Tư lệnh hải quân Ấn Độ phát biểu hôm thứ Hai ngày 3/12 rằng sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc là một ‘vấn đề gây quan ngại lớn, rất lớn’.
Đô đốc D.K. Joshi cũng cam kết bảo vệ các lợi ích về dầu khí của Ấn Độ ở Biển Đông.
Vị đô đốc này trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ấn Độ có kế hoạch gì ở Biển Đông để bảo vệ lợi ích của họ và quan điểm về công cuộc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc.Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi, ông mô tả tiến trình nâng cấp hải quân của Trung Quốc là ‘thật sự ấn tượng’ và nói rằng Ấn Độ phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
‘Quan tâm rất lớn’
“Đây thật sự là một mối quan tâm lớn, rất lớn đối với chúng tôi mà hiện chúng tôi vẫn tiếp tục đánh giá để tìm ra các lựa chọn và chiến lược tương ứng,” ông nói.
Ấn Độ hiện có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động. Nước này cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái.
Họ cũng sắp nhận được chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai từ Nga cho đến năm 2013 và đang có kế hoạch tự đóng thêm một chiếc thứ ba.
Mặc dầu Bắc Kinh đã kêu gọi New Delhi đừng theo đuổi kế hoạch này vì ‘hòa bình và ổn định’, Joshi nói rằng hải quân Ấn Độ đã sẵn sàng hỗ trợ cho công ty năng lượng quốc gia ONGC và đã tiến hành một số cuộc tập trận để chuẩn bị.
"...khi cần thiết liên quan đến lợi ích quốc gia, chẳng hạn như liên quan đến ONGC Videsh thì chúng tôi sẽ có mặt ở đó và chúng tôi đã sẵn sàng."
Đô đốc D.K. Joshi
“ONGC Videsh (phân nhánh quốc tế của ONGC) có một số lợi ích trong một số lĩnh vực. Họ có các lô thăm dò dầu khí và vì đây là lợi ích của Ấn Độ nên hải quân chúng tôi, nếu cần, sẽ phải hỗ trợ,” ông nói.
“Dĩ nhiên chúng tôi cần có sự cho phép của chính phủ. Nhưng trong trường hợp cần thiết thì tôi chắc rằng chính phủ sẽ bật đèn xanh.”
“Không phải chúng tôi sẽ có mặt ở vùng biển đó (Biển Đông) rất, rất thường xuyên, nhưng khi cần thiết liên quan đến lợi ích quốc gia, chẳng hạn như liên quan đến ONGC Videsh thì chúng tôi sẽ có mặt ở đó và chúng tôi đã sẵn sàng.”
“Liệu chúng tôi có đang diễn tập vì mục đích đó hay không? Tôi trả lời ngắn gọn là ‘Có’,” ông nói thêm.
Theo Đô đốc Joshi thì các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trong khuôn khổ các điều ước quốc tế.
Khi được hỏi về phản ứng của Ấn Độ trước kế hoạch lục soát tàu thuyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Joshi nói Ấn Độ có quyền tự vệ.
‘Quan tâm tối thượng’
Các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ tập trung vào những tham vọng về lâu dài của Bắc Kinh hơn là việc nước này mới có được một chiếc hàng không mẫu hạm được đóng từ thời Liên Xô.
“Hải quân Trung Quốc có một chương trình đóng tàu được lên kế hoạch rất tốt và họ sẽ là một lực lượng hải quân đáng gờm,” nhà phân tích Uday Bhaskar ở New Delhi nhận định với hãng tin Pháp AFP.
Ông nói thêm rằng Bắc Kinh dự tính sẽ hạ thủy một số chiến hạm và tàu ngầm mới cho đến năm 2020.
Còn ông Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi nói với hãng tin Anh Reuters rằng tự do hàng hải trên Biển Đông là ‘quan tâm tối thượng’ của Ấn Độ vì phần lớn giao thương của nước này đều đi qua vùng biển này.
Tuy nhiên, phân tích gia này cũng cho rằng trọng tâm của hải quân Ấn Độ sẽ vẫn là Ấn Độ Dương mà nước này xem là ‘sân sau chiến lược’.
New Delhi cũng cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh xung quanh Ấn Độ Dương khi mà họ đã chi tiền vào các dự án cơ sơ hạ tầng lớn trong khu vực như các hải cảng ở Sri Lanka, Bangladesh và Miến Điện.
Theo một bản phúc trình của Lầu Năm Góc hồi tháng Năm, Bắc Kinh đang đổ tiền của vào các công nghệ phòng không, tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh và tên lửa chống hạm tối tân. Những công nghệ này có thể được sử dụng để ngăn không cho đối phương tiếp cận các khu vực chiến lược chẳng hạn như Biển Đông.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 18 kết thúc hồi tháng trước, Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư mãn nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và đặt ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một ‘cường quốc biển’.
Chiến sự ngắn ngủi từng nổ ra giữa biên giới Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1962 và hai nước vẫn còn những tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết.
Ước đoán trữ lượng dầu mỏ chưa khám phá ở Biển Đông vào khoảng 213 triệu thùng, Cục thông tin năng lượng Hoa Kỳ cho biết hồi năm 2008. Con số này vượt qua trữ lượng dầu mỏ đã được tìm thấy của bất cứ quốc gia nào trên thế giới ngoại trừ Ả Rập Saudi và Venezuela.
Hôm thứ Hai ngày 3/12, Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết họ đặt mục tiêu sản xuất 15 tỷ mét khối khí ở Biển Đông mỗi năm cho đến trước năm 2015. Họ nói rằng Biển Đông sẽ là ‘trụ cột’ trong kế hoạch khai thác khí đốt ngoài khơi của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét