Pages

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Philippines sẽ dỡ bỏ khối bê-tông của Trung Quốc tại bãi cát ngầm tranh chấp

Tranh chấp trên biển giữa TQ và Philippines
Giới chức Philippines đang xem xét dỡ bỏ các khối bê tông được cho là do Trung Quốc cài đặt trên một bãi cát ngầm ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Phó Đô đốc Jose Luis Alano nói với hãng tin AFP rằng hiện chưa phát hiện có thêm động thái nào tại khu vực bãi cạn Scarborough kể từ khi Bộ Quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc chôn 75 khối bê tông ngầm ở dưới nước ở khu vực bãi cạn vào tuần trước. Khu vực này được cả Manila và Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.



Ông Alano cho biết các cuộc thảo luận đã được tiến hành nhằm "giải quyết" vấn đề nhưng quyết định cuối cùng về việc có loại bỏ các khối bê tông kể trên là do chính phủ Philippines chứ không phải thuộc bên quân sự.

Giới chức Philippines cảnh báo rằng việc chôn các khối bê tông có thể là bước khởi đầu cho các công trình xây dựng kiên cố của Trung Quốc tại bãi cát ngầm.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước phủ nhận rằng Bắc Kinh đã đặt các khối bê tông, trong khi khẳng định khu vực là một phần lãnh thổ của Trung Quốc .

Bãi cạn cách đảo Hải Nam, lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc, khoảng 650 km, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực biển Đông, bao gồm cả các vùng biển gần bờ của các nước láng giềng.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo với các khu vực khác nhau trên vùng biển và việc này đã gây ra nhiều căng thẳng trong nhiều thập niên.

Philippines và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bế tắc về chủ quyền liên quan đến bãi cạn Scarborough từ năm 2012.

Manila nói trên thực tế Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát bãi cạn này bằng cách trấn đóng nhiều tàu ở khu vực và ngăn chặn ngư dân Philippines xâm nhập.

Vào tháng Một vừa qua, chính phủ Manila đã yêu cầu một tòa án của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về tính hợp lệ của các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra với hầu hết biển Đông.

Trung Quốc đã bác bỏ hành động này và nói rằng họ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương với các bên có liên quan./AFP

Không có nhận xét nào: