Pages

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Vụ thu hồi đất tại Đông Triều (Quảng Ninh): Dân kêu giá đền bù rẻ như bèo


TT – Dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Kim Sơn (xã Kim Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đến nay vẫn còn gần 60 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, giao đất với lý do chính quyền huyện và nhà đầu tư áp giá đền bù quá thấp.
Đây là mảnh đất thuộc diện thu hồi – Ảnh: Thân Hoàng
Ngày 22-12, hàng chục hộ dân xã Kim Sơn có mặt tại nhà ông Nguyễn Đức Hùng (66 tuổi, thôn Kim Sen, xã Kim Sơn) để tiếp tục soạn đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng về việc chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi gần 42ha đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị nhưng áp giá đền bù rẻ như bèo. Nhiều người dân khác vẫn tập trung ở đầu làng, lập lán trại phản đối việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất.

“1m2 đất chỉ bằng bát phở”
Ông Hùng cho biết gia đình ông nằm trong danh sách những hộ bị thu hồi đất nhiều nhất. Từ năm 1993 gia đình ông được chia khoảng 3.600m2 đất nông nghiệp.
Từ năm 2005-2008 UBND huyện Đông Triều có quyết định thu hồi khoảng 600m2 đất cho các dự án xây dựng của Công ty Hoàng Hà, Công ty Vĩnh Thắng. Năm 2009 UBND huyện Đông Triều tiếp tục có quyết định thu hồi 2.143,7m2 đất của gia đình ông giao cho Công ty TNHH Thành Tâm 668 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu đô thị Kim Sơn.
“Cả nhà tôi năm, sáu miệng ăn từ mấy chục năm nay đều sinh sống bằng nghề làm ruộng. Bây giờ sau ba lần thu hồi chỉ còn lại ba sào ruộng (khoảng 1.080m2 – PV) để canh tác thì gạo ăn cũng không đủ” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, bức xúc lớn nhất của những người dân bị thu hồi đất là việc chính quyền huyện và chủ đầu tư áp giá đền bù quá thấp. “Họ tính giá đền bù chỉ có 38.000 đồng/m2 đất.Thêm tất cả các khoản đền bù hoa màu, hỗ trợ việc làm… là 47 triệu đồng/sào ruộng. Tổng tiền đền bù hơn 2.000m2 đất nhà tôi bị thu hồi là 298 triệu đồng. Số tiền này chỉ bằng sản lượng thóc chúng tôi cấy lúa trên diện tích đất đó vài ba năm. Và cũng với số tiền ấy thì chỉ đủ nuôi sống gia đình tôi vài ba năm, thử hỏi tiếp sau đấy chúng tôi mưu sinh như thế nào?” – ông Hùng băn khoăn.
Bà Mạc Thị Thức (thôn Kim Sen, xã Kim Sơn) cho biết gia đình có 400m2 đất bị thu hồi 100%. Trước đây, một năm trồng hai vụ lúa trên diện tích đất này với sản lượng 3-4 tạ thóc/sào, gia đình bà không phải đong gạo ăn.
Thế nhưng từ khi UBND huyện có quyết định thu hồi, chủ đầu tư đổ đất khoanh vùng thì đã năm mùa vụ ruộng của gia đình bà bị bỏ hoang. “Trước đây chỉ cần làm ruộng thôi cũng không bao giờ đói ăn. Năm vụ vừa rồi đất bị bỏ hoang, lương của chồng tôi làm thợ xây cũng chẳng đủ tiền đong gạo. Bây giờ tổng cộng số tiền đền bù cũng chỉ hơn 61 triệu đồng, mất đất rồi gia đình tôi không biết sống thế nào” – bà Thức phân trần.
Những hộ dân ở đây cho biết đất nông nghiệp ở thôn Kim Sen, xã Kim Sơn được đánh giá là đất màu mỡ nhất huyện, năng suất lúa luôn đạt 3-4 tạ thóc/sào. Từ bao đời nay người dân trong thôn chỉ biết chăm chỉ cấy cày, một năm làm hai vụ lúa, trừ các chi phí vẫn đủ tiền cho con ăn học. “Mỗi vụ chỉ cần vẩy mấy hạt phân tổng hợp thôi mà lúa vẫn tốt. Giờ họ trả giá đền bù như thế thì mỗi mét vuông đất chỉ bằng bát phở” – bà Thức chua chát.
“Giá đền bù thế là thỏa đáng rồi!”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Tiến Thiệu, phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều, cho biết cơ chế chính sách đền bù giải phóng mặt bằng tại địa phương được áp dụng theo quyết định 499 của UBND tỉnh Quảng Ninh về giá đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo đó, tại thời điểm người dân ở xã Kim Sơn bị thu hồi đất, mức bồi thường thiệt hại đất nông nghiệp đối với vùng đồng bằng là 38.000 đồng/m2. Ngoài ra người dân được hỗ trợ thiệt hại hoa màu, hỗ trợ việc làm thêm 2,5 lần mức tiền đền bù.
“Tính tổng tất cả thì mức đền bù là 47 triệu đồng/ sào (mỗi sào bằng 360m2 – PV) kèm theo tỉ lệ mất đất, với những gia đình bị thu hồi trên 30% đất thì được nhận 180kg gạo/ nhân khẩu, những gia đình mất trên 70% đất được nhận 360kg gạo/nhân khẩu. Mức đền bù như vậy là thỏa đáng rồi” – ông Thiệu nói.
Về vấn đề người dân khiếu nại dự án này là dự án xây dựng khu đô thị nên chủ đầu tư phải thỏa thuận giá đền bù với người có đất, ông Thiệu cho biết dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu đô thị Kim Sơn là dự án do Nhà nước thu hồi đất để xây dựng phát triển kinh tế địa phương.
Ông Thiệu giải thích dự án nằm trong vùng lõi về quy hoạch chung để phát triển đô thị huyện Đông Triều nhưng do địa phương không có ngân sách nên giao cho Công ty TNHH Thành Tâm 668 làm chủ đầu tư.
“Thật ra nói là chủ đầu tư làm nhưng vẫn là tiền ngân sách. Nhà đầu tư bỏ tiền trước, sau này dự án hoàn thành, phân lô, bán nhà trong khu đô thị, nhà đầu tư lấy lại vốn, còn tiền lãi nộp ngân sách để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương” – ông Thiệu nói.
Muốn trả lại dự án cho địa phương
Về phía chủ đầu tư, ông Đồng Thanh Hải, giám đốc Công ty TNHH Thành Tâm 668, cho rằng giá đền bù là theo quy định của chính quyền địa phương, doanh nghiệp không quyết định mức giá đền bù.
“Người dân kêu thấp nhưng giá đền bù 38.000 đồng/m2, rồi tính thiệt hại hoa màu, hỗ trợ việc làm, tỉ lệ mất đất… cũng phải hơn 100.000 đồng/m2. Mức giá là theo quy định, phía doanh nghiệp cũng không thể tự đặt ra là 10 triệu hay 20 triệu/m2” – ông Hải nói.
Theo ông Hải, dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu đô thị Kim Sơn với tổng diện tích gần 42ha được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ năm 2004, giao cho Công ty An Sinh làm chủ đầu tư.
Năm 2009, vì lý do khó khăn về tài chính, Công ty An Sinh bỏ dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định điều chuyển dự án cho Công ty TNHH Thành Tâm 668. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do còn khoảng 5ha của hơn 60 hộ dân chưa được giải tỏa.
Tháng 5-2012, UBND huyện Đông Triều đã có quyết định cưỡng chế, thu hồi đất đối với các hộ dân này. “Công tác giải phóng mặt bằng quá lâu, công ty gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có công văn muốn trả lại dự án cho huyện” – ông Hải nói.

Tạm giữ 4 người gây rối trật tự công cộngNgày 22-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã Kim Sơn, huyện Đông Triều. Cơ quan điều tra cũng ra lệnh tạm giữ hình sự bốn người gồm Nguyễn Thị Lan Phương (sinh 1981, thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều), Nguyễn Văn Bé (1978), Trần Anh Tuấn (1984) và Trần Văn Ký (1959) cùng trú tại thôn Kim Sen, xã Kim Sơn, huyện Đông Triều về hành vi “gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông”.
THÂN HOÀNG

Không có nhận xét nào: