cho phép làm như thế kia…

Tôi nghĩ rằng, để cho tính thượng tôn pháp luật được nghiêm minh, thì chính Nhà nước, nhất là các quan chức cao cấp của Nhà nước lại càng phải tôn trọng pháp luật, thì lúc đó mới có thể chuyển biến được. Còn chính những người ấy mà lại nêu gương xấu, bằng cách mở đường cho việc vi phạm pháp luật, mà chính họ nêu ra, thì rất là nguy hiểm.

Không có nhận xét nào: