Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Bất đồng chính kiến và xã hội cộng sản


Phong trào Công đoàn Đoàn kết
Công đoàn Đoàn kết vượt qua nhiều sóng gió ở Ba Lan

Tiếp tục loạt bài về di sản và xử lý di sản của chủ nghĩa cộng sản, BBC trân trọng giới thiệu khái lược với quý vị độc giả góc nhìn của nhà nghiên cứu từ Canada, Phó Giáo sư Barbara J. Falk, thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, Nga và Á-Âu, Đại học Toronto.

Bài viết tìm hiểu một số khía cạnh như quy mô và tính chất của bất đồng chính kiến trong xã hội cộng sản ở Trung và Đông Âu trước đây và đánh giá, xem xét kinh nghiệm hoạt động cũng như vai trò lịch sử của các nhà bất đồng ở các nước này trong thời kỳ hậu cộng sản. Sau đây là nội dung của bài.

Sau năm 1968, những hy vọng “cải tổ” đối với chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ và các hoạt động chuyển hướng về phía xã hội và nhà nước. Các trí thức như Adam Michnik và Jacek Kuroń ở Ba Lan, Václav Havel và Václav Benda ở Tiệp Khắc và János Kis và Miklós Haraszti ở Hungary đều thảo luận và viết về tầm quan trọng của tính tự tổ chức của xã hội, một dạng thức tiến hóa mới nhưng chưa phải là cải cách cấp tiến nhằm tạo ra không gian cho các hoạt động không bị Đảng cộng sản hoặc một trong các tổ chức chính thức ngoại vi của Đảng kiểm duyệt.
"Trong một hệ thống cộng sản được bó lại với nhau bằng keo dính của hệ tư tưởng, ở một mức độ nào đó, tất cả các công dân được yêu cầu phải "sống trong dối trá" và chấp nhận, cổ súy những gì được yêu cầu, bất kể là niềm tin thực sự hay chỉ để a dua"

Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc ra đời như một phản ứng trước vụ xét xử một nhóm nhạc rock ngầm hoạt động, nhóm ‘the Plastic People of the Universe’ tình cờ liên kết nhiều người với các quá khứ chính trị rất khác nhau nhưng đồng tâm phấn đấu vì một sự nghiệp chung. Sau khi Hiệp ước Helsinki được ký kết vào năm 1976, nhóm Hiến chương đã công khai buộc chính phủ Tiệp Khắc phải tôn trọng pháp luật. Các thành viên nhóm Hiến chương đại diện cho một nhóm đa dạng của những người Czech và Slovakia từng bước đề cập nhiều vấn đề về quyền con người. Ngay cả khi họ nhấn mạnh lập trường "chống chính trị" và không trực tiếp thách thức thế độc quyền của nhà nước đảng cộng sản, Hiến chương 77 trên thực tế đã làm chính điều đó.

Các nhà bất đồng chính kiến của Nga vốn đa phần có trình độ học vấn với nhiều khác biệt và tập trung ở đô thị, nổi tiếng nhất trong số đó là khoa học gia Andrei Sakharov, cũng lấy cảm hứng từ Hiệp ước Helsinki. Theo thời gian, những người bất đồng chính kiến Nga dần dần mở cánh cửa, xét lại lịch sử Xô-Viết, một hành động cực kỳ can đảm ở một đất nước đã hiện thực hóa cuộc cách mạng của nó thành một câu chuyện chính thức, bất khả chất vấn.

'Chính là thể chế'

Nhóm "bất đồng chính kiến" nổi tiếng nhất mà quy mô của nó quá lớn để gọi nó dưới cái tên này là ‘Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan.’ Công đoàn tự do, tự quản và độc lập này trưởng thành từ một loạt các cuộc đình công ở một nhà máy đóng tàu trên bờ biển Baltic của Ba Lan hồi tháng 8/1980. Tuy nhiên, Công đoàn Đoàn kết đã không bị rơi vào hư không. Cuối những năm 1970, một loạt tờ báo, tạp chí, bản tin độc lập đã được công bố và một trường đại học ngầm đã được thiết lập thành công (và trở thành mô hình cho những nỗ lực tương tự ở những nơi khác trong khu vực).
Cố Giáo Hoàng Jean Paul II và Walesa
Cuộc gặp lịch sử giữa cố Giáo hoàng Jean Paul II và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Walesa tại Gdansk 6/1987

Các tổ chức sinh viên và thậm chí tổ chức của nông dân độc lập đã liên kết tạo thành một phần của Công đoàn Đoàn kết. Tuy nhiên, Công đoàn Đoàn kết cũng gặp một số vấn đề như bị phân chia, còn có sự do dự, bị ảnh hưởng bởi một số chia tách về thế hệ và chính trị, và tinh thần của hoàn toàn dân chủ của nó đối lập với nhu cầu cần có lãnh đạo chiến lược tập trung. Thời gian hoạt động ngầm kéo dài sau thiết quân luật làm cho các thành viên tham gia bị mệt mỏi, với nhiều lãnh đạo của Công đoàn bị bỏ tù. Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền Ba Lan đã không có sự lựa chọn mà phải cư xử với Công đoàn như một tổ chức tái hợp pháp hóa trong bối cảnh kinh tế nghiêm trọng của đất nước, và cần đến sự chuẩn y và tham gia của nhiều tổ chức để thực hiện những cải cách triệt để. Như nhiều chính phủ trong khu vực bị buộc phải đàm phán do làn sóng gia tăng của phong trào quần chúng trong năm 1989, chính phủ Ba Lan vẫn nghĩ rằng họ có thể quản lý được một đối tác cấp dưới, nhưng các phong trào quần chúng rộng lớn trong xã hội vốn ủng hộ phe đối lập non trẻ đã quyết định tình hình khác đi.

Phạm trù "bất đồng chính kiến" đã và vẫn còn trong vòng tranh luận. Liệu các độc giả và các nhà sản xuất ra các ấn bản “samizdat” cũng là bất đồng chính kiến, hay chỉ những người đã viết các tài liệu này mới đóng một vai trò tích cực và công khai hơn? Liệu tiếp tục sử dụng thuật ngữ "bất đồng chính kiến" có hàm ý một quan hệ ngầm "chúng ta đối nghịch với họ" mà độc tài cộng sản vẫn áp dụng trong các kinh nghiệm của nó vốn là chỗ dung chứa cho những hành vi thích nghi đôi khí tới mức bệnh hoạn, hay nhiều khi là bàng quan cá nhân nhưng được ủng hộ công khai, cơ hội chủ nghĩa hay hoàn toàn trung thành với chế độ? Havel đã trào phúng về "bất đồng chính kiến" trong bài viết nổi tiếng của ông "Quyền lực của thảo dân” (Power of the powerless) khi ông mô tả người bất đồng chính kiến, và mở rộng ra, tới bản thân ông “như một phạm trù về công dân phụ bên ngoài thể chế quyền lực." Các nhà bất đồng chính kiến có thể được ca ngợi ở nước ngoài và nhận được các bình luận của giới nhà báo, đại sứ và hoạch định chính sách, nhưng họ thường bị coi là những cây bút và những kẻ bất tuân phục làm phức tạp hóa cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội cộng sản được bó lại với nhau bằng keo dính của hệ tư tưởng này, ở một mức độ nào đó, tất cả các công dân được yêu cầu phải "sống trong dối trá" và chấp nhận, cổ súy những gì được yêu cầu, bất kể là niềm tin thực sự hay chỉ để a dua. Bằng cách sống dối trá đó, như Havel đã nêu, "các cá nhân xác quyết thể chế, hoàn chỉnh thể chế, tạo lập thể chế, và chính là thể chế."

'Rắc rối lớn nhất'
"Rắc rối lớn nhất đối với Havel và những người khác là việc nhiều đồng nghiệp bất đồng chính kiến của họ vẫn tiếp tục một cuộc sống khác với sự dối trá, bằng cách tự báo cáo bí mật các hoạt động của mình cho cảnh sát chìm hay mật vụ"

Rắc rối lớn nhất đối với Havel và những người khác là việc nhiều đồng nghiệp bất đồng chính kiến của họ vẫn tiếp tục một cuộc sống khác với sự dối trá, bằng cách tự báo cáo bí mật các hoạt động của mình cho cảnh sát chìm hay mật vụ. Hành vi tốt nhất để chống lại điều khó tránh khỏi này là hoàn toàn minh bạch. Các tổ chức như Hiến chương 77 và Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan đã hoạt động hoàn toàn công khai, các nhà lãnh đạo và người phát ngôn của họ được công khai biết đến và công nhận. Tất cả các thông cáo và các ấn phẩm samizdat đều mang tên của họ. Trong chừng mực có thể, họ cố gắng hoạt động phù hợp với các chuẩn mực và giá trị mà họ ủng hộ, tiếp cận bằng sự đồng thuận, bằng công khai tranh luận và đưa ra các quan điểm khác nhau, đấu tranh cho các trình tự và tổng thể công bằng. Sự công khai trên thực tế là sách lược bảo hiểm tốt nhất của họ, trong khi bí hiểm, nước đôi có thể dẫn đến đặt điều, vu cáo hay bị tống tiền.

Tuy nhiên, vì sự theo dõi, kiểm duyệt và các mối đe dọa bắt giữ, tống giam tùy tiện của chính quyền luôn hiện diện, những người bất đồng chính kiến buộc phải rơi vào một thế giới của bất chắn và thông tin không đầy đủ. Các hoạt động của họ phụ thuộc vào một mức độ cao của tình bạn thân thiết và tin tưởng xã hội, nhưng điều này lại thường bị các tin đồn, nhỏ to, sự khác biệt chính trị, xung đột cá nhân và hành động khiêu khích có chủ ý làm xói mòn. Ngày nay chúng ta được biết qua nhiều tiết lộ và qua việc tiếp cận các hồ sơ mật vụ rằng một số người tham gia vào các phong trào bất đồng chính kiến đã báo cáo về hoạt động của những người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần lưu ý rằng hành vi "báo cáo" có sự khác biệt đáng kể: không phải tất cả những người cung cấp thông tin đều cung cấp cùng một loại hình hoặc cùng tính chất thông tin, nhiều người đã bị chính quyền, chế độ cũ đe dọa và bị đặt dưới các áp lực, cưỡng bức cá nhân, do đó tính trung thực tương đối của các tập hồ sơ sẽ còn tiếp tục được mở ra cho các cuộc tranh luận. Và một số khác thì cố chơi trò hai mặt, thường làm cho việc dán nhãn một cá nhân cụ thể như một nhà "bất đồng chính kiến" hoặc người "chỉ điểm"… trở nên quá phức tạp.

Giai đoạn Hậu 1989
Cựu độc tài Romania Ceaucescu
Nhà cựu độc tài Nicolais Ceaucescu nắm quyền ở Romania từ 3/1974 đến 12/1989

Giai đoạn hậu 1989, nhiều nhà bất đồng chính kiến thường được coi không hoàn toàn xác đáng là các anh hùng hay về mặt lịch sử, là các nhà quán quân trong một câu chuyện kể vĩ đại, trong đó cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là không thể tránh khỏi. Những người ăn mừng chiến thắng hậu chiến tranh lạnh cho rằng, mặc dù là thiểu số, những cá nhân tự hy sinh đứng lên, nói ra sự thật trước cường quyền, đã đóng góp một phần đáng khen ngợi và cần thiết trong thay đổi chế độ. Thực tế, tất nhiên phức tạp, lẫn lộn và khó tiên đoán hơn thế. Không có thời điểm nào mà bất kỳ các nhà bất đồng chính kiến hay những phong trào của họ cho thấy dân chủ hóa và tự do hóa trên quy mô lớn là có thể, hoặc rằng một kết thúc hòa bình cho cộng sản có thể xảy ra chỉ thông qua thương lượng.

Thật vậy, nhiều người đã bị những người biểu tình trẻ tuổi hay những thành viên cấp tiến cao độ chỉ trích rằng vào những thời điểm quan trọng trong năm 1989, họ đã không đi đủ xa hoặc không có hành động đủ nhanh. Nhưng thế hệ cũ của những người bất đồng chính kiến, dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử quốc gia vốn từng trải qua nhiều chu kỳ sóng gió và đàn áp, đã tỏ ra thận trọng hơn. Ngày 04/6/1989 là ngày cuộc bầu cử tự do đầu tiên giành chiến thắng áp đảo trong vùng của Công đoàn Đoàn kết, nhưng nó cũng là khởi đầu của cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Quảng trường Thiên An Môn. Và trong khi nhiều nỗ lực kiên trì đàm phán đã thu được những kết quả quan trọng và lâu dài, như các cuộc đàm phán ở Hội nghị Bàn tròn ở Hungary và Ba Lan, không phải tất cả các nhà lãnh đạo cộng sản đều sẵn sàng đồng ý một cách hòa bình để đi tới thùng rác của lịch sử. Nicolai Ceauşescu của Romania là một trường hợp điển hình.

'Vai trò lịch sử
"Nhiều nhà bất đồng chính kiến thường được lãng mạn hóa như các hình mẫu lý tưởng và cô đơn về lòng can đảm chính trị trên một đại dương mênh mông của sự cúi đầu tuân thủ"

Nhiều nhà bất đồng chính kiến thường được lãng mạn hóa như các hình mẫu lý tưởng và cô đơn về lòng can đảm chính trị trên một đại dương mênh mông của sự cúi đầu tuân thủ: một quan điểm đã không nhận được sự chấp nhận công khai hay trở nên nổi tiếng ngay lập tức trong thời kỳ hậu cộng sản. Bằng cách nào đó, chính sự tồn tại của điều này nhắc nhở những người khác rằng họ đã không có lập trường can đảm hoặc không chịu các rủi ro cá nhân: đã làm bất cứ điều gì phải làm để tồn tại, để thích ứng với thực tế thời buổi khi còn ít người cảm thấy đã được trao quyền lực để thách thức hay để nghĩ rằng có thể thay đổi. Nhiều người không phải là những siêu sao trí tuệ và các nhà hoạt động nổi tiếng nhất trong các phong trào đối lập đã bị lãng quên. Vai trò của các nhà bất đồng chính kiến trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn nhiều tranh luận. Các kỳ vọng của người tiêu dùng gia tăng, sự thất bại của nền kinh tế chỉ huy trì trệ, bế tắc tạo ra sự mọi mức độ nghiêm trọng để đi tới đổi mới hoặc cải cách, nhân tố "Gorbachev" và sự thiếu năng lực, vụng về của các nhà lãnh đạo mệt mỏi, tất cả đều có vai trò.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các quốc gia có các phong trào rộng rãi và hiệu quả hơn về bất đồng chính kiến và các nhà lãnh đạo bất đồng đã có những kinh nghiệm tốt hơn về quá trình chuyển đổi kinh tế, tự do hóa và dân chủ hóa nền chính trị trong hai thập kỷ đầu tiên của giai đoạn hậu cộng sản. Đồng thời, các nước này, đặc biệt là Ba Lan, Hungary, bây giờ là nước Đức thống nhất, Cộng hòa Czech và Slovakia, đều có ít nhất một phần kinh nghiệm lịch sử hay các ví dụ về quá trình dân chủ hóa vốn giúp cho họ kết nối sâu sắc hơn với các truyền thống trí tuệ, tri thức và chính trị châu Âu và góp phần giúp cho các nước này định vị tốt hơn trong quá trình đi tới thành công. Tuy nhiên, các kinh nghiệm cũng giúp cho các chính trị gia và các nhân vật công chúng trong tương lai với tư cách những nhà bất đồng chính kiến về sau phát triển được những "kỹ năng" để phụng sự đất nước của họ tốt nhất: Václav Havel đã trở thành Tổng thống của Tiệp Khắc và sau đó là của Cộng hòa Czech, hay Adam Michnik trở thành Tổng biên tập lâu năm của Gazeta Wyborcza, tờ báo được Ba Lan trọng vọng.

Tác giả Barbara J. Falk là Phó Giáo sư làm việc tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng, thuộc viện Canada Forces Colleage và Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, Nga và Á-Âu, thuộc Đại học Toronto. Bà có nhiều công trình nghiên cứu về các chủ đề từ chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế cho tới chính sách công ở châu Âu.

Barbara J. Falk
Phó Giáo sư Đại học Toronto
(BBC)

Không có nhận xét nào: