Trần Xuân Thế (Danlambao) - Tôi là một thanh niên sống và lớn lên tại Việt Nam, có ra nước ngoài du học 6 năm rồi trở về trong nước làm việc, sinh sống. Thời gian sống ở nước ngoài, tôi đã tận mắt nhìn thấy sự khác biệt giữa Xã hội Dân chủ Tự do và Xã hội Chủ nghĩa Cộng Sản, tôi muốn đưa lên một vấn đề mà tôi cho là “nghịch lý của cuộc đời trong XHCN”.
Trong sự việc hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị công an bắt giam với cáo buộc về tội “tuyên truyền lật đổ chế độ…” - một tội danh khiến tôi bức xúc rất nhiều. Hai bạn trẻ đều là những sinh viên nhiệt huyết, việc làm của các bạn đều xuất từ lòng yêu nước trước hiểm họa đất nước đang lâm nguy. Ở đây cũng xin được nói thêm, Đinh Nguyên Kha là sinh viên chứ không phải công nhân như những gì được loan truyền của công an nhà nước.
Vụ việc tạo nên làn sóng bất bình trong xã hội chúng ta đang sống, khiến nhiều tầng lớp đã lên tiếng. Từ một sinh viên cũng tạm gọi là trí thức mới bước vào đại học đến các bậc trí thức từng trải qua bao biến động cuộc đời thuộc hàng cha ông đều lên tiếng vì hai chữ công đạo.
Trong nước thì công an tỉnh Long An, TP HCM, họp báo áp đảo những tinh thần yêu nước trong sáng, nói lên lòng quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược bảo vệ tổ quốc. Họ nói lên ước vọng được hít thở không khí tự do an bình, bớt ngột ngạt của cảnh công an rình mò vào máy vi tính tìm dò tài liệu “phản động”... Tất cả những đòi hỏi hữu ích đó của từng lớp sinh viên thanh niên đều bị công an nhà nước CS đàn áp không nương tay.
Một sự đàn áp tệ hơn nữa đối với sinh viên Nguyễn Thiện Thành, một thành viên của Tuổi Trẻ Yêu Nước. Anh bị truyền hình 'lề Đảng' của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa với cô xướng ngôn viên mặc quân phục công an đeo lon đỏ trên vai, mặt mày sáng sủa nhưng lời “xướng ngôn” không sáng sủa chút nào, dùng lời lẽ nhục mạ Sinh Viên Nguyễn Thiện Thành mấy ngày đêm liên tục trên đài truyền hình Long An - nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Thiện Thành.
Đọc trên báo Công An Nhân Dân thì thấy một lệnh truy nã Nguyễn Thiện Thành với tấm hình bị cạo sửa cho ra vẻ mặt của một “tội phạm”. Trời ơi, nhìn mặt Nguyễn Thiện Thành trên báo công an và Nguyễn Thiện Thành trong thẻ sinh viên sao mà khác nhau nhiều đến thế! Cần gì công an nhà nước phải làm thế nhỉ, tại sao một chính quyền to phình ra đó lại hành nghề công an tồi bại không cần thiết như thế! Sửa cạo hình ảnh để đăng lên báo có tăng thêm chức năng và vai trò của công an nhân dân không nhỉ, hay chỉ là nói lên sự thấp kém một chế độ...?!
Xin mời vào link này để xem: http://catphcm.bocongan.gov.vn/truyna
Nhiều câu hỏi đến với tôi trong tấm hình này, đè nén đau xót tận cùng khi tôi làm một công dân dưới chế độ tôi đang “được” lãnh đạo... Lãnh đạo làm những việc “phi lãnh đạo” kể cả vấn đề đạo đức... (Xin độc giả xem hình Nguyễn Thiện Thành trên link và hình trên thẻ sinh viên ở dưới để hiểu lời viết của tôi...)
Xã hội nước ta hôm nay triệu người đã nhận thức ra rằng “điều luật 88...” là một điều giả dối lỗi thời, luật pháp mơ hồ không rõ ràng để dễ chụp mũ những ai không chịu “cúi đầu” thuần phục chế độ. Sinh Viên Nguyễn Thiện Thành là một trong những trường hợp đó.
Thử hỏi Nguyễn Thiện Thành có tội gì khi chống Trung Quốc xâm lược bảo vệ tổ quốc và chống tham nhũng độc tài để mong đem công bằng cho xã hộ. Những cái đó người có tư cách, có suy nghĩ, những ai tự cho mình là công dân nước Việt Nam đều mong muốn điều đó. Như vậy Nguyễn Thiện Thành là một thanh niên dám nói lên điều đó và đó là thanh niên yêu nước. Nhà nước nào bắt tù những người có ước vọng như sinh viên Nguyễn Thiện Thành thì sẽ tự mình đánh mất tư cách đại diện Việt Nam. Vì Việt Nam là một dân tộc anh hùng từng đánh đuổi ngoại xâm bao đời để bảo vệ tổ quốc.
Một nghịch lý cuộc đời trong XHCN mà tôi muốn nêu ra ở đây là một bài viết “đánh mất linh hồn” của người viết khi cho rằng “sinh viên Nguyễn Thiện Thành là điệp viên công an” cài vào tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước để bắt những người tham gia Tuổi Trẻ Yêu Nước, bài đã đăng trên bloger “Đảng Làm Báo” và người viết là “Câu lạc bộ kháng chiến (CLBKC)”….
Đồng ý rằng trong những trang blog của Internet tự do, sự tôn trọng khác biệt để thăng tiến, nhưng sự chụp mũ “thiếu lương tri” như bài viết của tác giả với bút danh CLBKC đăng trên blog “Đảng Làm Báo” tạo nên một xã hội vốn bát nháo trở thành bát nháo hơn, trật tự bị đảo lộn, lòng người vốn ly tán bây giờ lại nghi ngờ hơn. Khi viết một dòng hoặc một đoạn đối với cá nhân người khác, nhất là đối với người có những hành động liên quan đến công việc chung, về quê hương dân tộc thì cần thận trọng. Bài viết về sinh viên Nguyễn Thiện Thành là “điệp viên công an”, bất cứ ai đọc cũng thừa hiểu mục đích bài viết là dùng xảo thuật để hù doạ những sinh viên trong nước không tin vào Tuổi Trẻ Yêu Nước vì tổ chức đó có “điệp viên công an” xâm nhập, coi chừng! Hoặc cũng để hù doạ các bạn trẻ sợ không dám tham gia vào TTYN, thế là cứ ở nhà đắp chăn nằm ngủ để cho chế độ XHCN được tồn tại lâu dài tiếp tục tham những làm giàu to hơn nữa. Họ không muốn có bất kỳ một phản kháng nào cả, vì sợ tiếng chuông đánh thức sự an nguy của chế độ.
Một Nguyễn Thiện Thành bị công an nhà nước ra lệnh truy tố, một Nguyễn Thiện Thành bị công an tỉnh Long An và cả nước đưa ra nhục mạ và gia đình bị xách nhiễu đến tận cùng mạt vận, một Nguyễn Thiện Thành đang chạy trốn khỏi đất nước để không bị nhục hình, tù đày tra tấn... Một Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 15/11/1989 như thẻ sinh viên và giấy khai sinh có hình chụp dưới đây làm sao đi so sánh với Nguyễn Thiện Thành cạo sửa hình ảnh trong báo Công An Nhân Dân, và trong ngòi bút “thiếu lương tri” khi bày ra trò một Nguyễn Thiện Thành sinh năm 1985.
(Thẻ sinh viên và giấy khai sinh của Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 15/11/1989)
Một Nguyễn Thiện Thành 23 tuổi đang sống xa nhà tại Thái Lan, ngày đêm lo sợ vì tình cảnh đang bị truy nã của mình. Được biết, anh đang tị nạn ở Bangkok, với giấy tờ chứng minh dưới đây của Cao ủy tị nạn LHQ. Vậy mà bài viết của CLBKC cho rằng Nguyễn Thiện Thành đang ở“chỗ an toàn đó chính là trụ sở công an quận Bình Thạnh”. Hay thật, trụ sở công an Quận Bình Thạnh bây giờ thành trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan!? Không biết CLBKC có đề cao công an quá mức không nhỉ!
(Thẻ tị nạn của UNHCR cấp cho Nguyễn Thiện Thành sinh 11/15/1989)
Một Nguyễn Thiện Thành đang tuổi cắp sách đến trường, nhận thức được hoàn cảnh xã hội bất công áp bức, tổ quốc đang bị Trung Cộng xâm lược giết hại ngư dân nên cùng với Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình trong tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước dùng internet, truyền đơn, âm nhạc để bày tỏ những bức xúc, ưu tư của mình. May thay, Thiện Thành đã nhanh chân chạy thoát được đến nơi an toàn, còn Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang lại bị tù 6 và 4 năm, lại thêm 2 năm quản chế sau khi hết hạn tù. Nay sống xa nhà, gặp khó khăn trăm bề nơi xứ lạ quê người mà vẫn tiếp tục lý tưởng thì đáng phục cho Tuổi Trẻ Yêu Nước.
Đáng ra tôi muốn viết bài này từ lâu để nói lên công đạo cho xã hội tôi đang sống và làm việc, nhưng mãi hôm nay tôi mới có thì giờ tìm ra một số bằng chứng để chứng minh cho bài viết của mình. Là người có chí hướng, dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng tiếp tục đấu tranh cho quê hương dân tộc. Tôi tin tưởng rằng Nguyễn Thiện Thành là một thanh niên yêu nước và có chí hướng.
Xã hội này là một xã hội giả dối, như người dân trong nước đã am tường rằng “cán bộ biết mình nói dối mà vẫn nói, và người dân biết nghe dối mà phải nghe”, nhưng tôi tin tưởng sự thật có thể thắp sáng quả địa cầu nên tôi muốn viết lên những lời công đạo đối với sinh viên Nguyễn Thiện Thành, mặc dù tôi không quen Nguyễn Thiện Thành và chưa từng gặp Tuổi Trẻ Yêu Nước. Tôi viết với tinh thần yêu chuộng sự thật và bảo vệ lẽ phải của một công dân mạng.
Xin trích một đoạn trên cộng đồng mạng để chấm dứt bài viết này: “Bạn không cần phải trở thành một nhà khoa học để khám phá ra những bài học đúng đắn. Cuộc sống sẽ bắt bạn học những bài học làm người quan trọng bất kể bạn sống ra sao. Nhưng bạn có thể đạt được những tiến bộ thần tốc nếu tỉnh táo truy tìm sự thật và chủ động gạt bỏ đời mình khỏi dối trá và phủ nhận”...
Xin chào mọi công dân trên cộng đồng mạng internet. Và nếu báo lề đảng có đăng thì xin mời...
Việt Nam ngày 27/12/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét