Pages

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Luật đất đai: Tu từ, nhóm lợi ích, hay súng nổ?

Kính Hòa, phóng viên RFA
Co-Nhue-1-305.jpg
Vụ cưỡng chế và san ủi mặt bằng xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm hôm 22/9/2008.
File photo

Sở hữu toàn dân

Một vụ nổ súng có liên quan đến đất đai tại tỉnh Thái Bình là một người chết và hung thủ tự sát. Nguyên nhân sâu xa của sự việc là bộ luật đất đai của Việt Nam không công nhận quyền sỡ hữu tư nhân.
Năm 1997 nông dân tỉnh Thái Bình nổi loạn tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ. Trong một đêm cuối tháng sáu, hàng ngàn người kéo nhau đập phá ủy ban hành chính xã, trụ sở đảng cộng sản cùng nhà của các cán bộ xã. Nguyên nhân của vụ nổi loạn này được cho là do những cán bộ nắm quyền tham nhũng, sử dụng những khoản tiền đóng góp cho mục tiêu công ích làm của riêng.

Mười sáu năm sau, một người dân tỉnh Thái Bình là Đặng Ngọc Viết dùng súng bắn các cán bộ của tỉnh rồi tự sát. Các cán bộ này làm việc cho Trung tâm phát triển quỹ đất. Nguyên nhân của vụ việc được cho là do sự bất đồng giữa  Trung tâm này và gia đình hung thủ về việc bù tiền cho căn nhà của anh ta sẽ bị giải tỏa.
Luật đất đai ở Việt Nam không cho phép người dân được sở hữu mảnh đất của mình, và do vậy không thể quyết định bán mảnh đất ấy theo giá mình muốn, mà giá ấy được quy định bởi Nhà nước, và Nhà nước trong câu chuyện nổ súng này chính là những viên cán bộ làm việc trong Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh Thái Bình.
Năm 1997, Việt Nam đã thực hiện chương trình cải cách kinh tế được gần 10 năm kể từ khi Đảng cộng sản chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng vẫn duy trì sự độc tôn lãnh đạo. Do kinh tế thị trường mà các cán bộ xã An ninh vừa kể trên có thể làm giàu dựa trên quyền lực độc tôn của mình ở xã trong vai trò đại diện của đảng cộng sản cầm quyền. Theo một nghiên cứu của Giáo sư Tương Lai ngay sau cuộc nổi loạn xảy ra, thì sự phân hóa xã hội giữa một bên là các cán bộ giàu có do tham nhũng và những người nông dân vẫn còn nghèo khó là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc đập phá vào đêm cuối tháng sáu ấy.
Khi đã công nhận sở hữu tư nhân thì cứ thuận mua vừa bán thôi. Chứ còn cái sở hữu toàn dân nó gây bao nhiêu là cảnh khốn cùng cho người dân.
-Lê Hiếu Đằng
Trong 13 năm qua, kinh tế xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Nhiều công ty tư nhân ăn nên làm ra, nhiều nông dân đổ xô vào thành thị tìm việc làm, nhiều vùng quê biến thành phố xá, nhà máy, công ty… Tuy vậy có những điều vẫn không đổi. Luật đất đai quy định sở hữu toàn dân vẫn không đổi, và sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản vẫn không đổi.
Nếu năm 1997 các quan chức địa phương tại Thái Bình tham nhũng một cách đơn giản là lấy tiền từ công quỹ dùng cho gia đình mình, thì mười mấy năm sau, sự nhũng lạm là tinh vi và phức tạp hơn. Bây giờ xuất hiện các nhà tài phiệt giàu có, cần đất đai để làm ăn. Sự thông đồng của họ với các quan chức phụ trách đất đai ở địa phương đã tận dụng tối đa nguyên tắc đất đai là sở hữu toàn dân để thu lợi. Họ cùng nhau lấy đất của người nông dân với một giá rẻ rồi bán lại với giá đắt cho giới có tiền.
Sự tranh cãi về tiền đền bù đất đai giữa nông dân và chính quyền tỏ ra rất mất cân sức vì nông dân không có quyền về mặt pháp lý trên mảnh đất của mình. Trong những nổ lực vô vọng của sự sống còn, người ta chứng kiến hàng đoàn nông dân mất đất lê la từ trong nam ra ngoài bắc, đến bất cứ cửa quan cửa đảng nào mà họ hy vọng đòi lại được đất.

Đất đã thấm máu

Nhà cầm quyền Việt Nam không phải là không biết vấn đề này, và họ đã lập ra các Ban giải phóng mặt bằng, hay Trung tâm phát triển quỹ đất như trường hợp tỉnh Thái Bình, hy vọng tạo ra được… “đất sạch,” tức là loại đất không có người nông dân nào đòi hỏi tiền bạc của mình nữa. Song, quyền lực vẫn là tuyệt đối, và đất đai vẫn là của chung mà không thể sạch được. Không những không sạch mà bây giờ còn thấm máu.
bt-qn-305.jpg
Công an trấn áp người dân phản đối cưỡng chế đất xây dựng khu đô thị tại xã Kim Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, hôm 21-12-2012.
Nhiều người đã lên tiếng đòi phải thay đổi luật đất đai với việc công nhận đa sở hữu tức là có sở hữu tư nhân. Luật gia Lê Hiếu Đằng nói với chúng tôi:
“Khi đã công nhận sở hữu tư nhân thì cứ thuận mua vừa bán thôi. Chứ còn cái sở hữu toàn dân nó gây bao nhiêu là cảnh khốn cùng cho người dân.”
Những đòi hỏi sửa đổi luật đất đai này đã không được lắng nghe vì đảng cộng sản cho rằng nếu công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân thì nước Việt Nam không còn theo định hướng xã hội chủ nghĩa nữa.
Thực sự cái định hướng xã hội chủ nghĩa ấy với chế độ công hữu về đất đai như những nhà thành lập học thuyết cộng sản chủ trương, có tầm quan trọng đến thế chăng trong cái không khí làm ăn rộn ràng hiện nay của xã hội Việt Nam?
Nhiều nhà quan sát cho rằng đã hình thành các nhóm lợi ích trong xã hội Việt Nam hiện tại, các lợi ích ấy bao gồm cả lợi ích đất đai ở các địa phương. Và chính các nhóm này đã tác động lên việc làm chính sách của quốc gia.
Việc can dự của các nhóm lợi ích này vào chính sách và luật lệ về đất đai thấy rất rõ trong một đề nghị gần đây là thêm vào luật đất đai việc cưỡng chế trưng dụng đất đai cho cả các dự án kinh tế xã hội, thay vì chỉ vì lợi ích công cộng và quốc phòng như trước. Và việc kiềm chế sự tác động của các nhóm lợi ích này chỉ có thể giải quyết theo một cơ chế thị trường thuận mua vừa bán như luật gia Lê Hiếu Đằng đề cập, vì khi đó người nông dân mới có quyền quyết định trên mảnh đất của mình, đương đầu bằng pháp lý với các nhóm lợi ích.
Một nông dân ở làng Trịnh Nguyễn, nơi đang xảy ra giằng co giữa dân làng và chính quyền về việc trưng dụng đất đai, sau khi nghe vụ nổ súng ở Thái Bình nói với chúng tôi như sau:
Cái việc này nó xảy ra vì pháp lý không rõ ràng, làm con người ta ức chế, từ ức chế bộc phát thành hành động thôi.
-Một nông dân
“Cái việc này nó xảy ra vì pháp lý không rõ ràng, làm con người ta ức chế, từ ức chế bộc phát thành hành động thôi. Quyền lợi của người ta là chính đáng, mà cứ đè người ta ra mà cướp đất. Đằng nào cũng chết, mà chết rồi cũng xong.”
Không xa Thái Bình là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, nông dân Đoàn Văn Vươn đã dùng súng hoa cải bắn vào những người đến “cưỡng chế giải tỏa” khu đất của gia đình. Vụ việc vẫn còn nóng và bản án dành cho anh Vươn vẫn đang được công luận bàn cãi, thì nay lại xảy ra vụ nổ súng tại Thái Bình. Lần này, mặc dù sẽ không đưa đến một phiên tòa nào nhưng để lại hai xác chết.
Khi được hỏi vấn đề sở hữu đất đai, người nông dân ấy trả lời:
“Tôi là một người dân, những vấn đề chính trị tôi không biết gì và tôi cũng không có quyền. Nhưng tôi nghĩ là người dân cần trước hết là sự bình yên, rồi sau đó là quyền lợi của một con người.”
Trách nhiệm nằm ở những người cầm quyền, họ muốn duy trì câu chữ của lý thuyết cộng sản công hữu về đất đai mà dung dưỡng sự lộng hành của các nhóm lợi ích, như Luật gia Lê Hiếu Đằng nói với chúng tôi trong một lần phỏng vấn:
“Bây giờ mà cứ lấn cấn câu chữ, chế độ này chế độ nọ thì không đổi mới được gì.”
Hay là đáp ứng quyền lợi của một con người cho người dân như câu nói của người nông dân làng Trịnh Nguyễn.
Những người nông dân rõ ràng là không hề biết tới các lý thuyết chính trị xã hội như sở hữu toàn dân, hay là sự chi phối của các nhóm lợi ích tuy nhiên họ biết mảnh đất của họ bị mất do ai và từ đó vụ nổ súng Đặng Ngọc Viết xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Không có nhận xét nào: