Pages

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Giấc mơ ‘hàng không mẫu hạm’ của Trung Quốc



Chính quyền và truyền thông Trung Quốc đề cao tầm quan trọng của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Các giới lãnh đạo kể cả Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào cùng những tướng lãnh cao cấp đều đã đến tham dự buổi lễ chính thức chuyển giao tàu Liêu Ninh cho hải quân hôm 25 tháng 9. (Hình: Getty Images via Xinhua)
BẮC KINH – Chiếc hàng không mẫu hạm Trung Quốc là chuyện dài thời sự đã được nói đến rất nhiều trong mấy năm gần đây.

Dư luận chê bai nói rằng nó chỉ là chiếc tàu cũ được tân trang với tất cả mọi sản phẩm đều sao chép, không có sáng tạo nguyên thủy của Trung Quốc. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Trung Quốc đã tiến rất nhanh và có đủ khả năng phát triển thành cường quốc hàng đầu từ lãnh vực kinh tế đến quân sự. Ðiều ấy dẫn đến nhiều lo ngại và hoài nghi về kế hoạch phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân, nằm trong ý đồ bành trướng của Trung Quốc.

Nhưng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên này trong thực tế hoàn toàn chưa thể đóng góp được gì thêm cho sức mạnh của Hải Quân Trung Quốc, ít nhất là trong tương lai gần. Với trình độ kỹ thuật hải quân còn phôi thai và ấu trĩ, mẫu hạm này chưa đủ là mối đe dọa mới cho thế giới hay các quốc gia trong khu vực. Giá trị chính xác nhất của nó, một mặt là bước dọ dẫm thử nghiệm và huấn luyện, mặt khác là phương tiện tuyên truyền đánh vào tâm lý người trong cũng như ngoài nước.
Tuần lễ vừa qua máy bay chiến đấu Trung Quốc đã cất cánh và hạ cánh thành công trên sân bay của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên mang tên là Liêu Ninh. Trung Quốc trước kia cũng đã từng mua lại hai hàng không mẫu hạm cũ của Nga và Australia, nhưng chỉ để nghiên cứu rồi sau đó dùng làm công viên giải trí, casino và khách sạn nổi phục vụ du lịch.
Từ một vỏ tàu phế thải
Nguyên thủy, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh do Liên Xô chế tạo và hạ thủy năm 1988 với tên là Varyag. Nhưng các công tác trang bị phương tiện hoạt động và hệ thống vũ khí trên tàu chưa xong thì đã phải ngừng lại khi chế độ cộng sản sụp đổ. Sau đó Nga không tiếp tục hoàn thành chiếc tàu và chuyển giao cho Ukraine với lý do công xưởng đóng tàu nằm trên đất Ukraine khi còn là nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết. Nhưng Ukraine cũng không có nhu cầu và ngân sách sử dụng nên chiếc tàu bị phế bỏ, gần hết trang bị máy móc được gỡ đi, còn lại hầu như chỉ có khung cùng vỏ tàu trơ trụi.
Năm 1998, Ukraine rao bán đấu giá cho nơi nào muốn mua làm sắt vụn và một công ty Trung Quốc đã mua được với dự án đem về làm một sòng bài/khách sạn nổi ở Macau.
Nhưng trong hơn hai năm, Varyag không ra khỏi được Hắc Hải vì Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận cho kéo một chiếc tàu lớn như vậy qua eo biển Bosphore, có thể gây nguy hiểm cho chiếc cầu bắc ngang giữa hai phần của thành phố Istanbul. Sau những vận động tích cực kể cả hứa hẹn của Trung Quốc sẽ mở cửa cho du khách dễ dàng đến Thổ Nhĩ Kỳ, tới cuối năm 2001 chiếc tàu mới được phép kéo đi qua eo biển vào Ðịa Trung Hải.
Tuy nhiên Ai Cập cũng không cho phép dùng kênh Suez và phải đi theo đường qua eo biển Gibraltar ra Ðại Tây Dương, vòng quanh Phi Châu sang Ấn Ðộ Dương đến Singapore rồi về Trung Quốc. Bảy thủy thủ trên tàu – 3 Nga, 3 Ukraine, 1 Philippines – trải qua nhiều gian nan như có lúc gặp gió mạnh sút dây kéo, tàu trôi dạt hơn ba ngày trên biển, cuối cùng các tàu kéo thuê của Hòa Lan đi với vận tốc trung bình 10 km/giờ trên hải trình dài 30,000 km trong 3 tháng đưa Varyag về tới quân cảng Ðại Liên tỉnh Liêu Ninh miền Bắc Trung Quốc. Chi phí để có được chiếc vỏ hàng không mẫu hạm vào khoảng hơn $30 triệu bao gồm $25 triệu trả cho Ukraine, $50,000 cho công ty tàu kéo Hòa Lan và $50,000 lộ phí.
Không phải một Casino
Tới đó người ta nhận ra rằng Trung Quốc không có ý định làm một sòng bài/khách sạn nổi như giải thích ban đầu. Sau ba năm neo ở bến cảng Ðại Liên, giữa năm 2005, Varyag được đưa lên ụ cạn. Mặc dầu dư luận có dự đoán và vệ tinh vẫn chụp hình, nhưng công việc tân trang chiếc tàu hoàn toàn được giữ bí mật, cho đến tháng 6 năm 2011 lần đầu tiên Tướng Trần Bỉnh Ðức, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc mới chính thức xác nhận đã hoàn thành một chiếc hàng không mẫu hạm.
Chiếc tàu làm mới toàn bộ được hạ thủy sau đó và trong một năm từ tháng 8 năm 2011 đã chạy thử ra biển gần 10 lần. Ngày 25 tháng 9 năm 2012 chiếc hàng không mẫu hạm được chính thức giao cho Hải Quân Trung Quốc và đổi tên thành Liêu Ninh. Hai tháng sau, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm cho máy bay chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên sân bay của tàu.
Liêu Ninh nguyên thủy là một tuần dương hạm chở máy bay (theo quan niệm của Nga) thuộc thế hệ tàu Kuznetsov do Liên Xô chế tạo trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải Quân Nga. Tàu có chiều dài 305 mét, chiều rộng 37 mét, lượng giãn nước 58,500 tấn, tầm hoạt động 6,000 km khi chạy với vận tốc tối đa 29 gút (hải lý/giờ hay 54 km/giờ) hoặc 13,000 km với vận tốc hải hành 18 gút.
Sau những công tác làm mới lại của Trung Quốc, chưa rõ những chi tiết về tính năng kỹ thuật và trang bị của tàu Liêu Ninh, nhưng được biết trọng tải tăng lên tới 67,500 tấn.
Ðể so sánh, 10 hàng không mẫu hạm hiện dịch của Hoa Kỳ thuộc hạng Nimitz có chiều dài 333 mét, trọng tải 100,000 tấn, vận tốc 30 gút thủy thủ đoàn 6,000 người, dùng năng lượng nguyên tử nên tầm hoạt động là vô giới hạn.
Thử nghiệm máy bay
Loại máy bay mà Trung Quốc mới thử nghiệm trên tàu Liêu Ninh là Shenjiang J-15 “Cá Mập Bay” do xí nghiệp hàng không Thẩm Dương chế tạo, được coi là sao bản chiếc máy bay chiến đấu Su-33 của Nga. Biện minh việc này, bản tin ngày 27 tháng 11 của Tân Hoa Xã viết: “Mặc dầu bề ngoài J-15 rất giống Su-33 nhưng lập luận vội vã ấy của truyền thông ngoại quốc là thiếu cơ sở và khó tính. Ðùng nên đánh giá thấp khả năng kỹ thuật quốc phòng của Trung Quốc. Trong lịch sử, nhân loại phải học hỏi lẫn nhau, mượn tư tưởng và kinh nghiệm của nhau để dùng những lợi thế ấy phát triển kỹ thuật riêng của mình. Quân đội Trung Quốc dựa rất nhiều vào các loại khí tài quân sự nhập cảng từ Nga, nhưng máy bay J-15 là kết quả của những nỗ lực riêng để phát triển về động cơ, phi cụ, bộ phận điện tử, hệ thống vũ khí và những cơ phận chủ yếu khác.”
Trung Quốc đã ký hợp đồng $2.5 tỷ với công ty xuất cảng vũ khí Nga để mua 50 chiếc Su-33, chiến đấu cơ chuyên dụng trên hàng không mẫu hạm. Nhưng hợp đồng này bị hủy bỏ khi hai bên không thỏa thuận về điều kiện giao hàng. Phía Nga nói rằng Trung Quốc muốn nhận được một chiếc đầu tiên rồi sau đó giao dần dần, nhưng Nga đòi hỏi chỉ giao luôn một lần khi đã sản xuất đủ vì sợ là Trung Quốc sẽ theo mẫu để tự chế tạo và tìm cách hủy hợp đồng.
Trung Quốc sau đó mua được của Ukraine một chiếc Su-33 chưa hoàn thành và dựa theo đó làm J-15, bay lần đầu năm 2009. Các hãng tin quốc tế nói J-15 dùng động cơ do Nga sản xuất, nhưng có thể chỉ trong giai đoạn đầu tiên, và Tân Hoa Xã khẳng định rằng J-15 hoàn toàn là sản phẩm của Trung Quốc.
Người ta không biết rõ những đặc tính kỹ thuật của J-15 nhưng căn cứ theo Su-33 thì máy bay này chắc chắn có một số những nhược điểm khi sử dụng. Hải Quân Nga đã quyết định thay thế Su-33 bằng MiG-29 và Hải Quân Ấn Ðộ cũng đã đặt mua MiG-29 thay vì Su-33 cho hàng không mẫu hạm của nước họ.
J-15 nặng khoảng 20 tấn khi cất cánh, sẽ không còn nhiều tải trọng để mang theo vũ khí. Tàu Liêu Ninh không trang bị hệ thống máy phóng như các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ mà dùng đường băng uốn cong lên như đường nhảy trong môn thể thao trượt tuyết (ski jump), theo kiểu của Nga và Anh. Vì vậy máy bay khi cất cánh chỉ nhờ vào sức đẩy của động cơ phản lực và nếu máy bay quá nặng sẽ không thể bay lên được.
Theo loan báo của Trung Quốc, J-15 là máy bay chiến đấu đa năng, nghĩa là vừa có khả năng không chiến chống máy bay địch vừa dùng làm máy bay oanh kích chống chiến hạm hay mục tiêu trên đất liền. Sẽ có nhiều hạn chế không thể cùng lúc mang đầy đủ hỏa tiễn bình phi C-602 chống chiến hạm, hỏa tiễn không-không và các loại bom đạn khác.
Chưa đủ giá trị quân sự
Ðiều duy nhất mà Trung Quốc có thể tự hào cho đến bây giờ là với tàu Liêu Ninh, Hải Quân Trung Quốc đứng vào hàng các quốc gia có hàng không mẫu hạm, tư tưởng được nuôi dưỡng từ thời Mao Trạch Ðông. Nhưng ngoài Hoa Kỳ đang có 10 siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử hiện dịch, 9 quốc gia khác – Anh, Pháp, Nga, Ý, Ấn Ðộ, Tây Ban Nha, Brazil, Thái Lan, Trung Quốc – đều chỉ có một.
Một hàng không mẫu hạm chỉ có thể hoạt động trong một hải đội với nhiều chiến hạm hộ tống và tiếp liệu; ít nhất 2 năm nữa Trung Quốc mới có thể tổ chức đầy đủ một hải đội như thế chưa kể khả năng nhân sự để tác chiến.
Theo các nguồn tin quân sự quốc tế, Trung Quốc đang chuẩn bị đóng một hàng không mẫu hạm thứ nhì và nếu có sẽ chỉ bắt đầu hoạt động được vào năm 2015. Trong quan niệm về hải quân, giữa hai chủ trương phát triển hàng không mẫu hạm hay phát triển những chiến hạm nhỏ hơn và tàu ngầm, vẫn luôn luôn là đề tài tranh luận. Một hàng không mẫu hạm rất tốn kém về sản xuất, nhân sự, chi phí điều hành hoạt động. Nếu theo chủ trương phát triển hàng không mẫu hạm thì phải nhiều năm nữa, có thể là 2020, Trung Quốc mới có được ít nhất là 3 hàng không mẫu hạm để trở thành một lực lượng đủ giá trị chiến đấu.
Hàng không mẫu hạm là loại vũ khí dùng trong chiến tranh trên các đại dương, Những khu vực như Biển Ðông không phải là nơi để Trung Quốc đưa hàng không mẫu hạm đến sử dụng vì nếu cần tới không lực, có thể dùng máy bay đặt căn cứ trên lục địa. Hơn nữa hàng không mẫu hạm hoạt động gần đất liền sẽ rất nguy hiểm vì có thể dễ dàng tổn thất hay bị đánh đắm bởi hỏa tiễn, những chiến hạm nhỏ hay tàu ngầm. Cuối cùng, niềm tự hào của Trung Quốc về chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đầu tiên, đồng thời cũng chính là sự hạn chế về khả năng sử dụng, vì nếu để mất chiếc tàu này sẽ là một tổn hại tâm lý quá nặng nề với họ. (HC)
Hà Tường Cát/Người Việt

Không có nhận xét nào: