Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Trung Quốc tăng thêm các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ



Tháng tới, nhà chức trách đảo Hải Nam sẽ bắt đầu lục soát và lên tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
William Ide
 VOA
Từ lâu Trung Quốc đã có những tranh chấp về lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng châu Á, tuy nhiên trong năm qua, những căng thẳng về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và Nam Trung Hoa đã gia tăng đáng kể. Bắc Kinh sử dụng mọi phương tiện, từ việc thành lập một thành phố mới tại Biển Nam Trung Hoa cho đến những bản tin tức về thời tiết để đưa ra lập trường quả quyết hơn.Là một cường quốc vùng biển đang lên, Trung Quốc đang sử dụng một loạt các biện pháp rộng rãi để gia tăng việc công bố chủ quyền.Vào tháng 7 năm nay, Bắc Kinh thành lập một thành phố mới và một đơn vị quân đội mới trên đảo Nam Sa, nới rộng lãnh thổ thêm nữa vào Biển Nam Trung Hoa. Tháng tới, nhà chức trách đảo Hải Nam sẽ bắt đầu lục soát và lên tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Một số người nói rằng việc này làm tăng thêm căng thẳng vốn đã lên cao. Tuy nhiên bà Chương Cơ Ngoa, một nhà phân tích về an ninh châu Á Thái Bình Dương nói các hành động này là nhằm bảo vệ các quyền của Trung Quốc nhiều hơn muốn chứng tỏ họ có một lập trường gây hấn thêm:
“Có sự thiếu sót về những điều khoản rõ ràng để thi hành, hay những căn bản pháp lý về những vấn đề liên hệ đến việc quản lý hành chính trên biển tại Trung Quốc, chẳng hạn như tại Tây Sa hay Trung Sa nếu như Philippines hay Việt Nam xâm phạm quyền của các ngư dân hay nếu họ khoan tìm dầu khí thì Trung Quốc sẽ đối phó bằng biện pháp nào? Hiện nay chúng tôi đã có những điều khoản qui định việc này.”
Khi tranh chấp với Nhật Bản về một nhóm đảo tại biển Đông Trung Hoa bùng nổ vào tháng 9 năm nay, mọi người đã đi biểu tình và chính phủ đưa ra những biện pháp để xác nhận chủ quyền, từ việc nạp tài liệu chứng minh chủ quyền lên Liên Hiệp Quốc cho đến loan báo tin thời tiết cho những nhóm đảo không người ở.
Luận điệu gay gắt này trái ngược hẳn với lập trường của Trung Quốc trong những năm 1990, bấy giờ Trung Quốc muốn thương thuyết và tương nhượng nhiều hơn, theo như nhà phân tích về an ninh Trung Quốc Bonnie Glaser:
“Tôi nghĩ ngày nay Bắc Kinh đang sử dụng cây gậy thêm vào cho củ cà rốt, dạy cho các nước láng giềng những bài học đối xử không đúng đắn và họ cảm thấy là họ có thể dung thứ một mức độ căng thẳng và va chạm nào đó với các nước láng giềng trong một khoảng thời gian.”
Khuynh hướng này được phản ánh trong công chúng Trung Quốc và nhiều người dân cũng muốn biểu lộ sự ủng hộ của họ đối với việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Ông Từ, một cư dân Bắc Kinh nói:
“Biểu ngữ này nói là “Bảo vệ và Giữ Gìn nhóm đảo Điếu Ngư, Không từ bỏ một tấc đất nào, Nếu đất nước cần tôi trở thành một người lính, tôi sẽ đi.”
Bà Chương Cơ Ngoa thuộc Viện Khoa học Xã hội nói:
“Vào lúc nhận thức của người dân gia tăng và lợi tức khá hơn, người dân càng ngày càng yêu nước hơn và để ý đến những vấn đề của quốc gia hơn. Tuy nhiên việc này nhiều lúc cũng dẫn đến những bất bình của công chúng về những vấn đề xã hội và chính trị, và có thể dẫn đến những chỉ trích và những áp lực ngày càng tăng đối với chính phủ.”
Các nhà phân tích nói nếu Trung Quốc không giải quyết tốt những tranh chấp lãnh thổ, không những Bắc Kinh có thể gặp những khó khăn trong vùng nhưng ngay cả ở trong nước nữa.

Không có nhận xét nào: