Pages

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Bốn người Hmong bị tù vì tội lật đổ



Các bị cáo tại tòa (ảnh của báo Lai Châu)
Các bị cáo bị nói muốn thành lập Nhà nước Hmong ở Mường Nhé
a Tòa án tỉnh Lai Châu vừa xử bốn người sắc tộc Hmong tổng cộng 19 năm tù vì tội hoạt động lật đổ chính quyền.
Trong phiên sơ thẩm được nói là công khai, diễn ra trong sáng thứ Tư 12/12, các bị cáo Tráng A Chớ (sinh năm 1985), Giàng A Lồng (1974), Lý A Di (1980) và Hầu A Giàng (1974), đã lãnh án từ 3 tới 7 năm tù giam.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Lai Châu nói vào tháng 7/2011, ông Tráng A Chớ bị Công an tỉnh Điện Biên truy nã về tội Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nên đã bỏ trốn đến huyện Sìn Hồ, giáp với Trung Quốc.
Ông Chớ bị án cao nhất 7 năm, những người còn lại đồng án 3 năm.
Ông bị cáo buộc đã "tuyên truyền cho nhiều đối tượng ở huyện Sìn Hồ" trong đó có các ông Giàng A Lồng, Lý A Di và Hầu A Giàng về "thành lập Nhà nước Hmong để thay thế Nhà nước Việt Nam".

Theo cáo trạng, dưới sự lãnh đạo của ông Tráng A Chớ, một nhóm hoạt động có tên là “Bảy cánh” đã được thành lập ở huyện Sìn Hồ.
Các bị cáo bị buộc tội đã tuyên truyền, rủ rê người khác tiến tới hoạt động vũ trang để cướp chính quyền hiện tại thành lập Nhà nước Hmong ở huyện Mường Nhé.
Ông Chớ bị nói đã soạn thảo tài liệu để thành lập tổ chức Nhà nước Hmong, trong đó có người đứng đầu Nhà nước, người cầm đầu lực lượng quân đội, công an, người quản lý tài liệu, người quản lý tài chính...

Thiếu hiểu biết

Với tội danh khá nghiêm trọng là Lật đổ, các bị cáo nói trên được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế và "thành tâm hối lỗi", theo báo Tin tức.
Mường Nhé là địa bàn từng xảy ra bất ổn sắc tộc hồi tháng Năm năm ngoái.
Trong vụ có sự tham gia của hàng nghìn người ở đây, tám người Hmong cũng đã bị phạt tù.
Cho đến tận bây giờ cũng chưa có bức tranh thật rõ ràng về những gì đã xảy ra trong một tuần từ 30/4 tới đầu tháng 5/2011 tại khu vực của người Hmong Mường Nhé.
Giới chức đã điều lực lượng tới giải tán đám đông người Hmong theo Tin Lành tụ tập tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để "đợi Chúa trời xuất hiện".
Lúc đó có cáo buộc hàng chục người thiệt mạng, nhưng chính quyền bác bỏ điều này và nói chỉ có hai trường hợp chết vì bệnh tật.
Vụ Mường Nhé 2011 thuộc loại nghiêm trọng nhất trong các vụ việc liên quan người dân tộc thiểu số, sau các đợt bạo động của người Thượng Tây Nguyên năm 2001 và 2004.

Không có nhận xét nào: