Pages

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Lo ngại về kho vũ khí Bắc Triều Tiên gia tăng sau vụ phóng tên lửa

Bình Nhưỡng từng dọa là đã sở hữu hỏa tiễn liên lục địa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Tuyên bố này thường bị cho là huênh hoang.
Thế nhưng vụ Bắc Triều Tiên phóng được một tên lửa vào 12/12/2012, và có nhiều dấu hiệu cho thấy là thành công, đã làm gia tăng mối lo ngại về kho vũ khí của Bình Nhưỡng, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, tạo ra một mối đe dọa quân sự thực sự đối với Hoa Kỳ.
Đối với các nhà phân tích, thành công của vụ mà Bắc Triều Tiên gọi là « phóng vệ tinh dân sự » lên quỹ đạo vào hôm nay, chứng tỏ là nước này đã làm chủ được năng lực bắn đi các hỏa tiễn đạn đạo một cách chính xác. 



Nếu thành công này được kiểm chứng thì đó sẽ là một dấu mốc quan trọng trong kỹ thuật quân sự của Bắc Triều Tiên. 
Theo ông James Schoff, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Mỹ, sự kiện vừa diễn ra chắc chắn sẽ buộc mọi người phải tin vào những gì Bắc Triều Tiên nói ra họ tuyên bố là đã có loại tên lửa có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Một thử nghiệm thành công như thế này khó có thể bị xem thường ». 
Vào đầu tháng Mười vừa qua, Bình Nhưỡng cho biết là đã sở hữu được loại tên lửa chiến lược, có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. 
Vào lúc ấy, các tuyên bố này còn bị coi là một sự phô trương trống rỗng.
Thế nhưng vào hôm nay, nhiều người không còn suy nghĩ như vậy nữa. 
Theo Giáo sư Masao Okonogi, trường Đại học Keio tại Nhật Bản, vụ phóng tên lửa vừa rồi sẽ buộc Hoa Kỳ đặt Bắc Triều Tiên lên hàng ưu tiên số một đối với nền an ninh quốc gia của Mỹ. 
Ông gải thích : « Đặt được một vệ tinh vào quỹ đạo có nghĩa là bạn có công nghệ cần thiết để bắn một đầu đạn hạt nhân đến một vị trí mong muốn ». 
Theo chuyên gia này, Bắc Triều Tiên hiện đã trở thành là một mối đe dọa, không chỉ cho các nước láng giềng, mà còn là một nguy cơ thực sự đối với Hoa Kỳ… 
Câu hỏi đặt ra là liệu ‘vệ tinh’ đã được đặt vào đúng quỹ đạo dự trù, hay là bị chệch đi nơi khác. » 
Mối lo ngại của các chuyên gia xuất phát từ sự kiện Bình Nhưỡng hiện được cho là đã sở hữu bom nguyên tử.
Nếu họ cài đặt được đầu đạn nguyên tử lên trên các tên lửa tầm xa như vừa được sử dụng, thì nguy cơ sẽ rất cao. 
Về vấn đề này, một số chuyên gia vẫn lạc quan, cho rằng Bắc Triều Tiên còn lâu mới đủ khả năng chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Đối với các chuyên gia này, thu gọn một quả bom thành đầu đạn nguyên tử có thể gắn lên một tên lửa đạn đạo là một công việc khó khăn rất lớn về kỹ thuật. 
Đó là chưa kể đến kỹ thuật bắn được đầu đạn này đến vị trí mong muốn. 
Theo ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Hawaii : « Có được một tên lửa có khả năng bắn tới Hawaii là một chuyện, nhưng bắn được chính xác vào một mục tiêu mong muốn lại là một chuyện khác ». 
Nguyên là một đại tá Không quân Mỹ, ông Cossa giải thích thêm : « Điều đó có nghĩa là tên lửa Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể vươn ra Thái Bình Dương, nhưng khó có thể đạt tới một mục tiêu cụ thể ».
Tuy vậy, chuyên gia Mỹ này vẫn thận trọng, cho rằng cần phải chú ý theo dõi vì Bắc Triều Tiên có khả năng cải thiện ký thuật rất nhanh. 
Đó cũng là nhận định của ông Ham Hyeong-pil, chuyên gia Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc khi nói về khả năng Bình Nhưỡng sẽ nhanh chóng phát triển kỹ thuật để thu nhỏ đầu đạn nguyên tử và định hướng tên lửa một cách chính xác : « Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ không mất nhiều thời gian để làm chủ hai công nghệ này sau khi giải quyết xong một số vấn đề kỹ thuật và thực hiện thêm hai hoặc ba cuộc thử nghiệm khác. » 
Mối lo ngại của các nhà phân tích lại càng cao vì trong quá khứ giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nhiều lần hành động một cách hung bạo, bất kể búa rìu công luận quốc tế.
Gần đây nhất là hai vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong ở miền Nam, cách nay hơn hơn hai năm, hay là vụ đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 03 năm 2010.
Trọng Nghĩa ,RFI

Không có nhận xét nào: